Nhắc đến Thành cổ Quảng Trị, nhiều người nhớ ngay đến chiến công 81 ngày đêm lịch sử, hào hùng, bi tráng của quân và dân ta bảo vệ độc lập dân tộc. Nhưng ít ai biết rằng, trong khuôn viên Thành cổ ấy, hôm nay vẫn hiện hữu câu chuyện về một nhà tù mang tên Lao xá – nơi giam cầm, chứng kiến tội ác và sự tàn bạo của kẻ thù trong suốt những năm trải qua 2 cuộc kháng chiến…
Những cựu tù từng bị giam cầm ở xà lim (Lao xá) tại di tích xà lim |
Nhân chứng dưới xà lim
“Nắng tháng 8 rám trái bưởi!” – Nắng ở mảnh đất Quảng Trị còn gay gắt hơn bởi những đận gió Lào khô khốc. Trong khuôn viên Thành cổ, những cựu tù ở xà lim Lao xá một thời lặng lẽ dâng hương hoa tri ân các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống vì độc lập, tự do. Họ bước những bước chân thật chậm, thật nhẹ trên thảm cỏ như sợ đánh thức người dưới cỏ. Họ dừng chân ở phía cuối khuôn viên Thành cổ – nơi còn lưu dấu tích của xà lim một thời với những bức tường gạch phủ màu rêu xám. “Năm 1968, tui bị giam cầm 2 tháng ròng ở chỗ này” – bà Trần Thị Nghiêu, nữ cựu tù duy nhất bị giam hãm dưới xà lim thời điểm ấy xúc động nhớ lại. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Hải Thượng (Hải Lăng). Năm 1961, tròn 21 tuổi, bà lấy chồng cùng xã và bắt đầu từ đây bà cùng chồng tham gia hoạt động làm cơ sở cách mạng, làm liên lạc đưa thư bí mật. Gần 6 năm kề vai sát cánh cùng chồng hoạt động cách mạng, bà chịu không ít thiệt thòi khi địch luôn nhòm ngó bởi cái tiếng vợ của Cộng sản nằm vùng bí danh Thu Lan. “Chúng không truy bắt được ông ấy thì nhắm mục tiêu vào mẹ con tui. Mang bầu đứa con thứ hai, ngày nào tui cũng bị chúng đánh đập, tra khảo. Ngày sinh con, chúng còn phạt 200 đồng vì không có chồng ở nhà mà sinh con… Khổ trăm bề nhưng vợ chồng vẫn động viên nhau vì ngày hòa bình”, bà Nghiêu kể. Năm 1967, khi đứa con thứ hai chưa tròn 1 tuổi, trong một trận càn, bà bị địch bắt: “Chúng bắt tui dẫn sang sân nhà hàng xóm, mẹ chồng tui vội bồng thằng út chạy sang, tui cho con bú sữa được một lát thì chúng giằng ra dẫn đi. “Sau nhiều lần tra khảo, giam hãm trong tù, tui và anh em vẫn tiếp tục hoạt động. Rồi bị lộ nên chúng đưa tui xuống xà lim. Hai tháng trời ở hầm xà lim dài như hai chục năm. Tui là phụ nữ duy nhất trong số tù mà chúng cho là đặc biệt nguy hiểm ấy bị giam riêng một phòng. Hai tháng, mỗi ngày chúng chỉ cho 2 vắt cơm nhạt bằng quả trứng gà, không cho uống nước, chuyện tắm rửa lại càng không… Ngày đó, xuống xà lim với muôn vàn cực khổ, chẳng dám nghĩ đến ngày về. Trước mắt chỉ toàn bóng tối, ngoài căn hầm ẩm ướt lạnh thấu xương, chúng chỉ cho một cái lon nhỏ đi vệ sinh. Không chăn chiếu cũng chẳng áo quần để thay”, bà Nghiêu rùng mình kể.
Nữ cựu tù Trần Thị Nghiêu kể về những năm tháng bị giam cầm trong xà lim ngục tối |
Thương đồng đội, xót thân phận phụ nữ bị đọa đày, người bạn tù cùng bà lúc ấy đã động viên, giúp đỡ bà. “Ngày xuống xà lim, chị ấy chỉ có mỗi bộ áo quần bà ba trên người. Cảm phục tinh thần chiến đấu và thương đồng đội, biết chị ấy ngại nhưng tui khuyên mãi, chị ấy mới đồng ý đưa áo quần ra ngoài cho tui giặt giúp”, ông Cao Văn Trân bộc bạch. Cái lần bị bắt ấy chúng giam bà ròng rã 2 năm. “Hôm tui về làng, dành dụm được mấy đồng bạc từ tiền bán tranh thêu trong những ngày ở tù, mua cho con gói kẹo chanh. Đứa út đã 3 tuổi quên mặt mẹ, nó gọi tui bằng O rồi nhờ bóc kẹo giùm”, bà ngậm ngùi.
