Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Lao động trẻ thiếu tác phong công nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Vừa qua, 30 doanh nghiệp Nhật Bản đã trực tiếp đến Trường ĐH Công nghệ TP.HCM tuyển dụng sinh viên nhân ngày hội việc làm do trường tổ chức. Đa số doanh nghiệp đều trả lương rất cao nhưng vấn đề họ lo lắng là lao động Việt thiếu tính kiên nhẫn, tác phong công nghiệp.

Được trả lương cao

Hầu hết doanh nghiệp Nhật Bản đều cho biết sẽ dành thời gian đào tạo lại nhân sự sau khi tuyển dụng. Có doanh nghiệp đào tạo 3 tháng nhưng cũng có doanh nghiệp đào tạo 6 đến 9 tháng. Theo đó, sinh viên mới ra trường được tuyển dụng vẫn được trả lương để đảm bảo mức sống tối thiểu, còn khi đã là nhân viên chính thức thì được trả lương rất cao. Bà Trần Thụy Thùy Linh, Trưởng phòng Tổng vụ Công ty Digital Works Việt Nam, cho biết: “Mỗi năm, chúng tôi tuyển khoảng 50 đến 70 nhân sự người Việt. Hầu hết là các bạn trẻ mới tốt nghiệp ĐH đến ứng tuyển. Trong 3 đến 6 tháng đầu, nhân sự mới sẽ được chúng tôi đào tạo thêm nên mức lương ban đầu khoảng 170 đến 250 USD/tháng. Khi lao động đã thành thạo việc thì chúng tôi trả lương theo năng lực, từ 250 USD/tháng trở lên”.

Không chỉ tuyển lao động làm việc tại Việt Nam mà nhiều doanh nghiệp còn tuyển lao động làm việc tại Nhật Bản. Do đó mức lương được trả cho các sinh viên mới ra trường thuộc diện này khá cao, cộng với nhiều chế độ đãi ngộ khác. Ông Tsutomu, Giám đốc Công ty SIC, cho hay: “Tại ngày hội này, chúng tôi muốn tuyển 3 lao động làm việc tại Nhật Bản với vị trí là kỹ thuật viên và nhân viên kinh doanh. Sở dĩ chúng tôi đến tận đất nước các bạn để tuyển dụng lao động vì chúng tôi được biết người Việt rất năng động, chăm chỉ, thông minh. Nếu được tuyển dụng, mọi chi phí ở Nhật Bản như tiền thuê nhà, tiền điện nước… công ty sẽ trả toàn bộ, ngoài ra các em còn nhận 250 ngàn Yên/tháng (khoảng 46 triệu đồng – PV), mức lương này sẽ tăng tùy theo năng lực tiếp cận công việc của các em”.

Lần đầu tiên đến Việt Nam tuyển dụng nhân sự, sau một ngày phỏng vấn sinh viên, ông Miyata Jiro, Quản lý nhân sự Phòng Tổng vụ, Công ty Ogawa, phấn khởi: “Lần đầu sang đây tuyển dụng lao động tôi rất ấn tượng với nhà trường và sinh viên Việt Nam. Chúng tôi tuyển hai nhân viên, nếu được năm sau chúng tôi tiếp tục qua đây tuyển dụng. Khi lao động Việt Nam sang Nhật Bản, chúng tôi sẽ hỗ trợ các em tiền nhà và những vật dụng cần thiết như ti vi, tủ lạnh, máy sưởi… Mức lương những tháng đầu các em được công ty trả là 2.000 USD/tháng”.

Cần trang bị nhiều kỹ năng sống

Ông Tsutomu, Giám đốc Công ty SIC, trao đổi với sinh viên về những hạn chế của lao động Việt Nam

Mặc dù sinh viên Việt Nam được đánh giá là nhiệt tình, năng động, thông minh nhưng có không ít doanh nghiệp lo lắng về kỹ năng mềm của nhiều bạn trẻ còn thiếu trong thời kỳ hội nhập.

Ông Hiraga Satoshi, phụ trách tuyển dụng của Công ty KanTec, cho hay: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi tuyển dụng lao động Việt Nam nên để đánh giá khách quan nhất về năng lực thì phải qua một thời gian thử việc mới đánh giá được. Qua hai ngày phỏng vấn, chúng tôi thấy các em rất năng động nhưng năng lực tiếng Nhật cần được bổ sung thêm mới làm việc tốt”. Được biết, công ty này tuyển dụng vị trí kỹ thuật viên và nhân viên kinh doanh. Năm nay, công ty sẽ tuyển ba nhân viên để đưa sang Nhật bản tập huấn, sau đó về làm việc tại văn phòng đại diện của công ty ở Việt Nam.

Ngoài việc phải nâng cao năng lực ngoại ngữ thì tác phong công nghiệp, lối sống là hai vấn đề mà một số doanh nghiệp khá lo lắng. Ông Miyata Jiro chia sẻ: “Văn hóa Việt Nam và văn hóa Nhật Bản khá giống nhau vì cùng nằm trong một châu lục nhưng chúng tôi vẫn rất lo lắng về vấn đề kỷ luật, tác phong công nghiệp của các em. Ở Nhật Bản, người lao động đi làm rất đúng giờ giấc, tuân thủ mọi quy định của công ty vì chúng tôi sản xuất theo dây chuyền, nếu một người đến muộn thì những người khác cũng phải dừng công việc của mình. Trong khi đó, nhiều bạn trẻ Việt Nam chưa chú trọng đến giờ giấc làm việc, còn thiếu tác phong công nghiệp…”.

Sinh viên viết đơn xin ứng tuyển vào công ty Nhật Bản

Ngoài ra, việc thiếu tính kiên nhẫn cũng là một trong những vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng và các doanh nghiệp khác phải đau đầu. “Sinh viên mới ra trường chưa được thực hành thực tế nhiều nên trình độ chuyên môn còn yếu. Vì thế chúng tôi buộc phải đào tạo lại thêm một thời gian. Tuy nhiên, một số lao động có thái độ thiếu tiếp nhận, thiếu kiên nhẫn, gặp khó khăn là xin nghỉ việc gây khó khăn cho doanh nghiệp bởi mất thời gian tuyển dụng và đào tạo”, bà Trần Thụy Thùy Linh tâm tư.

Bài, ảnh: Dương Bình

Một số lao động có thái độ thiếu tiếp nhận, thiếu kiên nhẫn, gặp khó khăn là xin nghỉ việc gây khó khăn cho doanh nghiệp bởi mất thời gian tuyển dụng và đào tạo.

 

Bình luận (0)