Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Lao động Việt Nam thua trên sân nhà

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam

Theo ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Cục Việc làm Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay số lao động nước ngoài mà Cục nắm được khoảng gần 53.000 người. TP.HCM là địa phương có tỷ lệ lao động nước ngoài “tràn” vào đông nhất là hơn 10.000 người. Trong khi lao động Việt Nam đang bị mất việc làm thì lao động nước ngoài lại có việc làm tại Việt Nam. Đây có phải là nghịch lý?
50% lao động nước ngoài đang lao động không phép ở Việt Nam
Theo ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH:Số lượng lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam mà Cục nắm được theo diện ngành lao động phải quản lý là khoảng gần 53.000 người. Tuy nhiên, ông Đồng cho rằng đây có thể chưa phải là con số cuối cùng. Qua kiểm tra ở 6 tỉnh thành (TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Tây Ninh, Lâm Đồng), ngoài số lao động sang Việt Nam với mục đích lao động theo đúng nghĩa và họ thực hiện đúng quy định của pháp luật Việt Nam thì còn có lực lượng lao động sang Việt Nam bằng con đường visa du lịch. Đối tượng này sau khi vào Việt Nam thì họ sẽ tìm việc làm cho mình. Trong số lao động này có cả lao động có trình độ cao và có cả lao động có trình độ mà lao động Việt Nam có thể làm được. Trong khi đó, trả lời chất vấn Quốc hội ngày 11-6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân thừa nhận hơn 50% lao động nước ngoài ở VN không có phép. Để khắc phục vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Ngân tha thiết đề nghị sớm xây dựng Luật quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam.
Lao động Việt Nam thua trên sân nhà
Trao đổi với báo giới, bà Ngô Thị Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu nhi và Nhi đồng Quốc hội cho biết: Khi đi giám sát ở nhiều địa phương trong cả nước, tôi nhận thấy trình độ tay nghề của lao động Việt Nam còn hạn chế. Các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam mang theo trang thiết bị, máy móc hiện đại. Họ cũng rất muốn sử dụng lao động trong nước nhưng trình độ tay nghề của ta lại không đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, để sử dụng được lao động Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài cũng phải tốn rất nhiều kinh phí, thời gian để tổ chức đào tạo lại. Cho nên những doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam mà hạn hẹp kinh phí đào tạo sẽ chọn giải pháp thuê lao động nước ngoài. Lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam phần lớn là các chuyên gia mà ở trong nước không thể đáp ứng được. Tuy nhiên, cũng không loại trừ có nhiều lao động nước ngoài không có trình độ chuyên môn đến từ các nước châu Phi, Trung Đông.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân, trong tháng này Thủ tướng Chính phủ sẽ ký ban hành Đề án dạy nghề nông thôn với kinh phí duyệt không phải 8.000 tỷ mà nâng lên 32.600 tỷ đồng. Nông dân sẽ được đào tạo sản xuất theo hướng hiện đại, thu năng suất cao, người nào muốn chuyển đổi nghề nghiệp sẽ được đào tạo nghề để đáp ứng nhu cầu nhân lực thị trường. Để hiệu quả, Chính phủ sẽ hướng dẫn thành lập các trung tâm dạy nghề ngay tại địa phương, đảm bảo đào tạo lao động đủ tay nghề cho xuất khẩu hoặc cung ứng cho các khu công nghiệp ở địa phương. Đề án này kéo dài từ 2009-2012.
Việc lao động Việt Nam thua trên sân nhà đã được các chuyên gia cảnh báo từ trước khi Việt Nam gia nhập WTO. Theo ông Cao Văn Sâm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH, trong bối cảnh toàn cầu hóa, nếu chúng ta không tự vươn lên thì nguy cơ thua trên sân nhà là rất lớn. Thua ngay trên sân nhà không phải chỉ có lao động trình độ cao mà cả lao động trình độ giản đơn. Đặc biệt là vị trí địa lý của Việt Nam bên cạnh Trung Quốc có nguồn nhân lực dồi dào, các nước khác cũng thế như Thái Lan… Trong khi đó, nước ta có khả năng thu hút đầu tư lớn nhất. Bản thân người đi vay và người cho vay đều nghĩ đến hiệu quả sử dụng đồng vốn. Một trong những hiệu quả này là sử dụng nguồn nhân lực. Chúng ta phải chuẩn bị một “bài” theo tuần tự đúng nguyên tắc: chuẩn bị cơ sở hạ tầng trước (bao gồm cơ sở vật chất và nguồn nhân lực). Về nguồn nhân lực phải chuẩn bị theo hướng cầu của nguồn nhân lực tại chỗ. Nếu không có sự chuẩn bị này, thì các nhà máy vào sẽ tuyển lao động từ nơi khác và lao động tại chỗ sẽ thất nghiệp. Đây là một thiệt thòi lớn. Bên cạnh việc đào tạo nguồn nhân lực còn liên quan đến chính sách sử dụng nguồn nhân lực. Chúng ta phải có chính sách bảo trợ nguồn nhân lực trong nước và tại địa bàn.
Nghiêm Huê

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)