Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Lào: Những chuyển biến trong ngành giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Một lớp học vùng quê ở Lào (ảnh minh họa). Ảnh: I.T
Mục tiêu của Lào trong thời gian tới là giảm đói nghèo, tạo sự công bằng trong giáo dục cũng như phát triển công nghiệp hiện đại và gia tăng giá trị nông nghiệp.
Cải cách giáo dục
Thay mặt Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phankham Vipha-vanh, ông Sengsomphone Viravouth – người đứng đầu Phòng Kế hoạch và hợp tác thuộc Bộ Giáo dục đã nói về những tiến bộ mà ngành giáo dục đã đạt được trong một cuộc trả lời phỏng vấn với báo giới: “Học viên tốt nghiệp từ các trường dạy nghề sẽ đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong việc gia tăng giá trị nông nghiệp, vì theo dự kiến, đến năm 2020 Lào sẽ có thêm 10 đặc khu kinh tế. Những khu vực này sẽ tạo nên một thị trường mua bán những sản phẩm từ những quốc gia lân cận và những sản phẩm địa phương cũng sẽ được tiêu thụ tại đây”.
Cuộc cải cách giáo dục đầu tiên được tiến hành trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2010 và cuộc cải cách thứ hai sẽ bắt đầu từ năm 2011. Lào sẽ đào tạo nhiều học viên từ các trường dạy nghề để hỗ trợ cho sự phát triển của ngành công nghiệp cũng như xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của nhiều vùng khác nhau trên cả nước. Mỗi tỉnh chuyên canh một giống cây trồng khác nhau và những học viên trường nghề được đào tạo bài bản sẽ giúp mang các kiến thức họ học được vào thực hành.
Tuy nhiên, hiện đang có một cuộc khủng hoảng trong hệ thống giáo dục. Các chương trình hướng nghiệp chỉ đào tạo được khoảng 15.000 sinh viên trong khi mảng giáo dục bậc cao lại có đến 100.000 sinh viên tốt nghiệp. Học nghề không thu hút được nhiều học viên theo học do rất khó tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp và mức lương cũng khá thấp. Vì vậy, thang lương sẽ được điều chỉnh để lĩnh vực học nghề trở nên hấp dẫn hơn đối với người lao động. Cơ sở hạ tầng và môi trường học tập cũng sẽ được cải thiện so với trước đây.
Khuyến khích học tập và giảng dạy
Động thái trong việc phân bổ giáo viên đến các khu vực xa xôi cũng sẽ giúp đẩy mạnh giáo dục cơ bản và tăng cường cơ hội tiếp cận giáo dục cũng là những mục tiêu chính của kế hoạch.
Tuy nhiên, không phải giáo viên nào cũng sẵn sàng đến công tác ở những khu vực như thế. Ông Sengsomphone Viravouth chia sẻ thêm: “Chúng tôi không thể bắt buộc họ làm việc ở những nơi mà họ không muốn. Do đó, bộ sẽ phải tìm cách giải quyết vấn đề này và làm thế nào khuyến khích nhiều giáo viên đến dạy học ở những khu vực như thế. Hiện nay, chương trình mẫu giáo chỉ dành cho trẻ em ở các vùng trung tâm chứ không ở các vùng nông thôn”.
Bên cạnh đó, kế hoạch còn hướng đến mục tiêu tăng số lượng trẻ học mẫu giáo lên 200.000 vào năm 2015. Thông qua các dự án cộng đồng, trẻ em vùng sâu vùng xa sẽ được chuẩn bị một số kỹ năng trước khi vào tiểu học nhưng kế hoạch này vấp phải một số trở ngại do các đồng bào dân tộc thiểu số không hiểu được tiếng Lào (có 49 dân tộc khác chiếm 40% tổng dân số tại nước này).
Theo ước tính trong 6 triệu dân, có 98.000 học sinh mẫu giáo, 900.000 học sinh tiểu học, 300.000 học sinh cấp 2, 100.000 học sinh cấp 3 cùng với 100.000 học sinh theo học các hình thức giáo dục không chính thức khác.
Ở thời điểm này, 93% học sinh tiểu học được tiếp cận nền giáo dục cơ bản và Lào hướng đến mục tiêu 98% vào năm 2015. Đáng buồn thay, số học sinh lớp 1 bỏ học lại tăng lên 70.000 em so với 60.000 em vào năm ngoái do phải làm việc để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Thiếu cơ hội tiếp cận và học tập cũng như tỉ lệ bỏ học là những vấn đề cấp bách cần giải quyết của nền giáo dục Lào.
(Theo nationmultimedia.com)
Gia Huy

Bình luận (0)