Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Lao động phổ thông: tìm mãi không ra!

Tạp Chí Giáo Dục

Tuyển dụng lao động tại một ngày hội việc làm

Tại phiên giao dịch việc làm tỉnh Đồng Nai lần thứ 17 do Trung tâm Giới thiệu việc làm (GTVL) Đồng Nai tổ chức vào giữa tháng 8, Công ty TNHH Scancom VN (Dĩ An – Bình Dương) có nhu cầu tuyển dụng 560 lao động, trong đó có 500 lao động phổ thông. Sau phiên giao dịch, Công ty Scancom chỉ nhận được 30 hồ sơ dự tuyển. 

Sàn giao dịch cũng khó tuyển lao động

Không riêng gì Scancom, tại Công ty CP May Đồng Nai, để có nguồn lao động phục vụ cho những đơn hàng mới, công ty cũng đã tham gia nhiều phiên giao dịch việc làm để tuyển lao động. Mới đây nhất, khi tham gia phiên giao dịch lần thứ 17, công ty rao tuyển 214 lao động, trong đó lao động phổ thông là 200 người nhưng chỉ nhận được khoảng 50 hồ sơ. Riêng tại 3 phiên giao dịch mà công ty tham gia trước đó, số lao động được tuyển dụng chỉ là con số quá nhỏ so với tổng nhu cầu của doanh nghiệp (DN). 

Tình trạng thiếu hụt lao động phổ thông cũng diễn ra ở các DN đóng tại tỉnh Bình Dương, nơi có nhiều khu công nghiệp đang thu hút số lượng lớn lao động. Tại phiên giao dịch việc làm Bình Dương lần 12 do Trung tâm GTVL Bình Dương vừa tổ chức đầu tháng 8, Công ty TNHH T.O.C (Tân Uyên- Bình Dương) cũng có nhu cầu tuyển 600 lao động;

Công ty Onamba chuyên sản xuất dây cáp điện đóng tại KCN VN – Singapore cũng cần 300 người phục vụ cho sản xuất. Công ty CP Gỗ Kaiser (KCN Mỹ Phước) cũng cần tuyển 1.500 lao động. Thế nhưng theo ông Huỳnh Tân Hiệp, phụ trách GTVL của Trung tâm GTVL Bình Dương, nhu cầu tuyển dụng 6.355 người nhưng kết quả phiên giao dịch chỉ có 786 lao động được phỏng vấn trực tiếp và qua mạng.

Tuyển người quen của nhân viên

Cách đây hơn 2 tuần, Công ty FAPV đóng tại KCX Tân Thuận – TP.HCM có nhu cầu tuyển dụng 1.000 lao động phổ thông sản xuất linh kiện điện tử. Để có nguồn lao động, công ty gởi nhu cầu đến Trung tâm GTVL các KCX- KCN TP.HCM. Thế nhưng, mỗi tuần, chỉ nhận được 1-2 người từ trung tâm gởi đến. Không thể ngồi chờ, mới đây FAPV ký hợp đồng cung ứng lao động trọn gói với Công ty GTVL Trí Tâm đóng tại quận 7- TP.HCM. Thế nhưng hai tuần trôi qua, Trí Tâm cũng chỉ giới thiệu được 3 lao động cho FAPV.

Ông Phan Hồng Long, Giám đốc Công ty Trí Tâm, nói: “Chúng tôi cho đội ngũ nhân viên tuyển dụng tìm kiếm lao động khắp các nơi như Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Lâm Đồng… nhưng không có nguồn lao động. Thậm chí, những lao động trên 35 tuổi, độ tuổi mà DN ngại nhận trước đó cũng không thể tìm ra”.

Trước tình trạng thiếu hụt nhân lực, FAPV đưa ra chế độ thưởng cho nhân viên khi giới thiệu người quen vào làm việc tại DN. Theo chị Trương Thị Tuyết Vân, phụ trách nhân sự Công ty FAPV, nếu nhân viên của công ty giới thiệu được người quen vào làm việc sau thời gian thử việc sẽ được thưởng 250.000 đồng/người. Để thu hút lao động, ngoài tiền lương, FAPV còn có chế độ phụ cấp, hỗ trợ tiền nhà ở, chuyên cần và chi phí đi lại cho lao động.

Sẽ tiếp tục thiếu hụt lao động

Từ đầu năm đến nay, trung tâm đã tổ chức 5 phiên giao dịch việc làm thu hút 87 doanh nghiệp tham gia với nhu cầu tuyển dụng gần 10.000 lao động. Tuy nhiên, số lao động được sơ tuyển chỉ có 1.580 người.

Ông Mao Quốc Trung (Phó Giám đốc Trung tâm GTVL Đồng Nai)

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, dự báo: “Từ sau tháng 9, nhu cầu lao động tại TP.HCM sẽ tăng mạnh. Các DN tại TP.HCM có nhu cầu tuyển 10.000 lao động, trong đó lao động phổ thông chiếm khoảng 50%”.

Lý giải cho sự thiếu hụt lao động phổ thông hiện nay, ông Trần Anh Tuấn cho rằng do thời gian qua, nhiều lao động nghỉ việc bởi tác động của suy giảm kinh tế. Sau khi nghỉ việc, các lao động đã chuyển sang làm ở khu vực nông thôn và phần đông chưa có ý định quay trở lại làm việc tại TP. Tình trạng trên gây áp lực về nhân sự cho các DN nhất là những DN giày da, dệt may.

Cũng từ thực tế tuyển dụng, ông Phan Hồng Long nhận định: “Nhiều lao động luôn có tâm lý không thích rời quê trở lại TP. Bởi với họ, dù lương ở quê không cao nhưng bù lại họ được gần gũi gia đình, không tốn chi phí như nhà ở, đi lại”…

Theo NGUYỄN HUỲNH – Người lao động

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)