Các em học sinh đang tìm hiểu về ngành nghề tại một ngày hội tư vấn hướng nghiệp. Ảnh: M.T |
Theo mô hình đào tạo cũ, giáo dục nghề nghiệp chỉ bao gồm: TCCN và dạy nghề; trong dạy nghề lại có các trình độ sơ cấp nghề, TC nghề và CĐ nghề.
Để khắc phục những bất cập của mô hình cũ, Luật Giáo dục nghề nghiệp cấu trúc lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp mới gồm các trình độ: Sơ cấp, TC và CĐ (chuyển trình độ CĐ từ giáo dục ĐH qua giáo dục nghề nghiệp). Trình độ ĐH và sau ĐH được xếp trong mô hình giáo dục ĐH riêng. Theo thực tế, khi hoàn thành chương trình sơ cấp, TC, CĐ hay ĐH cũng đều ra thị trường lao động và vận dụng những kiến thức mình đã được học để thực hành trong công tác của mình. Nếu như theo mô hình của Luật Giáo dục nghề nghiệp thì chỉ từ trình độ sơ cấp đến CĐ mới là nghề, vậy trình độ ĐH và sau ĐH thì nên gọi như thế nào mới phù hợp? Và để phù hợp với điều kiện thực tế, tôi nghĩ nên hợp nhất thành một hệ thống giáo dục xuyên suốt từ trình độ sơ cấp lên đến ĐH và sau ĐH. Khi đó khái niệm về giáo dục nghề nghiệp cũng sẽ được chỉnh sửa và bổ sung thêm, chẳng hạn như: “Giáo dục nghề nghiệp là một hệ thống của giáo dục quốc dân nhằm đào tạo từ trình độ sơ cấp, TC, CĐ, ĐH, sau ĐH và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người lao động, được thực hiện theo hai hình thức là đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên”.
Quản lý giáo dục nghề nghiệp nên tập trung hợp nhất về một đầu mối để dễ dàng cho việc quản lý và kiểm soát. Một việc mà giao cho nhiều cơ quan cùng làm sẽ dẫn tới kém hiệu quả. Đồng thời, việc tập trung vào một đầu mối quản lý sự nghiệp giáo dục sẽ giải quyết được tình trạng phân tán, chồng chéo, manh mún, chia cắt trong quản lý, dàn trải lãng phí trong đầu tư phân bổ cho giáo dục, khó khăn trong tổ chức đào tạo. Do đó, quản lý chuyên môn và quản lý Nhà nước cũng cần thiết phải thống nhất về một cơ quan đầu mối thay mặt Chính phủ thực hiện hai trách nhiệm quản lý này. Tuy nhiên, thông qua kỳ họp thứ 8 của Quốc hội về sửa đổi Luật Dạy nghề, đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau về việc sẽ chuyển trách nhiệm cho Bộ GD-ĐT hay Bộ LĐ-TB&XH thay mặt Chính phủ quản lý giáo dục nghề nghiệp. Nhưng tôi cho rằng, cần phải có một bộ quản lý thống nhất cả hệ thống từ sơ cấp đến ĐH để thống nhất chương trình, liên thông không bị tắc nghẽn. Nên lập một cơ quan thứ ba trực thuộc Chính phủ ngoài hai Bộ LĐ-TB&XH và Bộ GD-ĐT để quản lý giáo dục nghề nghiệp, tức thành lập một bộ mới với tên gọi Bộ Giáo dục nghề nghiệp. Bộ mới này hình thành dựa trên việc tách và sáp nhập Tổng cục Dạy nghề từ Bộ LĐ-TB&XH, Vụ Giáo dục chuyên nghiệp và ĐH từ Bộ GD-ĐT, như thế sẽ không lo bộ máy bị phình to. Từ một đầu mối quản lý này, chúng ta có cơ sở để quy hoạch, chuẩn hóa mạng lưới giáo dục nghề nghiệp.
ThS. Nguyễn Đức Trung
(Hiệu trưởng Trường TC Kinh tế – Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh)
Bình luận (0)