Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Lập giải pháp cải tiến tuyển sinh ĐH

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh điền hồ sơ đăng ký dự thi ĐH-CĐ năm 2012 tại Văn phòng đại diện Bộ GD-ĐT khu vực TP.HCM

Năm ngoái, Bộ GD-ĐT thử giao cho 5 trường ĐH đề xuất phương án tổ chức thi tuyển sinh nhưng các trường đều chưa mạnh dạn thực hiện. Theo GS.TSKH Lâm Quang Thiệp (nguyên Vụ trưởng Vụ GDĐH, Bộ GD-ĐT), thật sự hợp lý khi duy trì thi “3 chung” có kèm một số cải tiến. Song song đó là việc chuẩn bị phương án đổi mới cơ bản tuyển sinh từ năm 2016.
Còn chỗ đứng cho “3 chung”
GS. Thiệp nhấn mạnh tại hội thảo “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục ĐH” mới được ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức, giáo dục ĐH có nhiều công đoạn nhưng xét trên tác động thực tế trong xã hội thì tuyển sinh ĐH là một trong những khâu quan trọng nhất. Đặc biệt đối với các nước Đông Á, nơi rất “thịnh” ĐH và xem đây là con đường tốt nhất đảm bảo tương lai cho con em. Do vậy, việc đưa ra phương án hợp lý và thực hiện tốt các kỳ thi để tuyển sinh ĐH là trọng trách lớn của ngành giáo dục.
Duy trì tuyển sinh “3 chung” bởi nó còn phát huy nhiều ưu điểm, đồng thời tạo thời gian chuẩn bị cần thiết cho thực hiện những phương án tuyển sinh mới. Ưu điểm lớn nhất mà kỳ thi “3 chung” mang lại chính là sự công bằng. Nhờ đó mà một học sinh tận Cà Mau có thể dự thi một lần ở địa điểm gần nhất để dự tuyển vào nhiều trường ĐH, thậm chí vào một trường mơ ước tại thủ đô. Tuy nhiên, nhược điểm của kỳ thi “3 chung” là tập trung trách nhiệm chính về Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục của bộ trong khi đây lại là cơ quan đa chức năng không đủ nhân lực chuyên nghiệp để kham nổi kỳ thi tuyển sinh. Đó là lý do “3 chung” được triển khai cả chục năm nay nhưng vẫn chưa thực hiện triệt để tinh thần của Nghị quyết 14 về giáo dục ĐH là “cải tiến thi tuyển sinh ĐH theo hướng áp dụng công nghệ đo lường giáo dục hiện đại”.
GS. Thiệp tán thành chủ trương thi nhiều môn, không theo khối mà Bộ GD-ĐT dự kiến thực hiện từ năm 2016 tuy nhiên cần xác định rõ ai tổ chức, thi các môn nào, dùng công nghệ nào? Ngược lại, phương án chỉ tổ chức thi tại các trường ĐH tốp đầu, các trường còn lại xét tuyển dựa trên kết quả học phổ thông lại không được ông nhất trí. Bởi theo kinh nghiệm các năm, khi chủ trương sử dụng kết quả học phổ thông để tuyển sinh ĐH thì xảy ra tình trạng biến dạng các kết quả đó vì những tiêu cực ở cơ sở. Do đó, đối với các trường ĐH bình thường, một kỳ thi chung có chất lượng ở cuối bậc phổ thông vẫn rất cần thiết, còn kết quả học phổ thông chỉ dùng để tham khảo trong xét tuyển vào ĐH chứ không nên dùng làm căn cứ duy nhất để xét tuyển.
“Chọn mặt gửi vàng”
GS. Thiệp cho rằng, việc triển khai tuyển sinh chung từ năm 2016, bộ không nên “ôm lấy” mà chọn giao cho ít nhất hai trường ĐH nào đó thực hiện. Trước hết, giao cho một số trường ĐH hoặc viện, hội đề xuất phương án tổ chức dịch vụ thi tuyển sinh chung cho cả nước. Từ đó, lọc ra hai phương án tốt nhất tiếp tục giao cho hai trường song song thực hiện. Khi có hai dịch vụ tuyển sinh, thí sinh có quyền chọn lựa một trong hai dịch vụ đó. Và các trường ĐH thì nên chấp nhận kết quả của bất kỳ dịch vụ nào trong đó. Trong công tác tổ chức, hai trường ĐH có thể phối hợp một số khâu nhưng đồng thời vẫn cạnh tranh sao cho phần tổ chức dịch vụ của mình đạt chất lượng tốt nhất.
Trong hai đơn vị có thể được “chọn mặt gửi vàng”, ĐH Quốc gia TP.HCM được đề cập như một cơ sở quan trọng nhất đối với việc thực hiện phương án tuyển sinh nêu trên. Bởi đơn vị có một số thuận lợi như nguồn tài chính ban đầu đảm bảo có thể ứng ra cho việc tổ chức, còn lệ phí tuyển sinh sau đó có thể đủ đảm bảo cho công việc lâu dài; đáp ứng được nguồn nhân lực chuyên môn để triển khai công việc bằng cách huy động đội ngũ giảng viên và các chuyên gia có trình độ cao về công nghệ đo lường của nền giáo dục; đủ uy tín thuyết phục sự đồng thuận của xã hội…
Nên tổ chức nhiều, nhưng không quá nhiều môn thi. Ngoài hai môn bắt buộc là toán và tiếng Việt, có thể thêm môn ngoại ngữ và hai môn tích hợp gồm: Khoa học tự nhiên (tích hợp toán – lý – hóa), khoa học xã hội nhân văn (tích hợp văn – sử – địa – giáo dục công dân). Đề thi bên cạnh hình thức chủ yếu là trắc nghiệm nên có thêm hai đề tự luận ngắn về tiếng Việt và toán để đánh giá khả năng diễn đạt, lập luận tổng hợp.Nên tổ chức nhiều, nhưng không quá nhiều môn thi. Ngoài hai môn bắt buộc là toán và tiếng Việt, có thể thêm môn ngoại ngữ và hai môn tích hợp gồm: Khoa học tự nhiên (tích hợp toán – lý – hóa), khoa học xã hội nhân văn (tích hợp văn – sử – địa – giáo dục công dân).
Bài, ảnh: M.T

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)