Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Lao động trẻ về quê làm ăn: Cuộc sống còn nhiều khó khăn

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Một nữ công nhân lo bữa cơm tối sau một ngày làm việc mệt nhọc -Ảnh: V.Q.C.Gần đây, ngoài Khu kinh tế (KKT) Dung Quất, ở Quảng Ngãi đã hình thành thêm Khu công nghiệp (KCN) Tịnh Phong và Quảng Phú nên nhiều lao động (LĐ) Quảng Ngãi ở TP.HCM, Bình Dương ngược đường trở về quê.

Từ khi KCN Tịnh Phong hình thành, vùng đất quê – thôn Phong Niên Thượng, xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) cũng thay đổi hình hài với nhiều hàng quán, những khu nhà trọ công nhân (CN) nằm sâu trong hẻm mọc lên với diện tích 10-15m2/phòng.

Tại đây, chúng tôi gặp bạn Nguyễn  Thị Hòa quê ở  thôn Châu Tử, xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn khi Hòa vừa về nhà trọ, đang lúi húi vo gạo nấu cơm sau một ngày làm việc mệt nhọc.  Mười năm trước thi trượt đại học, Hòa vô TP.HCM làm nghề may gia công; dần dà nhận làm hàng mẫu cho một nhà may tư nhân ở quận Tân Bình với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng có  bao cơm trưa. Với mức lương  này,  Hòa tiện tặn hằng tháng gửi về cho mẹ 800.000 – 1 triệu đồng. Con gái làm ăn xa cũng phức tạp và nhớ quê.

Tết rồi về nhà nghe bạn bè kháo nhau về chuyện làm ăn ở quê Hòa mừng lắm, nộp ngay hồ sơ xin làm CN rồi làm thợ kỹ thuật chuyền cho Công ty may ĐT với mức lương không tệ: 1,5 – 2 triệu đồng/tháng. Hòa nói: “Về quê sướng thật. Hôm nào nhớ nhà là chạy về ngay chứ trước đây phải chờ tết”, nhưng rồi lại bảo thêm: “Tuy vậy ở quê cũng chẳng dễ dàng gì đâu. Giá thuê nhà trọ 250.000 đồng/tháng, giá thịt cá, tương cà… xem ra cũng không rẻ hơn ở TP.HCM”.

Thu nhập trên dưới 1 triệu đồng

Phó chủ tịch công đoàn các KCN Quảng Ngãi Đỗ Quang Khanh: 

Hai KCN Quảng Phú và Tịnh Phong hiện có 8.023 LĐ (98% là LĐ trong tỉnh). Lương bình quân 900.000đồng/tháng, với giá cả hiện nay chỉ đủ sống ở mức tối thiểu chứ khó có thể giúp gia đình. Ngoài sinh hoạt tại các khu nhà trọ chật hẹp, ẩm thấp, nhiều doanh nghiệp thiết bị công nghệ cũ, người LĐ phải làm việc trong môi trường ô nhiễm tiếng ồn; bụi vượt mức cho phép. Hai KCN này hiện có 43 doanh nghiệp nhưng chỉ trên 3.200 LĐ được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Để cải thiện cuộc sống cho CN và giữ chân các bạn yên tâm với công việc tại quê nhà, ban quản lý các KCN của tỉnh và các doanh nghiệp còn rất nhiều việc phải làm.

Ở KCN Quảng Ngãi, số LĐ có thâm niên và mức thu nhập như Hòa không nhiều. Đa số có mức thu nhập trên dưới 1 triệu đồng/tháng nên cuộc sống khá khó khăn.  Tại khu nhà trọ cách nhà trọ của Hòa chừng 100m, chúng tôi gặp  Lê Thị Thảnh, quê Phổ Ninh, huyện Đức Phổ. Rời TP.HCM, Thảnh làm thợ may trong KCN; cùng hai bạn khác thuê nhà trọ chừng 15m2 với giá 300.000 đồng/tháng. “Lương vậy nên sống tiện tặn lắm, không dám nghĩ đến chuyện đám cưới tiệc tùng với bạn bè”.  

Còn Lê Văn Trung  làm CN nấu phôi thép cho một công ty với mức lương 1,4 triệu đồng/tháng. Trung cùng hai bạn thuê nhà trọ 200.000 đồng/tháng. Ngoài bữa cơm trưa do công ty bao ăn, sáng và chiều Trung chỉ dám ăn cơm 7.000 đồng/đĩa. “Công việc mệt nhọc nên đi làm về là đánh một giấc đến sáng. Lương vậy nên chẳng dám đi chơi đâu…”  – Trung thú thật.

Cách không xa khu trọ của Trung là phòng trọ của Trần Cao Văn Lai ở xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức. Lai từng làm CN cho một xưởng cưa ở huyện Củ Chi, TP.HCM với mức lương 1,2 triệu đồng/tháng. Về quê làm nghề may mặc cho một công ty ở KCN, Lai thở dài: “ Ở quê có công ăn việc làm là mừng nhưng thật tình lương không cao, giá cả đắt đỏ nên cũng căng lắm…”.

Đến các khu nhà trọ CN ở Quảng Ngãi, hình ảnh dễ thấy nhất là những  phòng trọ đèn đóm tù mù và những vạt giường kê tạm bợ. Ông L.V.P., chủ một nhà trọ, chia sẻ: “Nhiều CN lương không đủ sống nên đến kỳ trả tiền phòng lại  khất nợ hoặc… bỏ trốn; thật ra cũng chỉ quanh trong các khu nhà trọ ở đây. Biết vậy nhưng họ không có tiền thì đòi cũng chẳng được”.

VÕ QUÝ CẦU

18.000 LĐ đến Bình Dương qua liên kết

Lao động trẻ Hà Giang đến Bình Dương thông qua chương trình liên kết lao động -Ảnh: A.T.Theo Sở LĐ-TB&XH Bình Dương, sau hai năm thực hiện chương trình liên kết lao động (LĐ) với các tỉnh (2007-2008), một số địa phương đã cung ứng cho Bình Dương hơn 18.000 LĐ. Cụ thể, trong năm 2007 có 7.450 LĐ, 2008 là 11.025 LĐ.

Hiện Bình Dương cũng đang ký kết ghi nhớ với các tỉnh Trà Vinh, Cà Mau, Phú Yên, Bắc Giang, Thanh Hóa… cung ứng hàng chục ngàn LĐ cho các doanh nghiệp. Tuy vậy, theo đánh giá chung của tỉnh, hiện nhiều tỉnh thành đang phát triển mạnh về công nghiệp nên đã thu hút số lượng không nhỏ LĐ trở về quê. Nhu cầu LĐ hằng năm của Bình Dương khoảng 50.000, tập trung các ngành may mặc, da giày, điện – điện tử…

ANH THOA

Theo TTO

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận (0)