Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Lao động trốn không về nước bị phạt 100 triệu đồng

Tạp Chí Giáo Dục

Trong thời gian tới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại cư trú bất hợp pháp với mức phạt lên tới 100 triệu đồng cho mỗi trường hợp vi phạm.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị sơ kết đánh giá kết quả thực hiện các giải pháp giảm tỷ lệ lao động làm việc tại Hàn Quốc hết hạn hợp đồng lao động không về nước được tổ chức ngày 7/5 tại Hà Nội

Người lao động nộp hồ sơ đăng ký dự thi tiếng Hàn tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội. Ảnh: Hữu Việt – TTXVN

Cục Quản lý Lao động ngoài nước sẽ trình Bộ LĐ-TB & XH ban hành tiền ký quỹ và bảo lãnh đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc; đề xuất biện pháp hạn chế tuyển lao động đi Hàn Quốc đối với địa phương không giảm được tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Cục Quản lý Lao động ngoài nước cũng trình cơ quan có thẩm quyền lập văn phòng đại diện của Trung tâm Lao động ngoài nước hỗ trợ Ban quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh và tuyên truyền vận động lao động Việt Nam tại Hàn Quốc về nước đúng hạn. Đồng thời, đề nghị phía Hàn Quốc thay đổi cách thức chi trả trợ cấp thôi việc, chỉ thực hiện chi trả sau khi người lao động về nước đúng hạn; đề nghị giữ một phần tiền lương của người lao động và chỉ thực hiện hoàn trả sau khi người lao động về nước đúng hạn; tăng cường truy quét, xử phạt lao động bất hợp pháp và có biện pháp xử phạt nghiêm đối với chủ sử dụng lao động này.

Theo báo cáo sơ kết đánh giá kết quả thực hiện các giải pháp giảm tỷ lệ lao động làm việc tại Hàn Quốc hết hạn hợp đồng lao động không về nước tại 11 tỉnh, thành phố trong cả nước, tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước chung của cả nước đã giảm từ 57,4% trong quý II/2013 xuống còn 50,7% vào quý I/2013.

Trong 11 địa phương có tình trạng lao động hết hạn hợp đồng không về nước có các tỉnh, thành phố như Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nội, Thanh Hóa có tỷ lệ lao động thấp hơn mức bình quân chung của cả nước (từ 50% trở xuống). Còn các tỉnh, thành phố khác như Bắc Giang, Thái Bình, Phú Thọ, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Nam Định, Nghệ An tỷ lệ này vẫn còn cao (từ 53% trở lên).

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, cho biết: Trong thời gian qua, các ngành chức năng trong cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và đoàn thể đối với vấn đề vận động lao động địa phương làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng hạn.

Cùng với việc định hướng dư luận từ chỗ xem việc ở lại Hàn Quốc làm việc sau khi hết hạn hợp đồng lao động là bình thương, đến nay các hành vi này đã bị lên án phê phán, gây áp lực tạo chuyển biến về nhận thức để các gia đình người lao động phải có trách nhiệm vận động con em mình về nước đúng hạn hoặc đang cư trú bất hợp pháp thì phải về nước.

Tuy nhiên, việc tổ chức hội nghị tuyên truyền tại các địa phương mới chỉ dừng lại ở những huyện có đông lao động phải về nước. Mặc dù Trung tâm lao động ngoài nước đã thông báo đầy đủ danh sách địa chỉ của người lao động trong diện này trong quý IV/2012 và 6 tháng đầu năm 2013 nhưng đến nay hầu hết các địa phương vẫn chưa báo cáo kế hoạch triển khai ở các huyện.

Đỗ Thảo Nguyên

(Báo Tin Tức)
 

Bình luận (0)