Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Lập hồ sơ giả để nhập lậu thiết bị y tế cũ

Tạp Chí Giáo Dục

Được Bộ Y tế cấp phép nhập lô thiết bị y tế mới 100% do Đức, Mỹ sản xuất nhưng công ty Bảo Trân đã làm giả hồ sơ để nhập 10 lô máy xét nghiệm cũ từ Hàn Quốc, Nhật.

Thiết bị y tế cũ bị hải quan bắt giữ tại cửa khẩu quốc tế Nội Bài - Ảnh: M.Q.
Thiết bị y tế cũ bị hải quan bắt giữ tại cửa khẩu quốc tế Nội Bài

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa có kết luận điều tra vụ án “buôn lậu và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” xảy ra tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội), Hải Phòng và TP.HCM.

Đồng thời đề nghị truy tố hai bị can Trần Thị Ánh Hồng (26 tuổi) và Nguyễn Xuân Tưởng (42 tuổi, đều trú tại Hà Nội), giám đốc và phó giám đốc Công ty TNHH kỹ thuật thiết bị y tế Bảo Trân (Công ty Bảo Trân) về tội “buôn lậu”;

Bị can Lê Văn Điệp (44 tuổi, trú tại Bình Định), giám đốc Công ty TNHH MTV kỹ thuật thương mại xuất nhập khẩu Khải Anh (Công ty Khải Anh) bị đề nghị truy tố về tội “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Vào tháng 11-2013, Công ty Bảo Trân làm thủ tục khai hải quan điện tử cho lô hàng trang thiết bị y tế được nhập khẩu về Việt Nam.

Theo nội dung tờ khai, toàn bộ lô hàng là thiết bị y tế chất lượng mới 100% gồm hai máy xét nghiệm sinh hóa tự động model Biolyzer 200 và model Hitachi 911, tổng giá trị hơn 470 triệu đồng.

Quá trình thực hiện thủ tục hải quan, cơ quan hải quan phát hiện dấu hiệu nghi vấn nên kiểm tra thực tế và xác định toàn bộ là thiết bị y tế đã qua sử dụng, không trùng với tờ khai là hai hệ thống nội soi dạ dày ống mềm của các hãng FTS và Olympus, một máy in phim X-quang khô và một máy scan phim X-quang.

Quá trình điều tra xác định tháng 1-2013, Công ty Bảo Trân có đơn xin nhập khẩu trang thiết bị y tế gửi Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) đề nghị nhập khẩu một số mặt hàng thiết bị.

Bộ Y tế sau đó có văn bản cấp phép cho công ty này được nhập khẩu hàng mới 100% đối với máy xét nghiệm sinh hóa tự động chủng loại Biolyzer 100, 200 hàng Analyticon / Đức và Hitachi 911 của Diamond / Mỹ sản xuất.

Từ tháng 2 đến tháng 12-2013, Công ty Bảo Trân đã sử dụng giấy phép nhập khẩu do Bộ Y tế cấp để nhập 10 lô hàng thiết bị y tế từ Hàn Quốc và Nhật Bản gồm 6 máy xét nghiệm sinh hóa tự động Biolyzer 200, 3 máy Biolyzer 100, 12 máy Hitachi 911…

Trong 10 lô hàng này, cơ quan điều tra xác định sáu lô là trang thiết bị y tế đã qua sử dụng có tổng giá trị hơn 2,86 tỉ đồng.

Thủ đoạn của hai bị can được xác định là giao nhân viên sử dụng hộp thư điện tử của công ty để giao dịch, đàm phán bằng tiếng Anh đối với đối tác nước ngoài gồm McAst, Inc và Fair Medical Co. ở Nhật đặt mua hàng qua sử dụng.

Các nhân viên này được giao tạo dựng các hợp đồng ngoại thương, hóa đơn thương mại kiêm phiếu đóng gói (tiếng Anh) ghi khống hàng hóa là thiết bị y tế mới 100%, sau đó sử dụng giấy tờ vào việc mua ngoại tệ, làm lệnh đề nghị ngân hàng chuyển tiền thanh toán cho hai công ty này.

Đối tác sẽ thuê đơn vị vận chuyển quốc tế kèm vận đơn về Việt Nam. Khi hàng về Nội Bài hoặc Hải Phòng, đơn vị làm đại lý giao nhận sẽ thông báo cho Công ty Bảo Trân. Sau đó, Công ty Bảo Trân lại thuê một đơn vị khác làm dịch vụ kê khai hải quan để nhận hàng.

Quá trình điều tra đã xác định có 4 lô hàng khai là mới 100% nên cơ quan điều tra đã lập hồ sơ yêu cầu tương trợ tư pháp gửi Bộ Tư pháp Hàn Quốc và Bộ Tư pháp Nhật Bản đề nghị xác minh nhưng đến nay chưa có trả lời. Do đó, cơ quan điều tra đã tách phần nội dung này để điều tra sau.

Đối với bị can Lê Văn Điệp, cơ quan điều tra xác định năm 2013 bị can này đã liên hệ với Tưởng, Hồng mua thiết bị y tế đã qua sử dụng nhằm bán kiếm lời.

Trước khi mua, bị can Điệp đã biết hàng hóa đều là máy móc cũ, nhập khẩu trái phép về Việt Nam nhưng vẫn mua năm máy với giá trị hơn 740 triệu đồng. Sau khi mua, Điệp đã bán được ba máy với giá gần 740 triệu đồng, còn hai máy khác đang tìm khách.

Kiến nghị sửa đổi thông tư quản lý lĩnh vực

Đáng chú ý, quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra phát hiện còn có những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về việc nhập khẩu trang thiết bị y tế.

Theo đó, thông tư 24 năm 2011 hướng dẫn về việc nhập khẩu trang thiết bị y tế của Bộ Y tế đã bộc lộ nhiều hạn chế như chỉ quy định về điều kiện xin cấp phép nhập khẩu trang thiết bị y tế đối với đơn vị nhập khẩu, chưa có quy định cụ thể về việc thanh tra, kiểm tra đối với các điều kiện này.

Hơn nữa, theo quy định hiện nay, điều kiện để thành lập doanh nghiệp kinh doanh trang thiết bị y tế còn khá dễ dàng, chưa quy định kinh doanh nhập khẩu trang thiết bị y tế là kinh doanh có điều kiện, dẫn đến việc các doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu trang thiết bị y tế được thành lập tràn lan, gây khó khăn trong công tác quản lý.

Cơ quan điều tra sẽ có văn bản kiến nghị sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.

MINH QUANG
(TTO)

 

Bình luận (0)