Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Lao mình vào các trào lưu quái đản

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày càng có nhiều trào lưu du nhập vào Việt Nam (VN), được một bộ phận người trẻ thích thú, hưởng ứng. Thế nhưng, điều đáng nói là trong số đó có không ít trào lưu vô cùng nguy hiểm.
Thêu lên tay cũng từng là trào lưu được giới trẻ làm theo /// Hồng Thu
Thêu lên tay cũng từng là trào lưu được giới trẻ làm theo. HỒNG THU
Thử thách tẩy da bật máu…
Vào cuối tháng 5, cộng đồng mạng chia sẻ cho nhau về đoạn phim ghi lại hình ảnh 3 nam thanh niên leo lên nóc một tòa nhà 38 tầng ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM để quay phim, chụp ảnh. Đây là bằng chứng cho thấy trào lưu "rooftopping" đã hiện diện ở VN.
Rooftopping chính là trào lưu chụp ảnh tự sướng, quay phim tại công trình có độ cao chóng mặt, sau đó đăng tải trên mạng xã hội để thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Rooftopping khá quen thuộc ở nhiều nước trên thế giới như: Mỹ, Trung Quốc… và dần dần phổ biến ở nhiều nơi.
Thực tế cho thấy, từ trước đến nay đã có nhiều trò được giới trẻ thế giới hưởng ứng, đã được giới trẻ VN đón nhận nhiệt tình, dù đó không phải là trào lưu ý nghĩa. Cách đây không lâu, trào lưu thử thách tẩy da bật máu (Eraser Challenge) từng khiến nhiều người trẻ ở Mỹ “sống dở chết dở” do hội chứng sốc nhiễm độc, hay bị tổn thương cơ thể, nhiễm trùng da phải cấp cứu… Thế nhưng, vẫn có một bộ phận giới trẻ VN làm theo.
Tương tự, mạng xã hội từng xôn xao với các trào lưu quái đản, là mối nguy dẫn đến nhiều cái chết thương tâm của giới trẻ thế giới, khiến dư luận ám ảnh, thế nhưng thu hút rất đông bạn trẻ tham gia như: phơi da để có hình xăm như ý (Sunburn Art hay Tan Tatoo), Choking Game (nhịn thở), tẩu thoát như phim hành động (Get Out Challenge)…
Ngoài ra, còn phải kể đến các trào lưu “trời ơi đất hỡi” được du nhập từ nước ngoài như: hôn người lạ, nội y xuyên da thịt, đội bao cao su lên đầu… nhưng vẫn gây sốt ở VN.
H.B.Ch, sinh viên Trường ĐH Văn Lang, cho biết bản thân từng gia nhập vào trào lưu nội y xuyên da thịt (corset piercing) cùng bạn bè. “Khi đó, mình thấy xu hướng thời trang này khá thú vị, với những phần lụa đan phía sau lưng trông bắt mắt, gợi cảm nên làm theo. Mình đã dành nhiều thời gian để nhờ người khác đục lỗ trên cơ thể rồi xỏ từng sợi dây qua, chưa kể còn xỏ khuyên mũi, khuyên lưỡi…”, Ch. kể.
“Nhưng sau một thời gian, mình nhận ra đây là xu hướng thời trang quái gở, chẳng có gì đẹp hay cá tính cả. Vừa hành xác đau nhức, vừa bị mọi người nhìn vào với ánh mắt khó chịu, mình cảm thấy ân hận vì từng tham gia vào một trào lưu không tích cực”, Ch. nói.
Phụ huynh cần quan tâm con cái
Theo thạc sĩ tâm lý Lê Thị Dương Thương, Trung tâm tư vấn tâm lý An Nam, người trẻ thường có tính hiếu kỳ, không ít người thích sống ảo, thể hiện bản thân quá đà và cho rằng việc làm theo, cập nhật theo các trào lưu của bạn trẻ thế giới là “hợp thời đại”.
“Không ít người lại thích được tung hô, muốn bản thân là người đón đầu các xu hướng trên thế giới, thực hiện nó để được ca ngợi. Ma lực từ sự nổi tiếng ảo trên mạng xã hội đã khiến nhiều bạn trẻ bất chấp tất cả, kể cả mạng sống để thể hiện bản thân mình. Nhưng họ không biết rằng việc tiếp nhận cũng như hưởng ứng các trào lưu tiêu cực có thể đem lại những mối nguy hại”, bà Thương nói.
Bà Thương hướng dẫn cách nhận biết trào lưu tiêu cực: “Đó là những trò khoe thân phản cảm, hành xác, hoặc dễ dẫn đến nguy hiểm tính mạng. Khi thấy những trò có những đặc điểm ấy, thay vì cổ xúy, tham gia, hãy tẩy chay để tránh gặp những hệ lụy”.
N.T.H.Th, sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, thú thật từng là “tín đồ” của trào lưu thêu chỉ màu lên da. Theo đó, Th. đã dùng kim thêu những sợi chỉ màu tím, hồng, đỏ… lên lòng bàn tay và coi đó là “mốt”, cá tính. Th. cho biết vô tình thấy trào lưu này trên một fan page, được nhiều người yêu thích, nên… làm theo.
Th. nhận định: “Những lượt like, share (chia sẻ) đã khởi nguồn cho những trào lưu “không thể hiểu nổi”, “vớ vẩn”. Thế nên mong mọi người, thay vì bấm like, bấm share, hãy bấm báo cáo với những bài viết chia sẻ những trào lưu tiêu cực”.
Bà Thương khuyên phụ huynh cần quan tâm con cái nhiều hơn để con không gặp phải những tác động tiêu cực từ thế giới ảo, nhất là những trào lưu kỳ quặc trên mạng xã hội.
Xuân Phương/TNO

 

Bình luận (0)