Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Lao động trong ngành ôtô mất việc làm

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Nhiều DN sản xuất lắp ráp ôtô tại Việt Nam đang gặp khó khăn đã phải tạm ngừng sản xuất, cho lao động nghỉ việc.

Thị trường sụt giảm, DN cơ cấu lại nhân lực

Công ty Ford Việt Nam cho biết, đang tiến hành những điều chỉnh nhân sự để phù hợp với nhu cầu kinh doanh hiện tại, đảm bảo khả năng cạnh tranh và phát triển trong tương lai. Không đưa ra con số cụ thể, nhưng Ford Việt Nam thông báo có khoảng 20% nhân viên khối hành chính sẽ chịu sự tác động của chương trình này và Ford Việt Nam sẽ áp dụng chương trình hỗ trợ tiền lương tự nguyện cho các nhân viên. Cơ chế hỗ trợ này còn bao gồm cả những buổi tư vấn và hướng dẫn giúp nhân viên có thể tìm việc mới dễ dàng hơn.

“Chúng tôi tiến hành những điều chỉnh nhân sự cần thiết cho phù hợp với nhu cầu kinh doanh hiện tại để đảm bảo sự tồn tại của Ford ở Việt Nam và để đáp ứng những nhu cầu kinh doanh hiện tại của mình tại Việt Nam” – ông Michel Pease, Tổng giám đốc Ford Việt Nam nói.

 Ông Michel Pease cho biết thêm rằng sự suy thoái kinh tế toàn cầu đang tác động tới tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới khiến Ford Việt Nam, trong tình thế cấp bách, phải có những hành động cần thiết để đưa ra được một mô hình kinh doanh phù hợp, với cơ cấu chi phí hợp lý để có thể thành công trong thị trường cạnh tranh cao này.

Lắp ráp ôtô tại Công ty Honda Việt Nam. (Ảnh Trần Thuỷ)

Theo các nguồn tin thì do lượng bán xe đang sụt giảm mạnh và dự báo sẽ ở mức thấp từ nay đến hết năm 2009 nên Ford Việt Nam đã phải tính tới chuyện giảm lao động. Số liệu bán hàng của Ford Việt Nam cho thấy tháng 9/2008 họ chỉ bán được 278 xe và trong tháng 10 này con số bán ra còn được dự báo thấp hơn nữa.

Không chỉ có Ford Việt Nam gặp khó khăn, mà hầu hết tất cả các DN ôtô đều trong tình cảnh tương tự. Honda Việt Nam cũng có lượng xe tiêu thụ rất chậm. Cả tháng 9/2008,  mẫu xe Civic của nhà sản xuất này chỉ bán đuợc 121 xe. Theo một số nguồn tin thì đến nay lượng xe Civic tồn kho vào khoảng 600 chiếc và mỗi ngày dây chuyền lắp ráp chỉ lắp có 5 xe thấp hơn rất nhiều so với cuối năm 2007 đầu năm 2008 mỗi ngày lắp 35 xe.

Toyota Việt Nam cũng có lượng xe lắp ráp giảm, chỉ còn dưới 70 xe/ngày trong khi cuối năm 2007 lên tới 105 xe/ngày.

Lượng xe tồn kho của các DN được dự báo đang tăng lên bởi  bộ linh kiện đặt hàng theo kế hoạch vẫn đang dồn về trong khi tiêu thụ thì rất chậm. Theo ông Michel Pease, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam 6 tháng đầu năm 2008  có mức tăng trưởng tới 83% so với năm 2007 thì vào tháng 9/2008 đã sụt giảm 33% và dự đoán cuối năm 2008, cả năm 2009 sẽ tiếp tục suy giảm do sự suy giảm kinh tế.

Công ty sản xuất và lắp ráp ôtô Trường Hải cũng đã cho gần 500 lao động ở nhiều bộ phận  nghỉ việc nhận lương 70 -100% tùy chức vụ do sản xuất đình trệ xe ôtô không tiêu thụ được. Hiện Trường Hải có khoảng 4.000 công nhân.

Theo ông Trần Bá Dương Tổng giám đốc Công ty sản xuất và lắp ráp ôtô Trường Hải, với tình hình khó khăn như hiện nay cùng các các dự báo năm 2009 còn khó khăn hơn, có thể Trường Hải sẽ phải cho một số công nhân nghỉ việc hẳn. Thị trường ôtô tải đã giảm tới 60% trong mấy tháng gần đây,  hiện Trường Hải chỉ bán được khoảng 500 xe/tháng và lượng xe tồn kho trên 4.000 chiếc, trong đó xe con trên 1.000 chiếc.

