Dù các khu công nghiệp, khu chế xuất luôn thiếu lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không muốn tuyển lao động đã qua đào tạo của nước ta dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao.
Ông Mai Đức Chính (Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) phát biểu tại hội thảo |
TS. Bùi Thế Đức (Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương) đã chỉ ra thực trạng này tại hội thảo “Đổi mới công tác đào tạo nhân lực cho các khu công nghiệp và khu chế xuất ở Việt Nam” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB&XH và Chương trình đổi mới đào tạo nghề Việt Nam tổ chức ngày 26-5.
Không tin tưởng, doanh nghiệp tự đào tạo
TS. Đức thống kê, đến nay cả nước có khoảng 300 khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) phân bố ở hầu hết các tỉnh/thành với hơn 2 triệu người lao động đang làm việc. Các KCN-KCX đã đóng góp hơn 80 tỷ USD kim ngạch xuất – nhập khẩu hằng năm, chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu của nền kinh tế, góp phần to lớn trong việc đưa đất nước ta sớm ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành một nước có thu nhập trung bình, từng bước xây dựng đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thế nhưng những năm gần đây, khoảng 80% lao động trong KCN-KCX là lao động phổ thông. Số lao động qua đào tạo có bằng chuyên môn kỹ thuật chỉ chiếm khiêm tốn. Đã thế, nhiều lao động sau khi đào tạo lại chưa đáp ứng tốt yêu cầu doanh nghiệp, bị doanh nghiệp, nhất là đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài từ chối. Thay vào đó, doanh nghiệp tự đào tạo lao động cho mình do không tin tưởng chất lượng nhiều cơ sở đào tạo Việt Nam. Chính điều này dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao. Đánh giá của các chuyên gia trong và ngoài nước cũng cho rằng, chất lượng nhân lực ở nước ta thấp hơn nhiều so với các nước phát triển trong khu vực, đang mất sức cạnh tranh trên thị trường lao động.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng người được đào tạo nghề ra phải có việc làm và thu nhập thỏa đáng là vấn đề rất quan trọng. Trong ảnh: Giờ học thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng (TP.HCM). Ảnh: M.Tâm |
Cũng theo TS. Đức, công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ công nhân có tay nghề cao hiện còn nhiều yếu kém, bất cập. Việc kết nối giữa đào tạo với sử dụng lao động còn hạn chế. Nhiều chỉ tiêu trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đạt, tình trạng lao động qua đào tạo ở trình độ cao thất nghiệp nhiều. Một số tỉnh có tới 80% sinh viên ra trường làm trái nghề. Sau 5 năm (từ 2011 đến 2015) thực hiện chiến lược đào tạo nghề, tỷ lệ tuyển sinh vào TC nghề và CĐ nghề chỉ đạt hơn 53% kế hoạch trong khi nhu cầu công nhân có tay nghề cao ở các KCN-KCX còn rất lớn.
Người học nghề ra phải có thu nhập thỏa đáng
Điều chỉnh kế hoạch đào tạo nhân lực phù hợp mức tăng dân số Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, tỷ lệ dân số nước ta không tăng cao như dự kiến trước đây, những năm qua tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT ngày càng giảm dần (khoảng 10%). Đặc biệt, năm nay giảm nhiều, chỉ còn khoảng 800 ngàn học sinh lớp 12 đăng ký dự thi THPT quốc gia. Trước đây chúng ta nghĩ dân số tăng liên tục nên đầu tư mở rộng mạng lưới hệ thống các trường ĐH-CĐ, nhưng thực tế, tỷ lệ học sinh giảm dần nên số trường ĐH-CĐ và trường dạy nghề dư ra. Khâu tuyển sinh vì thế cũng khó khăn. Năm nay, tỷ lệ học sinh đăng ký thi THPT quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp THPT tăng 5% so với năm ngoái nên mạng lưới dạy nghề cũng cần có chiến lược điều chỉnh phù hợp. |
Ông Mai Đức Chính (Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) chỉ ra, cách tính lương của doanh nghiệp chưa phù hợp và mức trợ cấp thất nghiệp thấp chính là rào cản lớn đối với việc học tập nâng cao trình độ của người lao động. Theo ông Chính, lương hiện nay được trả cho người lao động theo nhiều bậc, mức chênh nhau giữa các bậc không đáng kể, giữa người được đào tạo và chưa đào tạo không cách biệt nhiều dẫn đến không khuyến khích người lao động nâng cao tay nghề. Bên cạnh đó, mức trợ cấp thất nghiệp thấp, không đủ học nghề, nên sau khi lãnh hết trợ cấp này, người lao động lại quay về làm công việc… lao động phổ thông. Ông Chính cho rằng, chính sách bảo hiểm thất nghiệp cần phù hợp để người lao động khi rời khỏi doanh nghiệp được tham gia đào tạo, đủ khả năng bước vào môi trường làm việc mới.
Người học được đào tạo ra có việc làm và thu nhập thích đáng cũng là vấn đề được Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho là quan trọng trong thu hút đầu vào lĩnh vực đào tạo nghề. Ông Ga nhận định, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực cho KCN-KCX là cấp bách và là thách thức lớn đối với hệ thống dạy nghề của chúng ta hiện nay. “Hội nhập quốc tế, các hiệp định thương mại tự do, sự dịch chuyển lao động khu vực ASEAN… đòi hỏi các trường phải đổi mới chương trình đào tạo, cung cấp cho người lao động những kỹ năng cần thiết phù hợp tình hình mới. Cần đổi mới cơ chế tiền lương, chế độ bảo hiểm để khuyến khích người lao động liên tục học tập nâng cao trình độ”, ông Ga nói.
Bên cạnh đó, ông Ga cho rằng Việt Nam cần học hỏi nước Đức một số kinh nghiệm trong việc đổi mới công tác dạy nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước. Cụ thể, cần có chính sách, cơ chế, chủ trương phù hợp với nhu cầu đào tạo nghề; cần sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực có tay nghề cao, phục vụ trực tiếp doanh nghiệp; cải thiện hình ảnh đào tạo nghề, đặc biệt trong điều kiện tâm lý bằng cấp nặng nề như Việt Nam. Cần huy động lực lượng giảng viên trường nghề giàu kinh nghiệm thực tiễn tham gia giảng dạy chứ đừng quá câu nệ bằng cấp; đồng thời cũng học tập việc xây dựng các chuẩn nghề nghiệp có sự tham gia của các doanh nghiệp để các trường lấy đó làm cơ sở xây dựng chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra.
Hiện Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH đã trình Chính phủ khung trình độ quốc gia (tương thích khung trình độ ASEAN) nhằm có thước đo chung về trình độ, phục vụ việc công nhận tương đương bằng cấp và dịch chuyển lao động trong khu vực. Khi đó, bậc TC hay ĐH nước ta sẽ ngang bằng bậc TC, ĐH các nước khu vực, người lao động được hưởng cùng một chế độ lương…
Bài, ảnh: Mê Tâm
Bình luận (0)