Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Lao động trong kỷ nguyên 4.0: Cơ hội nhiều, thách thức không ít

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Các chuyên gia giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và việc làm đánh giá, nếu không có giải pháp đào tạo nguồn nhân lực thì không lâu nữa Việt Nam đứng trước nguy cơ thiếu hụt nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Sinh viên một trường CĐ nghề tại TP.HCM thực hành nghề cơ khí

Thiếu kỹ năng sẽ bị đào thải

Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng vẫn là đích đến thu hút lao động chất lượng cao từ các nước trong khu vực. Vì vậy, nguy cơ thiếu hụt lao động chất lượng cao ngay trong nước là điều khó tránh khỏi. Do đó, quyết định chiến lược của TP.HCM về nâng cao chất lượng GDNN thông qua các dự án, chương trình phát triển của các cơ sở GDNN là một trong những bước đi quan trọng, không những kích thích tiềm lực giáo dục dạy nghề mà còn tác động đến chiến lược phát triển lâu dài của TP. TS. Huỳnh Thanh Điền (giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, thành viên Đề án công nghiệp hỗ trợ TP.HCM) nhận định: Cùng với cơ hội phát triển, TP.HCM cũng đã và đang đối mặt với những thách thức lớn về nguồn nhân lực, đó là di chuyển lao động giữa các nước, cạnh tranh cung cấp nguồn lao động chất lượng; thiếu hụt lao động thay thế (do về hưu, già hóa); lao động bên cạnh kỹ năng phải có ngoại ngữ, khả năng thích ứng với sự thay đổi công nghệ và tác phong công nghiệp; công tác quản lý lao động nước ngoài để đảm bảo tính cạnh tranh công bằng và hội nhập.

Trong khi đó, bà Phạm Quang Trang Thủy (Hiệu trưởng Trường TC nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương) cho rằng doanh nghiệp có xu hướng ứng dụng công nghệ robot vào quá trình sản xuất bên cạnh lao động con người. Phát triển doanh nghiệp và cạnh tranh mang yếu tố kỹ thuật, lao động kỹ thuật cao có kinh nghiệm sẽ được ưu tiên lựa chọn. Một báo cáo về tương lai các ngành nghề trong khu vực ASEAN cho thấy người lao động sẽ chịu ảnh hưởng lớn đến từ công nghệ của trí thông minh nhân tạo. Theo đó, lao động dư thừa do thiếu hụt kiến thức kỹ năng chiếm 6,6 triệu người. Khi thị trường lao động phát triển, các kỹ năng cần thiết cũng thay đổi. Nghiên cứu cho thấy 41% trong số 6,6 triệu lao động dư thừa bị thiết hụt các kỹ năng công nghệ thông tin theo yêu cầu của công việc mới.

Singapore là quốc gia ước tính sẽ có 500.000 việc làm bị thay thế vào năm 2028 do sự chuyển đổi kỹ thuật số. Con số này tuy nhỏ nhưng chiếm đến 21% lực lượng lao động của Singapore. Việt Nam được dự báo sẽ có khoảng 7,5 triệu người mất việc làm hoặc phải thay đổi công việc vào năm 2028 (tương ứng 13,8%). Trong khi đó, con số này ở Thái Lan là 4,9 triệu người (11,9% lực lượng lao động). Phần lớn những công việc này được đánh giá là đơn điệu và năng suất thấp, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đào tạo nhân lực chất lượng cao bằng cách nào?

“Theo nghiên cứu dự báo của American Research Company Foresster, năm 2019 sẽ có sự chuyển đổi trong phương thức tiếp cận thị trường lao động tại khu vực ASEAN, doanh nghiệp phải đối mặt với thách thức về tổ chức, kỷ luật và chính sách…”, bà Phạm Quang Trang Thủy (Hiệu trưởng Trường TC nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương) cho biết.

Để có nguồn nhân lực tiếp cận thị trường ASEAN và thế giới, bà Phạm Quang Trang Thủy cho biết việc bồi dưỡng chương trình Anh văn chuẩn BTEC, tin học chuẩn ICDL cho giáo viên, cán bộ quản lý là việc làm cần thiết. Bên cạnh đó, tổ chức các khóa học quản lý thiết bị, chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề tự động hóa, cơ khí, điện tử, cơ điện tử… Cùng quan điểm với bà Thủy, ông Phạm Hữu Lộc (Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng) cho rằng nguồn nhân lực đáp ứng thị trường lao động ASEAN phải bắt đầu thay đổi chương trình đào tạo, trang thiết bị đào tạo phù hợp, tương xứng với đầu tư của doanh nghiệp. Tương tự, TS. Nguyễn Phan Hòa (Hiệu trưởng Trường TC Nghề Nhân Đạo) khẳng định: Hợp tác với các trường nghề tiên tiến trong khu vực và thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Đức, Úc… không những giúp sinh viên, học sinh có đủ kiến thức, kỹ năng sau khi ra trường mà còn giúp các trường thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn.

Đề cập giải pháp đào tạo nhân lực tiếp cận thị trường lao động nước ngoài, ông Nguyễn Văn Lâm (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho biết trong năm 2019 sẽ tập trung kiểm định chất lượng ở những nghề được xác định là nghề tiêu chuẩn quốc tế và khu vực ASEAN. Khuyến khích các trường được lựa chọn thành trường chất lượng cao, trường có nghề trọng điểm xây dựng kế hoạch kiểm định chất lượng chương trình đào tạo. Đồng thời khuyến khích các đơn vị lựa chọn, áp dụng các chuẩn đánh giá của tổ chức có uy tín trên thế giới.

TS. Trương Anh Dũng (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, Bộ LĐ-TB&XH) lưu ý để đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao trước hết phải đầu tư về trang thiết bị đào tạo. Việc đầu tư khó có thể tương xứng với doanh nghiệp do kinh phí hạn hẹp, tuy nhiên cũng đừng quá lạc hậu, tránh lãng phí. Thị trường lao động hội nhập, bắt buộc người lao động phải hội đủ các kỹ năng bên cạnh kiến thức chuyên môn, vì vậy cần rà soát lại chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ đào tạo tại doanh nghiệp.

T.Anh

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)