Theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn là một thách thức đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, do lao động thiếu kỹ năng nghề, kỹ năng mềm và hạn chế ngoại ngữ, CNTT…
Sinh viên tìm việc làm tại Ngày hội việc làm do Khu Công nghệ cao TP.HCM tổ chức
Lực lượng lao động qua đào tạo thấp
Các chuyên gia giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và việc làm khẳng định, xây dựng và phát triển lực lượng lao động qua đào tạo cũng chính là yêu cầu nâng cao chất lượng lao động Việt Nam trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế. Đặc biệt là trước tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như ứng phó với các yếu tố khó lường của dịch bệnh, thiên tai đã và đang tác động trên quy mô toàn cầu. TS. Vũ Xuân Hùng (Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục GDNN – Bộ LĐ-TB&XH) chia sẻ: Lao động qua đào tạo có tầm quan trọng chiến lược trong việc phát triển kinh tế. Doanh nghiệp sẽ tiến đến bắt buộc sử dụng lao động qua đào tạo mới có thể tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo của cả nước đạt từ 65% đến 70%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 25%. Tuy nhiên, theo bản tin thị trường lao động quý I năm 2020, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trên cả nước có khoảng 55,33 triệu người, trong đó tỷ lệ lao động có văn bằng, chứng chỉ chiếm khoảng 23,7% – tương đương 13,11 triệu người. Như vậy, so với quy mô của lực lượng lao động hiện nay, số lao động qua đào tạo còn hạn chế. ILO đánh giá chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn là một thách thức đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Điều này thể hiện ở nhiều góc độ nhưng trước hết phải nói đến là lực lượng lao động còn thiếu hụt về kỹ năng nghề, kỹ năng mềm và hạn chế về năng lực ngoại ngữ, năng lực ứng dụng CNTT. Cũng theo ILO, để thu hẹp và lấp những “khoảng trống về kỹ năng” của lực lượng lao động cần thực hiện đào tạo qua doanh nghiệp hoặc các cơ sở GDNN đào tạo theo yêu doanh nghiệp. Bà Bùi Minh Tâm (Giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực, Trường CĐ Kỹ nghệ II) cho biết hành trang đầy đủ của một sinh viên ra trường tham gia vào thị trường lao động không chỉ có kiến thức chuyên môn mà còn phải có ngoại ngữ và nhiều kỹ năng khác. Ngoài kỹ năng thực hành, luyện tay nghề ở các khoa, trung tâm có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cho sinh viên đáp ứng theo yêu cầu của doanh nghiệp.
Giáo dục nghề nghiệp: chìa khóa kéo giảm thất nghiệp
Đại diện Cơ quan hợp tác phát triển Đức (GIZ) cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia trong khu vực ASEAN có tốc độ tăng trưởng nhanh và khá ổn định kể từ năm 2000. Tuy nhiên, để duy trì sự ổn định và phát triển hơn nữa, Việt Nam phải phát triển nguồn nhân lực và lực lượng lao động có tay nghề. Sự thiếu hụt lao động có tay nghề kỹ thuật là nút thắt quyết định đến sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế năng động trong khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng. “GDNN cũng được xem là chìa khóa để giảm tỷ lệ lao động phổ thông không có tay nghề và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên. Theo đó, GDNN được ưu tiên trong chương trình nghị sự của hầu hết các nước thành viên. Tuy nhiên trong thực tế, những người tốt nghiệp THPT học nghề cũng như học ĐH thường không đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp về chuyên môn kỹ thuật và năng lực thực hành. Hậu quả là thất nghiệp và gia tăng chi phí đào tạo cho các doanh nghiệp”, đại diện GIZ nói.
TS. Trương Anh Dũng (Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN) cho biết Bộ LĐ-TB&XH vừa ban hành thông tư về danh mục ngành nghề người sử dụng lao động phải tuyển lao động qua đào tạo là một bước ngoặt quan trọng, là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với người lao động cũng như doanh nghiệp sử dụng lao động. Thông tư này đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phát triển lực lượng lao động có kỹ năng và sẽ tạo hành lang pháp lý quy định các ngành nghề mà người sử dụng lao động phải sử dụng lao động đã qua đào tạo. |
Theo khảo sát của Tổng cục GDNN, hiện nay các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI đang ưu tiên tập trung sử dụng lao động trẻ, chủ yếu là lao động phổ thông chưa qua đào tạo, trình độ kỹ năng rất hạn chế, thiếu kiến thức về vệ sinh và an toàn lao động. Điều này dẫn tới năng suất lao động tại doanh nghiệp thấp, ảnh hưởng chung tới năng suất lao động quốc gia. Mặt khác, do thiếu văn bằng, chứng chỉ về chuyên môn kỹ thuật nên người lao động chịu nhiều thiệt thòi như được trả lương không thỏa đáng và nhiều chế độ khác dành cho người lao động tại doanh nghiệp. Đặc biệt là dễ bị doanh nghiệp sa thải khi tuổi cao, khi doanh nghiệp cập nhật công nghệ, điều chỉnh cơ cấu sản xuất, kinh doanh hoặc nền kinh tế chịu tác động của thiên tai, dịch bệnh.
Trần Trọng Tri
Bình luận (0)