Công ty cổ phân ôtô Xuân Kiên(Vinaxuki) cũng cho biết lượng xe tải tiêu thụ rất chậm. Hiện DN này chỉ tiêu thụ khoảng 300 xe /tháng, trong khi vào thời điểm cuối năm đang ra tiêu thụ phải tăng mạnh. Những tháng cuối năm 2007 Xuân Kiên còn bán được từ 600 xe -1.000 xe/tháng. Xuân Kiên cũng cho biết hiện lượng xe tồn của họ đã lên tới 3.000 chiếc. Hiện nay Xuân Kiên cũng đang phải giãn ca. Trước kia ngày làm 1 ca thì nay 2 ngày 1 ca. Nhiều công nhân phải chuyển sang làm công việc vệ sinh nhà xưởng hoặc tham gia xây dựng nhà xưởng mới.

Phần lớn khách hàng mua xe tải đều vay tiền ngân hàng. Vay mua xe thường từ 24 tháng trở lên được liệt vào dạng vay trung hạn và dài hạn. Thời gian qua khi chính sách tín dụng thắt chặt, hầu như không ai vay được tiền. Bên cạnh đó lãi suất cho vay cũng cao khiến nhiều người nản, bỏ ý định mua xe để kinh doanh. Bà Bùi Thanh Xuân, Phó giám đốc Công ty Xuân Kiên cho biết.

Nếu tình hình khó khăn kéo dài thì việc cơ cấu, điều chỉnh lại sản xuất của các DN là khó tránh khỏi và khi đó chắc chắn sẽ còn nhiều người lao động trong ngành ôtô mất việc làm.

Các DN nhập khẩu ôtô cũng gặp khó khăn không kém. Theo bà Nguyễn Thị Vĩnh- Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hoàng (Hải Phòng), thì mấy tháng nay xe nhập khẩu tiêu thụ quá chậm, muốn bán hết số xe tồn kho cũng không xong.

Chuyển hướng kinh doanh

Hầu hết các DN nhập khẩu ôtô đều than đang phải chịu lỗ. Bà Vĩnh cho biết mỗi chiếc xe Toyota Camry nhập khẩu hiện đang phải bán lỗ từ 2.500 USD đến 3.000 USD tthậm chí có DN đã chấp nhận lỗ 5.000 USD để giải phóng hàng tồn kho lấy tiền trả ngân hàng. Theo các DN, khoản lãi do bán xe đầu năm giờ chỉ đủ trả ngân hàng bởi lãi suất đã tăng cao và xe thì không bán được. Nhiều DN cho biết chỉ cần bán hết lượng xe tồn là họ chuyển sang kinh doanh lĩnh vực khác.

Công ty Hyundai motor Việt Nam thì phát triển một hướng  mới là đẩy mạnh nhập khẩu xe chuyên dụng  gồm xe chở tiền và xe cứu thương.

Hyundai chuyển sang nhapạ khẩu xe chuyên dụng. (Ảnh Hyundai motor VN)

Ông Hà Minh Tuấn, Tổng giám đốc Hyundai motor Việt Nam cho biết xe chuyên dụng vẫn được Nhà nước ưu đãi, không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.  Bên cạnh đó Việt Nam là nền kinh tế sử dụng nhiều tiền mặt nên nhu cầu về xe chở tiền nhiều. Cũng tương tự như vậy với xe cứu thương. Hiện các bệnh viện đang còn thiếu nhiều và xe cứu thương tại Việt Nam phần lớn có thời gian sử dụng lâu, trang thiết bị không đáp ứng các tiêu chuẩn nên nhu cầu thay mới và mua thêm đang cao.

Theo ông Tuấn trong năm 2007, 2008 tiêu thụ xe cứu thương của Hyundai từ 700 -1.000 xe và khoảng 500 xe chở  tiền. Ông Tuấn cho biết Hyundai Việt Nam dự kiến sẽ bán được 500 xe chở tiền và 700-1.000 xe cứu thương hiệu Hyundai Starex trong mỗi năm tới.

Theo các DN, sẽ có nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá của các DN ôtô nhằm để kích cầu thị trường vào thời điểm cuối năm 2008. Bên cạnh đó, nhiều đại lý bán xe lắp ráp trong nước cũng tự giảm giá bán cho khách hàng, chấp nhận một tỷ lệ hoa hồng thấp để tăng lượng bán ra. Hiện tại có đại lý bán xe lắp ráp trong nước đã giảm giá bán từ 1.000-2.000 USD/xe nhằm hỗ trợ lệ phí trước bạ, vì vậy chi phí cho chiếc xe của khách hàng mua tại thời điểm này so với khi lệ phí trước bạ chưa tăng gần như nhau.

Trần Thuỷ (VNE)

 

Bình luận (0)