Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Lao động Việt sẽ tự tin “ra biển”

Tạp Chí Giáo Dục

Chuẩn đầu ra sẽ được xây dựng chặt chẽ, chính xác và phù hợp hơn khi có khung trình độ quốc gia, lao động Việt sẽ tăng thêm khả năng hội nhập thị trường lao động khu vực. Ảnh chụp sinh viên TP.HCM tham gia một ngày hội việc làm
Hiện Bộ GD-ĐT đang khẩn trương xây dựng khung trình độ quốc gia, dự kiến sẽ ban hành vào năm 2014. Đây là cơ sở để lao động nước nhà “đạt chuẩn” quốc tế và có sức cạnh tranh cao khi hội nhập khu vực.
Bộ GD-ĐT vừa tổ chức Hội thảo quốc tế và hội nghị bàn tròn của mạng lưới đảm bảo chất lượng ASEAN “Xây dựng văn hóa chất lượng và khung trình độ quốc gia”.
Xây dựng khung trình độ quốc gia
Trên thế giới, hầu hết các quốc gia đều tập trung xây dựng khung trình độ từ giáo dục kỹ thuật nghề nghiệp đến trình độ tiến sĩ với sự tham gia chủ động, tích cực từ phía sử dụng lao động, bộ ngành… TS. Hoàng Ngọc Vinh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT – cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc công nhận văn bằng, chứng chỉ giữa các quốc gia cần có một khung tham chiếu về trình độ (chuẩn đầu ra mỗi trình độ), thời lượng hoặc tải trọng học tập và các điều kiện đảm bảo chất lượng chuẩn. Tuy nhiên, TS. Hoàng Ngọc Vinh cũng thừa nhận, vì tính phức tạp của hệ thống văn bằng nước ta nên hoạt động hội nhập giáo dục và trao đổi lao động với các quốc gia khác gặp khó khăn, đôi khi gây thiệt thòi cho người học lẫn lao động.
Ông Vinh chỉ ra thêm, có khoảng cách lớn giữa văn bằng, chứng chỉ và tuyển dụng, đãi ngộ ở nước ta. Nhà tuyển dụng thiếu thông tin mô tả rõ ràng, khó phân biệt được các trình độ và thiếu tin tưởng vào văn bằng. Việc từ chối bằng cấp để học liên thông hay vấn đề tuyển dụng hệ vừa làm vừa học, trả lương… đã minh chứng rõ cho thực tế này.
Ngoài ra, còn thiếu sự thống nhất quốc gia về các tiêu chuẩn, thủ tục công nhận và cấp văn bằng; việc cấp văn bằng, chứng chỉ không được kiểm duyệt chặt chẽ bởi một cơ quan có thẩm quyền duy nhất giám sát trình độ đào tạo; thiếu đại diện người sử dụng lao động trong thiết lập và mô tả trình độ; không có chính sách công nhận năng lực, trình độ người lao động trải nghiệm qua thực tiễn và nghề nghiệp.
Hiện Bộ GD-ĐT đang khẩn trương xây dựng khung trình độ quốc gia, dự kiến sẽ ban hành vào năm 2014 nhằm chuẩn hóa trình độ đào tạo của sinh viên, lực lượng lao động tại Việt Nam.
Tăng sức cạnh tranh, tự tin “ra biển”
Thực tế, theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, việc hội nhập quốc tế nói chung và khu vực nói riêng đã được Bộ GD-ĐT chuẩn bị trước đó rất sớm, thông qua đổi mới chương trình đào tạo, đổi mới quản lý ĐH, tiến hành Đề án ngoại ngữ 2020 cho giáo viên và học sinh, sinh viên và mới đây nhất là ban hành Luật Giáo dục ĐH trong đó có những chuyển biến đáng kể ở việc giao quyền tự chủ tạo điều kiện cho các trường nhanh chóng cập nhật chương trình đào tạo, mở rộng hợp tác quốc tế.
Thứ trưởng Ga cho rằng, việc xây dựng khung trình độ quốc gia rất quan trọng, sẽ hỗ trợ sự hợp tác và liên kết giữa các hình thức đào tạo, trao đổi sinh viên giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ. “Trong khung trình độ quốc gia sẽ xếp năng lực, kỹ năng của người học ở tất cả các cấp độ khác nhau. Đương nhiên các cấp độ này phải tương thích với cấp độ, năng lực của các nước khu vực sao cho bằng tốt nghiệp hoặc chứng chỉ hành nghề của nước ta cấp cũng có sự tương thích với khu vực ASEAN. Như vậy, lực lượng lao động chúng ta mới hội nhập được” – Thứ trưởng giải thích. Cũng theo ông Ga, nếu không có sự tương thích như vậy thì lực lượng lao động của ta thiếu tính cạnh tranh với khu vực. Khi đó, lao động các nước có thể sẽ vào Việt Nam làm việc trong khi lao động tại chỗ của nước ta lại thất nghiệp.
Để đảm bảo sự tương thích này, Thứ trưởng cho rằng chuẩn đầu ra cần được xây dựng một cách chặt chẽ và phù hợp hơn. Cách đây nhiều năm Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường xây dựng chuẩn đầu ra nhưng các trường chưa thực hiện tốt. Khi xây dựng xong khung trình độ quốc gia, chuẩn đầu ra sẽ được thực hiện tương đối chặt chẽ, phù hợp yêu cầu và chính xác hơn.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Đủ điều kiện hội nhập khu vực
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nhận định, trên thực tế, việc xây dựng khung trình độ quốc gia tốn rất nhiều thời gian. Nhiều nước tốn đến chục năm để xây dựng. Nước ta đã khởi động việc xây dựng này từ nhiều năm trước, đã nhờ nhiều tổ chức quốc tế như Hội đồng Anh giúp tổ chức những hội nghị truyền đạt kinh nghiệm của châu Âu cũng như các nước Đông Nam Á để xây dựng khung trình độ quốc gia phù hợp với chuẩn mực các nước ASEAN. Chúng ta đã đi một bước khá dài để chuẩn bị cho tiến trình hội nhập này, thay đổi trình độ lẫn chương trình đào tạo, giao quyền tự chủ cho các trường có thể nhanh chóng cập nhật chương trình đào tạo các nước khu vực, tiến tới xây dựng khung trình độ quốc gia. Chúng ta có đủ điều kiện cần thiết để lực lượng lao động có thể hội nhập ASEAN năm 2015. 
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)