Làng điện mặt trời Việt – Hàn ở huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước (ảnh do Phòng Phát triển điện mặt trời – Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM cung cấp) |
Giá điện tăng 6,8% từ ngày 1-3-2010 và có thể tăng lên nữa trong thời gian tới khiến các đơn vị trường học phải “gồng mình” để gánh thêm một khoản chi khá lớn. Nếu ngành giáo dục quan tâm, nghĩ đến lợi ích lâu dài thì có thể khắc phục khó khăn này bằng cách sử dụng điện mặt trời (ĐMT).
Đầu tư một lần
ĐMT là chìa khóa, là điều kiện giúp các trường vùng sâu, vùng xa nâng cao chất lượng đào tạo. Kỹ sư Trịnh Quang Dũng, Trưởng phòng Phát triển ĐMT, Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM cho biết: “Sử dụng ĐMT sẽ hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường và ô nhiễm không khí. 1KW điện than xả vào không khí 980g khí CO2, còn điện mặt trời chỉ xả 30g khí CO2. Các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… đã sử dụng ĐMT để tham gia chống biến đổi khí hậu. Các nước phát triển xem ĐMT là chiến lược đào tạo con người và kích cầu phát triển kinh tế. Mục tiêu sẽ cho ĐMT vào năm 2020 của Việt Nam, vừa là sự kích cầu cho công nghiệp năng lượng mới, vừa là yếu tố giúp nước ta phát triển bền vững và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Nguồn năng lượng mặt trời là vô tận. Hiện TP.HCM cũng đang có dự án thành lập các nhà máy sản xuất chảo điện mặt trời liên doanh giữa Cộng hòa Liên bang Đức và các đối tác Việt Nam trị giá 5 triệu USD. Loại chảo nhiệt ĐMT là một hướng công nghệ tiên tiến trên thế giới rất có triển vọng. Đây là những nhà máy đầu tiên trên thế giới nên rất cần có chính sách hỗ trợ nhằm thu hút liên doanh chuyển giao và nội địa hóa toàn bộ công nghệ này ở Việt Nam. Ưu điểm nổi bật của dự án này là giảm tới 10 lần diện tích chiếm đất so với công nghệ pin mặt trời, đồng thời giá thành chỉ bằng 2/3 giá thành pin quang điện…
Ở Việt Nam hiện có rất nhiều nguồn để phát triển ĐMT như Nhà nước có thể hỗ trợ 50% chi phí lắp đặt, các nhà máy có thể liên kết với ngân hàng để được cho vay với lãi suất thấp, thậm chí lãi suất ưu tiên phát triển ĐMT có thể 0%. Bên cạnh đó, cần phải có những chính sách để thu hút các nhà đầu tư tư nhân, liên doanh… Ông Dũng chia sẻ thêm: “Phòng Năng lượng ĐMT – Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM sẽ hỗ trợ về mặt kỹ thuật, giảm 10% chi phí lắp đặt cho các đơn vị trường học. Phòng sẽ tư vấn, khảo sát và bàn bạc với Bộ GD-ĐT thực hiện lắp đặt pin mặt trời cho một cụm trường nào đó nếu có nhu cầu”.
Lợi ích lâu dài
Cần nhìn nhận rằng, năng lượng mặt trời là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô tận mà Việt Nam đang sở hữu và khai thác bền vững. Thực tế cho thấy, việc phát triển nhà máy thủy điện một cách ồ ạt ở nhiều địa phương đã hủy hoại đến môi trường, gây bão lũ nặng nề. Vì lợi ích lâu dài và bền vững, Chính phủ cần có chính sách ưu tiên về thuế và đầu tư để sản xuất ĐMT với mọi thành phần kinh tế; giá mua ưu đãi và thời hạn mua điện dài hạn từ nguồn ĐMT; hỗ trợ cho người sử dụng, đầu tư, khai thác; ưu tiên phát triển công nghiệp ĐMT hỗ trợ cho điện lưới quốc gia. Các chính sách này cần được xây dựng cho phù hợp với điều kiện Việt Nam và sớm trở thành luật pháp quốc gia để mọi người có nghĩa vụ thi hành.
Thử làm một bài toán nhỏ, một trường tiểu học phải trả tiền điện 8 triệu đồng/tháng thì trong vòng 10 năm, nhà trường phải mất trên 800 triệu đồng. Nếu được đầu tư một lần, cũng với số tiền ấy nhưng nhà trường đã có được hệ thống điện sạch, mang lại kinh tế cao, hiệu quả lâu dài. Sử dụng ĐMT ở trường học vừa giáo dục học sinh ý thức cùng thế giới tham gia chống biến đổi khí hậu, vừa tạo điều kiện cho các em tiếp cận với một nguồn năng lượng mới vô tận.
Bài, ảnh: Trần Trọng Tri
Cứ 1KW pin mặt trời sẽ cho ra từ 150-200KWh/tháng. Kinh phí đầu tư cho 1KW pin mặt trời ở vùng sâu, vùng xa hiện nay khoảng 6.000 USD, tại TP.HCM chỉ khoảng 5.000 USD cho 1KW. Như vậy, để lắp đặt 10KW pin mặt trời (từ 1.500 đến 2.000 KWh/tháng) chỉ mất khoảng 1 tỷ đồng. Tùy vào tình hình thực tế, mức sử dụng điện năng của từng trường mà có thể lắp đặt pin mặt trời vừa đủ sử dụng (thấp nhất là 1KW) mà không phải trả tiền điện hàng tháng. |
Bình luận (0)