Cơ quan chức năng sẽ kiểm tra, rà soát các vị trí tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông trên các tuyến Quốc lộ trọng điểm để có đưa vào kế hoạch bảo trì hằng năm.
Bộ Giao thông Vận tải vừa có yêu cầu chỉ đạo các đơn vị trong ngành với hàng loạt các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến Quốc lộ sau một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và cơ quan chức năng các tỉnh có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua, rà soát, bổ sung hệ thống biển cảnh báo nguy hiểm, hướng dẫn lái xe an toàn, xử lý triệt để các điểm đen tai nạn giao thông trên tuyến, xem xét lắp đặt hộ lan 2-3 tầng, có trợ lực đảm bảo khả năng chịu đựng va chạm mạnh và ngăn ngừa lật xe ôtô xuống vực, hoặc xe đâm vào vách núi giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản trong trường hợp không may xảy ra tai nạn.
Các Cục Quản lý đường bộ phối hợp với các Sở Giao thông Vận tải, lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra, rà soát các vị trí tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông trên các tuyến Quốc lộ trọng điểm; báo cáo, đề xuất Bộ Giao thông Vận tải đưa vào kế hoạch bảo trì hằng năm để triển khai thực hiện; chỉ đạo các Cục Quản lý đường bộ tăng cường công tác duy tu, sửa chữa đường bộ; kiểm tra, rà soát hệ thống báo hiệu đường bộ để bổ sung cho phù hợp; xử lý kịp thời các điểm đen gây mất an toàn giao thông.
Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới tiếp tục siết chặt công tác kiểm tra, nhất là đối với xe khách, xe khách giường nằm, xe đầu kéo, các xe tải lớn và các xe hoán cải so với hồ sơ thiết kế gốc; đặc biệt là dây đai an toàn trên các phương tiện chở khách phải đảm bảo hoạt động tốt thì mới được phép lưu hành.
Các Sở Giao thông vận tải có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua thực hiện và phối hợp với cơ quan chức năng của Tổng cục Đường bộ Việt Nam để thực hiện rà soát, xác định và có kế hoạch khắc phục các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh phía Tây và toàn bộ mạng lưới đường bộ trên địa bàn tỉnh.
Sở Giao thông Vận tải địa phương yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải tăng cường kiểm tra điều kiện an toàn của người lái, phương tiện trước khi xuất phát; theo dõi, giám sát hoạt động của phương tiện thông qua thiết bị giám sát hành trình; yêu cầu lái xe nhắc nhở hành khách thắt dây an toàn khi được chở trên phương tiện; cơ quan quản lý bến xe có biện pháp ngăn chặn việc chở quá số người quy định…
Bên cạnh đó, lực lượng Thanh tra giao thông của sở tăng cường công tác kiểm tra an toàn kỹ thuật của phương tiện, kịp thời phát hiện và đình chỉ hoạt động đối với phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải trên địa bàn; đặc biệt là xử lý nghiêm các xe ôtô chở khách không thực hiện thắt dây an toàn cho hành khách trước khi xuất bến; phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, xe chở quá tải trọng.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, sáu tháng của năm 2020, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, tai nạn giao thông đã giảm sâu cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.
Tuy nhiên, trong tháng Bảy vừa qua đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản, đặc biệt là các vụ tai nạn giao thông ngày 26/7/2020 trên đường Hồ Chí Minh nhánh phía Tây đoạn qua huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình (làm 15 người chết, 21 người bị thương) và ngày 21/7/2020 tại Km1767 trên Quốc lộ 1A, đoạn qua xã Tân Đức, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận (làm 8 người tử vong và 7 người bị thương)./.
Bình luận (0)