Xà lim những năm ấy, nhiều người còn nhớ đến người tù trẻ nhất vừa tròn 16 tuổi – Nguyễn Đức Phúng. Trở lại sau 48 năm, ông Nguyễn Đức Phúng xúc động như chuyện vừa xảy ra hôm qua: “Năm 1968, trong lúc làm liên lạc cho các cán bộ cách mạng thì tui bị bắt giam. Vào tù, tui vẫn làm liên lạc trong nhà lao đấu tranh thì phòng này sang phòng khác. Rồi bị chúng giam xuống xà lim. Dù biệt giam nhưng anh em vẫn quan tâm nhau, động viên nhau. Hơn 6 tháng trong ngục tối với vô vàn khổ sở. Chính những ngày ấy, tui nhận ra rằng, vào hoàn cảnh ấy mới có một tình bạn, tình đồng chí thiêng liêng và dám hy sinh cho nhau, hy sinh vì đất nước đến vậy”.
Chứng tích thời gian
Năm 1929, Pháp tiến hành xây dựng nhà lao Quảng Trị để làm chốn giam cầm các chiến sĩ Cộng sản, ngoài dãy nhà lao, chúng còn cho xây dựng thêm hệ thống hầm xà lim để giam cầm những người tù chúng cho là đặc biệt nguy hiểm. Ông Nguyễn Văn Luận – cựu tù ở xà lim cho biết, ban đầu thực dân Pháp xây dựng phòng 1. Sau đó chúng cho xây thêm các dãy phòng nữa để giam cầm rất nhiều anh em. Xà lim xây bằng đá hộc chìm dưới đất thấp, gồm 2 dãy phòng đối mặt nhau, mỗi dãy 16 phòng, còn gọi là “hang đá”. Mỗi phòng rộng tầm 3m2, có khi giam đến 3, 4 người. Sự tiếp khí bên ngoài thông qua lỗ thông hơi tầm 10cm được chắn bằng tấm thép dày, đục lỗ nhỏ li ti. Sau này Mỹ, ngụy tận dụng hệ thống nhà lao, xà lim để giam hãm các chiến sĩ Cộng sản.
Di tích xà lim – một trong những dãy nhà tù do thực dân Pháp xây dựng còn sót lại sau chiến tranh |
Chứng tích xà lim ghi dấu bao tội ác của kẻ thù, đồng thời là minh chứng của lòng kiên cường, dũng cảm của biết bao chiến sĩ xả thân vì hòa bình. Ấy vậy nhưng nếu không gặp những cựu tù một thời bị giam hãm ở đó, hẳn không mấy ai biết đến một góc khuất lặng lẽ rêu rong trong Thành cổ. “Ngục tù chính là bóng tối khủng khiếp nhất. Nhưng trong bóng tối ngục tù ấy, anh em vẫn hướng về ánh sáng, đoàn kết và nhiệt huyết đấu tranh lên cao hơn bao giờ hết”, ông Lê Hữu Thăng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cựu tù từng bị giam cầm suốt 3 năm tại Lao xá cho biết. Trong kí ức những cựu tù, câu chuyện bị giam đày ở ngục tối ấy như vừa diễn ra hôm qua. Những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi nay tóc ngả màu tiêu muối không hẹn mà cùng trở về. Họ lần từng bước chân thật chậm trên chứng tích tội ác một thời. Những cái ôm thật chặt và câu chuyện về những ngày lao tù kéo dài như không có điểm dừng. Ông Nguyễn Văn Quốc, Chủ tịch Hội Tù chính trị yêu nước tỉnh Quảng Trị trăn trở: “Khu xà lim ghi dấu về những năm tháng đấu tranh kiên cường của quân dân ta. Xứng đáng là địa chỉ đến tham quan, giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng và yêu nước cho thế hệ trẻ. Cần sớm có sự đầu tư, trùng tu cũng như kết nối với các di tích lịch sử khác để nhắc nhớ thế hệ sau về một thời oanh liệt”.
Chiều Thành cổ mênh mang, trong miên man cây cỏ xanh tươi, tiếng gió hát rì rào như khúc tráng ca được viết bằng máu đỏ. Biết bao chiến sĩ quân giải phóng đã anh dũng ngã xuống, thân xác vĩnh viễn tan hòa vào đất đai, cây cỏ… Có lẽ sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến xà lim – nơi những chiến sĩ từng bị bắt bớ, giam cầm trong ngục tối. Họ đã lấy gan vàng chọi sắt thép để tạc nên một tượng đài sừng sững với khát vọng độc lập, thống nhất về lương tri và phẩm giá con người!
Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)