Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Lão tiều phu giữa Sài Gòn

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Lữ Gia Hồng tiếp chuyện với chúng tôi trong căn phòng khách bừa bộn của mình
Phải nói ông là một người đặc biệt. Ngay lần đầu gặp ông, tôi đã có cảm giác mình đang đối diện với một “người rừng”. Giọng nói ông sang sảng, mình đen trũi, sừng sững như một thân cây cổ thụ. Gần 50 năm qua, ông làm cái nghề cũng đặc biệt – đốn củi, chặt cây trên mảnh đất Sài Gòn đô hội….
70 tuổi mà dáng vẻ vẫn phốp pháp, cao to, râu ria xồm xoàm. Ông ở trần, mặc quần cộc – như hơn nửa thế kỷ nay vẫn thế, bất kể nắng hay mưa, nóng hay lạnh. Người ta quen gọi ông là Hồng “râu”,  Hồng “củi”… hay ai đó cũng thường nhắc đến ông với một cái tên rất thân thương gắn với những câu chuyện cổ tích – lão tiều phu giữa Sài Gòn.
1. Chiều thành phố mưa tầm tã, biết là chỉ có thế ông mới nghỉ không đi đốn củi, ở nhà nên tôi đội mưa, mù mịt chạy xe lần theo địa chỉ ghi trên tấm danh thiếp. Căn nhà ông nằm tuốt luốt trong con hẻm nhỏ đường Quang Trung (Q.Gò Vấp), nép bên cạnh một gốc si cổ thụ rễ tòng teng. Từ xa đã thấy ông mình trần bổ củi, mặc kệ mưa ầm ầm đổ.
Phòng khách cũng là “thiên đường” của riêng ông, là nơi ông ngủ nghỉ, chứa toàn máy móc, cỡ lớn cỡ nhỏ, những két bia nằm rải rác, két đã hết, két còn nguyên. Chiếc ghế dựa có gối, chăn đặt cạnh dàn karaoke. Hơn 10 con chó to nhỏ đứng ngồi vây quanh. Ông làm món khô cá dứa rồi khui bia mời khách: “Nhà tui bừa bộn lắm, ai ưa thì đến, không thì thôi. Riêng máy cưa đã gần 40 chiếc, cứ bày ra đó để khi cần là có ngay. Cô không chê thì ngồi chơi…”.
Rồi trong hơi men, ông nghẹn ngào kể chuyện đời mình mà cứ như những chuyện lạ kỳ thời xa xưa vậy. Ông nói rằng cả đời ông ngay từ khi 6 tuổi đã phải lam lũ, côi cút một mình phiêu bạt ở Sài Gòn làm đủ thứ nghề để tồn tại. Cuộc đời chỉ là chuỗi những nỗi buồn, chưa bao giờ biết đến niềm vui, hạnh phúc cả khi bây giờ nhà cửa, con cái đã đủ đầy, trọn vẹn. Sinh ra trong một gia đình giàu có ở Củ Chi, ông là kết quả của mối tình say đắm giữa cha ông –  một người chiến sĩ biệt động Sài Gòn thời kháng chiến chống Mỹ với một cô gái đẹp miền Phan Thiết, Bình Thuận. Thế nhưng mối tình ấy lại không được ông bà nội chấp thuận, họ chỉ coi riêng ông là máu mủ ruột rà, còn mẹ ông thì bị đối xử lạnh lùng. Bởi vậy, bà đã bỏ đi khi ông còn rất nhỏ. Ông lớn lên trong sự bao bọc yêu thương của ông bà nội, cha ông cũng đi biền biệt. Rồi 6 tuổi, ông bà nội mất, tuổi thơ ông từ đó như củ khoai củ sắn lăn lóc…
Đến ngay cả cái tên, cũng không phải của ông. Ông sinh ra không được làm giấy khai sinh vì cha mẹ không cưới hỏi gì. Sau này, khi cha ông đi bước nữa, sinh được một cậu em tên là Lữ Gia Hồng nhưng yểu mệnh mất sớm. Vì thế, ông bà nội lấy luôn giấy khai sinh đó làm tên của ông. Và cái tên Lữ Gia Hồng gắn với ông, như một định mệnh về sự hồng hoang của cuộc sống phiêu diêu, vô định, lang bạt kỳ hồ…
2. 6 tuổi cậu bé Hồng chân đất lên trung tâm Sài Gòn. Không có bất kỳ thứ gì trên người ngoài cái quần cộc nát như tổ đỉa. Lang thang như cơn gió hoang. Vớ gì làm đó, không từ việc gì, chỉ cần người ta cho cái ăn. Cậu bé xin vào bưng bê, rửa bát thuê cho một tiệm cơm để được vét cơm cháy. Rồi lại làm phu khuân vác. Phụ việc ở tiệm sửa xe… Dù người bé như hột mít, lại quen được chiều chuộng từ thuở nhỏ, vậy mà những việc nặng nhọc đến mấy, cậu bé Hồng 6 tuổi vẫn cắn răng làm. Đến mức lột hết da tay, bật cả máu, nhiều lúc còn bị bỏ đói, quỵt tiền…
Lên 10 tuổi cũng là lúc mà “gạo châu củi quế”, miếng ăn kiếm được không còn dễ, ông xin người ta theo vào rừng đốn củi chặt cây. Rồi đi miết, đi miết như con thú hoang trong rừng sâu nước độc tận Tây Ninh, Bình Phước, lăn lộn sang cả Lào, Campuchia… vẫn với chỉ độc chiếc quần nát.
