Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Lao động xuất khẩu châu Á lao đao

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày ra đi họ ấp ủ hoài bão về một sự đổi đời, nhưng thực tế đón chờ họ lại là cảnh mất việc nơi đất khách và trở thành con nợ ở quê nhà.

Lao động nhập cư nghỉ trưa tại một công trường ở Singapore –  Ảnh: Reuters

Trước ngày đến Singapore để kiếm tiền nuôi gia đình ở Bangladesh, thợ đóng tàu Mohammad Ali không thể hình dung cơn bão khủng hoảng kinh tế sẽ giết chết ước mơ giản dị của anh. Để được làm việc ở Singapore, Ali phải chạy vạy vay mượn gần 6.000 USD trả phí cho công ty tuyển dụng. Nhưng đến đảo quốc sư tử chưa được bao lâu, anh đã nhanh chóng bị sa thải. Cuộc khủng hoảng kinh tế khiến ngành công nghiệp đóng tàu đình trệ.
Chuyện xảy ra tiếp theo với Ali là điều khó tưởng tượng nổi. Ông chủ của Ali nhốt anh và 100 công nhân khác vào cái cũi ngoài trời để ngăn họ đi khiếu kiện với chính quyền vì không được trả lương. Bất kể nắng mưa, Ali bị nhốt trong cũi như một con vật ròng rã suốt ba tháng trời. Bi kịch của anh chỉ chấm dứt vào tháng chín năm ngoái, khi một nhóm thiện nguyện phát hiện và báo với Bộ Lao động Singapore.
Hiện sống vất vưởng tại ga tàu điện ngầm và ăn cơm từ thiện qua ngày, Ali chỉ mong mỏi một điều duy nhất: sớm được về nhà. “Đến Singapore không tốt, tôi muốn về lại Bangladesh. Ở đó có bố mẹ, anh chị giúp tôi. Ở đây tôi không có ai”, Ali nói bằng tiếng Anh lõm bõm.
“Tuyển cuối cùng, đuổi đầu tiên”
Trước đây, ngành xây dựng, đóng tàu và sản xuất từng là những ngành công nghiệp “nóng” ở Singapore, tuyển dụng đến gần 800.000 lao động nhập cư trong năm 2007. Nhưng khi kinh tế rơi vào suy thoái, nhu cầu lao động bắt đầu giảm mạnh, nhiều dự án lớn bị hủy hoặc hoãn.
Tình trạng này không chỉ xảy ra tại Singapore. Các nhóm nhân quyền ước tính hàng triệu lao động nhập cư đang lâm vào cảnh bế tắc khi khủng hoảng kinh tế tại vùng Vịnh, Singapore và Đài Loan dẫn đến những vụ sa thải hàng loạt lao động đến từ các nước như Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Philippines và Sri Lanka. Điều này có thể làm gia tăng thất nghiệp và nghèo đói ở quê nhà của các lao động khi họ trở về, nghề không có, nợ nần chất chồng. Việc sa thải còn làm trì trệ tăng trưởng kinh tế ở những nước như Bangladesh, Philippines và Sri Lanka, vốn lệ thuộc nhiều vào tiền gửi về quê từ các lao động xuất khẩu.
“Thông thường lao động nhập cư là những người được tuyển dụng cuối cùng và bị sa thải đầu tiên”, Patrick Tan, chuyên gia về lao động nhập cư thuộc Tổ chức Lao động thế giới, nhận định. Theo ông, những nạn nhân trong trường hợp này là những nước nghèo kém phát triển. “Với họ, một sự giảm nhẹ về tiền gửi và tăng nhẹ số người hồi hương cũng đủ gây ảnh hưởng vô cùng lớn đối với cả cộng đồng” – ông Tan đúc kết, nhắc đến Bangladesh và Haiti như những ví dụ điển hình.
Dù không có số liệu chính xác bao nhiêu người lao động nhập cư bị mất việc vì khủng hoảng kinh tế, nhưng những bằng chứng và tính toán từ các cơ quan viện trợ cho thấy con số đó đặc biệt lớn. Gary Martinez, giám đốc Tổ chức Người di cư của Philippines, ước tính khoảng 100.000 lao động xuất khẩu Philippines sẽ bị sa thải. Có 1/10 lao động xuất khẩu của Philippines làm trong lĩnh vực xây dựng, đóng tàu và giúp việc nhà. Họ gửi về nước khoảng 10 tỉ USD trong năm 2008.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Lao động nước ngoài của Sri Lanka, ông Keheliya Rambukwella, ước tính ít nhất 10.000 lao động nước này mất việc ở Trung Đông, một tín hiệu u ám cho đất nước có thu nhập từ lao động xuất khẩu đứng thứ hai chỉ sau xuất khẩu hàng dệt may. Ngân hàng Thế giới dự báo tiền gửi về nước, nguồn sống của hàng triệu người ở các nước đang phát triển, sẽ giảm đáng kể trong hai năm tới, riêng trong năm 2009 sẽ giảm gần 1%. Năm ngoái, tổng số tiền gửi trên toàn cầu là 283 tỉ USD.
