Để trường ĐH có thể bổ nhiệm GS, PGS cần có yêu cầu tối thiểu. Tổ chức trang lưu trữ e-Văn Miếu, minh bạch thông tin sẽ loại bỏ tiêu cực, bè phái trong việc này.
Điều kiện tối thiểu?
Trưng bày thành tựu đào tạo sau ĐH tại hội nghị tổng kết 30 bậc đào tạo này. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Việc bổ nhiệm chức danh GS, PGS nên trao cho các trường ĐH. Tuy nhiên, nếu không có quy định mức tối thiểu theo một chuẩn mực thì sẽ rất lộn xộn và không đáng tin cậy.
Tiêu chuẩn cụ thể của mỗi trường không được thấp hơn yêu cầu tối thiểu. Dựa vào các tiêu chuẩn cụ thể, hiệu trưởng sẽ ra quyết định bổ nhiệm chức danh.
Có lẽ, điều kiện tối thiểu của GS, PGS: 1. phải là GV đại học; 2. Phải có một số bài báo (quốc tế) có tên đầu tiên. Chỉ số H của GS, PGS tối thiểu bằng một con số cụ thể chung cho các trường.
Điều kiện tối thiểu không cần phải hướng dẫn bao nhiêu nghiên cứu sinh (NCS), học viên cao học (HVCH) bảo vệ thành công luận án vì thực tế số lượng NCS và HVCH của mỗi ngành sẽ khác nhau và sẽ tránh tình trạng tiêu cực, chất lượng kém do nguyên nhân thầy cần trò vì thầy cần chức danh…
Điều kiện chủ nhiệm đề tài cũng không cần thiết vì việc xin đề tài là một quá trình “phức tạp”, phải tiến hành qua nhiều “khâu/công đoạn”.
Hiện nay ở VN đã có thể truy cập ISIKOWLEDGE nên việc sử dụng chỉ số H là cần thiết và nên làm. Chỉ số này đủ để chứng minh năng suất, chất lượng nghiên cứu và khả năng ngoại ngữ của ứng viên.
Do tính đố kị và bè phái nên không nhất thiết có quy định về đạo đức, lối sống… chỉ cần quy định không vi phạm pháp luật và quy định của đơn vị trong một khoảng thời gian nào đó.
Không cần thiết phải có các hội đồng xét công nhận chức danh GS, PGS cồng kềnh và phức tạp như hiện nay.
Việc bỏ phiếu kín có thể không công bằng do hiện tượng đố kị, bè phái… Khoa học là khoa học. Nếu có hội đồng thì cũng không nên giao cho những người có học hàm, học vị cao mà trong 5 năm gần nhất không có công bố quốc tế nào. Nếu có hội đồng xét, công nhận chức danh thì tiêu chí của thành viên trong hội đồng là số lượng các công trình công bố quốc tế chứ không dựa vào học hàm, học vị và tuổi.
Lập e – Văn Miếu?
Nên có một trang web lưu trữ yêu cầu để được công nhận điều kiện tối thiểu và các thông tin của các ứng viên nộp hồ sơ công nhận điều kiện tối thiểu.
Các công trình công bố phải có đường dẫn đến công trình đó để tiện cho việc theo dõi. Khi đó, cả nước sẽ có 1 e-Văn Miếu lưu trữ thông tin khoa học và ai cũng có thể truy cập để lấy thông tin của bất kì nhà khoa học nào.
Nếu cần tìm đối tác để hợp tác nghiên cứu, các nhà khoa học có thể tìm ở đây. Khi có sự công khai, hiện tượng khai man trong khoa học cũng hạn chế.
Người dân có thể kiến nghị về tính trung thực của các ứng viên. Nếu khai man, sẽ bị tước học hàm. Dựa theo các tiêu chuẩn công khai, ứng viên có thể khiếu kiện hội đồng nếu họ bị trù dập và không được xét công nhận.
Văn bản công nhận chức danh cũng nên có thời hạn (5 năm chẳng hạn). Ứng viên sẽ được gia hạn nếu có tối thiểu một hoặc một số (yêu cầu cao lên khi điều kiện cho phép) bài báo công bố trong thời hạn được công nhận. Khi nộp hồ sơ gia hạn, thông tin cá nhân sẽ được công nhận lại trên trang web chung của quốc gia. Để có thông tin cập nhật liên tục của mỗi cá nhân, trên trang web đó có một đường link đến thông tin cá nhân do cá nhân tự quản lý ở một trang web nào đó.
Thông tin cá nhân tự quản lý không phải là thông tin chính thống. Chỉ các thông tin khi nộp công nhận hoặc gia hạn mới là thông tin chính thống quản lý bởi cơ quan chức năng.
Khi xét công nhận gia hạn lần đầu sẽ yêu cầu tất cả các GS, PGS hiện tại gửi văn bản yêu cầu kèm theo tối thiểu một bài báo công bố quốc tế có tên đứng đầu bài báo. Nếu GS, PGS hiện thời không có công trình công bố quốc tế nào thì nên có văn bản huỷ quyết định công nhận trước đó.
Công khai, minh bạch trên mang chính thống tất cả các thông tin và quy định sẽ loại bỏ tiêu cực, bè phái. Quy định tối thiểu theo chuẩn quốc tế và quy định gia hạn sẽ loại bỏ hiện tượng chây ì, kém chất lượng như hiện nay của nhiều GS, PGS.
Nên thưởng cho công trình công bố quốc tế
Thu nhập của GS, PGS và các nhà khoa học nên dựa vào sản phẩm khoa học là các công trình công bố quốc tế. Hiện nay, kinh phí phần lớn dành cho các đề tài, dự án mà không có công bố quốc tế là kém hiệu quả và dễ tạo cơ hội giả dối trong khoa học.
Cơ quan quản lý nên dành phần lớn kinh phí khoa học cho việc thưởng cho các công trình công bố quốc tế. Đây là cách tốt để cải thiện tình hình trì trệ hiện nay cũng như thu nhập cho những người thực sự có lao động.
Có trường, có bộ có hàng trăm, hàng nghìn đề tài dự án nghiên cứu trong một năm với số tiền đầu tư lớn mà không có (không có nhiều) công trình công bố quốc tế là không ổn.
Hoàng Linh (Vietnamnet)
Bình luận (0)