Đang xảy ra tình trạng lao động Việt Nam làm việc tại Đài Loan ồ ạt bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp để làm thêm kiếm tiền trả nợ.
Nhiều lao động cho biết, bỏ trốn là để “tự cứu mình” vì trước khi, họ phải nộp phí quá cao. Anh Nguyễn Văn Phúc quê Kỳ Anh, Hà Tĩnh cho biết từng làm việc 2 năm tại Đài Loan. Mức phí đóng cho công ty môi giới là 6.500 USD.
“Tôi đã làm cật lực nhưng sau hai năm vẫn không thu hồi đủ vốn. Quá nản tôi nên xin về nước, còn nhiều anh em cố tình trốn ở lại để kiếm tiền trả nợ” – anh Phúc cho biết.
Nhiều lao động khác cho biết, mức lương 650 USD khi làm việc tại Đài Loan chỉ là lương cơ bản. Sau khi trừ các chi phí ăn ở (tối thiểu cũng khoảng 900 Đài tệ, tương đương khoảng 300 USD) thì chỉ còn lại 350 USD/tháng.
“Mức 350 USD là chưa tính đến chi tiêu cá nhân. Nếu ai chi tiêu nhiều, số tiền tích luỹ hầu như không còn, trong khi chi phí đã nộp từ 6.500-7.000 USD” – lao động Trần Văn Nam, quê ở Quảng Bình cho biết.
Tiền vào túi ai?
Theo ghi nhận của PV, đa số lao động khi được hỏi đều cho biết, họ bỏ trốn vì chi phí họ phải trả cho Cty môi giới quá cao.
Theo quy định, mức phí đi làm công nhân nhà máy và xây dựng với hợp đồng 3 năm tại Đài Loan là 4.500 USD/hợp đồng; nghề giúp việc gia đình, chăm sóc sức khỏe là 3.600 USD/hợp đồng.
Tuy nhiên, theo số liệu điều tra thực tế của Ủy ban Lao động Đài Loan, mức phí để NLĐ Việt Nam nộp trung bình từ 5.000-6.000 USD; thậm chí rất nhiều lao động phải nộp tới 7.000 USD.
Trong đó, phần chênh lệch khoảng 1.800 – 2.500 USD (cao hơn so với quy định) chính là phần tiền môi giới bị đội tăng cao và khoản tiền này NLĐ phải chịu.
Ông Đào Công Hải – Phó Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước cho biết, theo số liệu điều tra năm 2010 và năm 2011, đúng là mức phí của NLĐ Việt Nam trung bình khoảng 5.600-6.000 USD; thậm chí một số lao động bị thu đến khoảng 6.500-7.000 USD/người, cao hơn quy định khoảng 1.800-2.500 USD.
Theo ông Hải, nguyên nhân phí đi làm việc tại Đài Loan cao là vì hiện nay có quá nhiều đầu mối tuyển chọn lao động. Theo báo cáo, hiện có tổng cộng 67 doanh nghiệp được Đài Loan cấp phép hoạt động đưa lao động sang làm việc.
Tuy nhiên, con số thực lên tới khoảng hơn 300 đầu mối. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam không còn giấy phép nhưng vẫn móc nối với các doanh nghiệp khác mượn tư cách pháp nhân hoặc ngược lại cho các tổ chức, cá nhân Đài Loan mượn tư cách pháp nhân để tuyển người.
“Qua kiểm tra, nhiều lao động Việt Nam tại Đài Loan chỉ biết tên Cty Đài Loan đưa đi” – ông Hải khẳng định.
Sẽ chấn chỉnh
Theo ông Hải, thực tế đang có tình trạng một số chủ sử dụng lao động Đài Loan không đủ điều kiện tiếp nhận lao động nước ngoài nên cố tình tuyển lao động bất hợp pháp và các cơ quan chức năng Đài Loan vẫn chưa có các biện pháp kiên quyết để xử lý.
Cùng đó, tình trạng các doanh nghiệp dịch vụ việc làm của Đài Loan tùy tiện nâng mức phí môi giới đối với doanh nghiệp Việt Nam, trong khi năng lực đàm phán của doanh nghiệp Việt Nam quá kém nên khoản phí đội lên, gây thiệt thòi cho NLĐ Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh – Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước cho biết, trong tuần này, Cục sẽ tổ chức họp báo để chấn chỉnh tình trạng NLĐ phải đóng phí cao khi đi làm việc tại Đài Loan. “Chúng tôi sẽ đề nghị các doanh nghiệp hạ mức phí theo đúng quy định để ổn định tình hình. Nếu doanh nghiệp nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm” – ông Quỳnh nói.
* Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, hiện có hơn 93.000 lao động Việt Nam làm việc tại Đài Loan, xếp thứ hai sau Indonesia. Trung bình mỗi năm, có 39.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại thị trường này, chiếm hơn 30% tổng số lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài.
Tính đến 31-12-2011, Việt Nam có trên 49.000 lao động bỏ trốn (trong đó có khoảng 30.000 là lao động nữ) – chiếm gần 41% số lao động nước ngoài bỏ trốn tại Đài Loan.
Trung bình mỗi tháng, có khoảng 550 lao động bỏ trốn tại Đài Loan. Con số lao động bị trục xuất về nước cũng tăng cao khi gần 35.000 lao động đã bị trục xuất về nước.
* Theo quy định, mức phí đối với người lao động đi làm việc tại Đài Loan tối đa là 4.500 USD/người/hợp đồng 3 năm trong các ngành công nghiệp, trong đó phí môi giới không quá 1.500 USD; không quá 3.800 USD/người/hợp đồng 3 năm khi đi làm việc trong gia đình và chăm sóc sức khoẻ, trong đó phí môi giới tối đa không quá 800 USD.
Doanh nghiệp có thể thoả thuận với lao động việc ký quỹ đảm bảo thực hiện hợp đồng nhưng mức tiền ký quỹ tối đa không quá 1.000 USD/người/hợp đồng 3 năm.
|
Phong Cầm
Theo Tiền Phong
Bình luận (0)