Ngoài trời mưa vẫn rơi và hình như càng lúc càng nặng hạt. Tôi không thấy ông buồn, chỉ có giọng nói là trầm hơn. Có lẽ sau tất cả những lầm than, cơ cực, nỗi buồn đau đã lặn vào sâu lắm, cảm giác như đã đến cùng cực để không còn nước mắt mà tự mình hong khô hết. Chính ông, cũng phải thừa nhận rằng, nghĩ lại ông vẫn thấy rùng mình, ám ảnh về cái tuổi thơ dữ dội. Ngày đó, khi chỉ là đứa con nít nứt mắt, 6 tuổi đầu biết gì để gọi là mưu sinh, là bươn bải. Hay chỉ là bản năng bắt phải sống để được như ngày hôm nay.
Giờ thì ông Hồng giàu thật rồi và nổi tiếng thật rồi. Cái cơ dinh vài căn nhà của ông, cả để ở, cả cho thuê giữa Sài Gòn này khiến khối người phải mơ ước, mà có làm lụng dành dụm cả đời cũng “còn khuya” mới có được. Gần nửa thế kỷ đốn cây, chặt củi ở Sài Gòn, cái nghề độc nhất vô nhị nên ông nổi tiếng khắp đất Sài thành. Cứ có cây cổ thụ, cây đại tán muốn hạ đi, muốn đốn đỡ cành để mùa mưa gió không đổ vào nhà là người ta lại í ới ông. Từ đường phố đến ngõ hẻm, bất kể là ngày Tết nhất hay giỗ chạp, chỉ cần người ta cần là ông tới.
Có bận đang là ngày giỗ cha, bỗng điện thoại ông réo vang. “Ông đến đốn cho tôi cái cây, nó nghiêng sắp đổ vào nhà rồi”. Vậy là ông thắp nhang cho ba rồi vác cưa máy lên đường. “Người khuất thì đã khuất rồi, người sống thì vẫn sống, vẫn phải làm việc, yêu thương nhung nhớ thì để trong lòng, người ta cần mình, an nguy của gia đình họ đặt cả vào mình. Nên mình phải đi”. Ông chỉ nghĩ giản đơn và nhẹ nhõm thế thôi.
Rồi có bận khác, vào mùa mưa Sài Gòn cách đây chừng vài ba năm, một đêm mưa lớn lắm, cây cổ thụ trong thành phố có nguy cơ đổ. Điện thoại của ông lại đổ chuông, thành phố mướn ông đi hạ cây. Không nề hà gì, vẫn đồ nghề là bộ cưa máy, vẫn chỉ chiếc quần đùi và đôi dép lê, ông lên đường.
Trước đây, có thời ông cũng xoay qua làm nhang vì nghĩ làm nhang sẽ thơm tho, sạch sẽ. Nhưng rồi “ngứa” cái nghề đốn củi ở rừng nên lại “ngựa quen đường cũ”, người ta lại thấy ông bỏ nhang, sớm tối lẽo đẽo vác cưa đi khắp nơi…
3. Mà ông có sức khỏe phải nói là phi phàm, đúng như cái cách mà hàng xóm vẫn gọi ông là “mình đồng da sắt”. Hơn 60 năm qua, chẳng khi nào ông động đến cái áo dù mưa nắng lạnh lẽo đến mấy. Cứ độc chiếc quần xà lỏn, đôi dép lê. Đốn củi thì còn đỡ, mà đi gặp bà con họ hàng hay gặp cả lãnh đạo ông cũng cứ “khoác áo vào rồi lại cởi áo ra” vì không chịu được, mồ hôi cứ vã ra như tắm.
Vậy mà chưa khi nào ông biết đến uống thuốc là gì. Bệnh tật cũng phải “sợ” ông. Cứ đi đốn củi về rồi lại xoay trần ra bổ củi, 70 tuổi vẫn cứ khỏe phâm phâm. Năm ngoái, khi đốn cây ở Gò Vấp, ông bị tai nạn. Chiếc cần cẩu tuột thắng, chèn thẳng vào ông đến bất tỉnh. Đến bệnh viện, bác sĩ nói ông phải mổ nếu không có nguy cơ liệt hai chân. Ông kiên quyết không chịu vì “sức tôi, tôi hiểu, tôi sẽ chẳng bị sao hết”. Thế là bỏ bệnh viện dù ai nói gì đi nữa. Vài tuần sau, người ta đã thấy ông vác cưa đi làm, như chưa hề có tai nạn nào…
Người hàng xóm già lúc tôi hỏi thăm nhà ông Hồng nói rằng, “lão Hồng “râu” lạ kỳ lắm. Cứ như quái nhân ấy, chẳng biết đến bệnh tật ốm đau là gì. Mà tốt bụng thì nhất. Chỉ cần hàng xóm cần thì bất kể cái gì ông ấy cũng giúp”.
2 người con của ông, một trai một gái đều đã trưởng thành được ông dạy cách tự lập từ nhỏ để “dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng vẫn có thể vươn lên mà sống hiên ngang, bản lĩnh như đóa hoa rực rỡ nhất”.
Tôi ra về khi làn sương tháng 7 trắng trắng cuộn lên phía trước pha đèn xe máy. Thấy cuộc sống này tươi đẹp biết chừng nào. Chẳng có gì là sức người, bản lĩnh và quyết tâm không thể vượt qua. Như cách lão tiều phu đã vươn lên cả cuộc đời mình…
Bài, ảnh: Yến Hoa
Ông nói, làm nghề này cần nhất là cái tâm và sự cẩn trọng. Cái tâm để không vì sự cần của người ta mà mình làm mình làm mẩy, cẩn trọng để đảm bảo tính mạng của mình và của những người xung quanh. Chỉ cần lơ đễnh một chút là có thể nguy như chơi. Nên ông làm việc nghiêm túc lắm đến độ đang làm mà có ai nói gì ông cũng không nghe biết, cứ như cả thế giới chỉ còn có cái cây ông đang leo.
 

Bình luận (0)