Nợ chất chồng
Không chỉ mất thu nhập vì bị sa thải, nhiều lao động nhập cư còn trở thành con nợ tại quê nhà. Vangie Paticeria, nữ lao động mất việc làm ở Đài Loan vào tháng 12 năm ngoái, đau khổ nói: “Tất cả đã hết rồi. Bây giờ tôi nợ nần ngập đầu”. Anh thợ đóng tàu Ali cũng cùng cảnh ngộ. Ali đến được Singapore bằng tiền vay mượn từ anh chị mình. Giờ đây, vì không thể trả tiền cho anh chị, Ali đẩy họ vào cảnh khó xử khi không thể trả tiền đã vay từ những chủ nợ khác.
Những người chọn cách ở lại nước ngoài thì mang thân phận lao động phi pháp, chấp nhận làm những công việc có thu nhập rẻ mạt và những nghề mang tính rủi ro cao. “Suy thoái kinh tế và ảnh hưởng của nó đến lao động nhập cư cho thấy họ vô cùng dễ tổn thương. Nó làm tăng sự tuyệt vọng và liều lĩnh trong mỗi con người, mà đó chính là chất liệu cho sự bóc lột”, Nisha Varia, một quan chức thuộc Tổ chức Quan sát nhân quyền ở New York, đúc kết.
Câu chuyện của Monerul Monto là minh chứng sống động cho nhận định của bà Varia. Bán cửa hiệu của mình ở Bangladesh để đến Singapore làm việc, nay dù Monto đã bị sa thải nhưng anh vẫn thà chết không về. “Tôi mà về Bangladesh là tôi chết. Tại sao ư? Ở đấy không có tiền. Tôi phải ở lại Singapore làm việc, nhưng ở đây cũng không có việc. Giờ làm sao đây?”. Rồi anh rướn người về trước, thì thầm với phóng viên của Reuters: “Chị gái, nếu biết có công việc gì làm ơn giới thiệu cho tôi nhé. Tôi sẽ làm bất cứ việc gì”.
THANH TRÚC (Theo Reuters)
Malaysia có chủ trương cắt giảm lao động ngoài nước
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 3-2, ông Vũ Đình Toàn, trưởng Ban quản lý lao động VN tại Malaysia, cho biết chính phủ nước này đã có chủ trương cắt giảm lao động ngoài nước kể từ năm 2009 này.
Tuy nhiên ông Toàn cũng cho biết phía VN chưa nhận được văn bản chính thức nào từ Chính phủ Malaysia về việc này, nhưng những ngày gần đây báo chí Malaysia đã đăng tải nhiều thông tin liên quan đến việc này. Tại các kỳ họp của quốc hội và nội các Malaysia, vấn đề này cũng đã được đưa ra và đích thân bộ trưởng Bộ Nguồn nhân lực Malaysia đã phát biểu trên báo chí rằng kể từ năm 2009, nước này sẽ cắt giảm lao động nước ngoài nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào nguồn nhân lực nước ngoài. Ông Toàn cho biết tình hình khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng tác động rất mạnh đến kinh tế Malaysia khiến nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Hơn nữa tỉ lệ lao động thất nghiệp ở nước này đang có chiều hướng ngày một tăng lên do kinh tế giảm sút.
Hiện có khoảng 2,3 triệu lao động nước ngoài, trong đó 1,8 triệu lao động hợp pháp, chủ yếu làm việc trong các lĩnh vực nhà máy, nông nghiệp, giúp việc gia đình, xây dựng và dịch vụ. Riêng VN có khoảng 100.000 lao động tại đây. Ông Toàn cho rằng chính sách cắt giảm lao động của Malaysia “ít nhiều sẽ có những ảnh hưởng” tới công tác xuất khẩu lao động của VN.
 
M.KHÁNH – ĐỨC BÌNH – HỒ VĂN (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)