UBND quận 1 sắp tới sẽ lắp camera giám sát tình hình an ninh trật tự tại Công viên 30-4 (trước nhà thờ Đức Bà) và Công viên 23-9 (nằm giữa hai con đường Lê Lai và Phạm Ngũ Lão) nhằm chấn chỉnh tình hình an ninh trật tự, đảm bảo sử dụng đúng công năng của hai địa điểm công cộng lớn của thành phố.
Công viên 30-4 sẽ được gắn camera giám sát nhằm đảm bảo mỹ quan và an toàn cho người dân |
Những tồn tại thực tế
Theo Khu quản lý giao thông đô thị số 1, tổng diện tích mặt bằng Công viên 30-4 (phường Bến Nghé) khoảng 3,5ha với bốn khu vực, trong đó phần mảng xanh chiếm khoảng 2,3ha. Nằm giữa những tuyến đường trung tâm gồm Công xã Paris, Phạm Ngọc Thạch, Alexandre de Rhodes, Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Hàn Thuyên, Công viên 30-4 “sở hữu” hàng loạt cây cổ thụ rợp bóng mát hơn 300 năm tuổi. Là “lá phổi xanh” của thành phố, lại tọa lạc tại vị trí đẹp (phía Bắc giáp hồ Con Rùa, phái Tây giáp Hội trường Thống Nhất, phía Đông và Đông Nam giáp nhà thờ Đức Bà và Bưu điện Thành phố, phía Nam giáp phố đi bộ Nguyễn Huệ), nên người dân và du khách thường chọn công viên này là nơi nghỉ chân, hóng mát, đọc sách và ngắm thành phố. Đặc biệt, đây cũng là nơi thanh niên, HS-SV họp nhóm sinh hoạt hoặc rủ nhau cà phê bệt rất đông vui.
Điều đáng nói của “hậu trường vui chơi” là tình trạng xả rác bừa bãi, cho dù xung quanh công viên được bố trí rất nhiều thùng rác cố định lẫn thùng rác di động. Mặc dù Khu quản lý giao thông đô thị số 1 đã đặt nhiều biển báo “Vui lòng không xả rác, không xâm hại mảng xanh” và bảng quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhưng rác sinh hoạt như chai nước, ly nhựa, bịch nilông, hộp đựng thức ăn, báo giấy vẫn bị vứt bừa bãi ở cả mảng xanh và nền xi-măng công viên. Bên cạnh vấn đề xả rác vô tội vạ, ở công viên này hàng ngày còn tồn tại tình trạng “hàng rong núp bóng”. Vào chiều ngày 20-3, rảo quanh một vòng công viên, đến đoạn đối diện với nhà thờ Đức Bà, người viết vừa chạy tới thì có hai phụ nữ luống tuổi nhanh chân rời ghế đá mời mua nước và thức ăn, trái cây. Khi khách đồng ý mua, họ liền lục lọi trong giỏ để ở chân ghế để lấy hàng ra bán. Theo lời của ông Bùi Minh Trí (hay tập thể dục ở công viên), trước đây tình trạng buôn bán hàng rong ở đây rất bát nháo, kể từ khi cơ quan quản lý “làm gắt” thì đỡ hơn trước, nhưng vẫn còn một số người lén lút bán hàng bằng cách giấu sản phẩm vào bịch nilông hoặc giỏ lớn để ở chân ghế, còn người bán hàng thì “giả đò” như những người đến công viên hóng mát nhằm qua mặt cơ quan chức năng.
Không bán hàng âm thầm như Công viên 30-4, một số gánh hàng rong di động vẫn bày bán công khai ở vỉa hè và lòng đường Lê Lai chạy dọc theo Công viên 23-9 (phường Phạm Ngũ Lão). Tình trạng bán hàng rong diễn ra thường xuyên khiến người đi bộ phải lưu thông dưới lòng đường rất nguy hiểm do có nhiều phương tiện đi lại. Công viên 23-9 có diện tích hơn 9ha, tọa lạc trong Quảng trường Quách Thị Trang và các đường Phạm Ngũ Lão, Lê Lai, Nguyễn Trãi là khu vực bến xe buýt hoạt động nên rất nhiều hành khách ra vào. Điều đáng lo là tình trạng “con nghiện” tái xuất hiện ở khu vực vườn cây cuối khu B của công viên để chích ma túy khiến người dân lo ngại. Một tài xế xe ôm cho biết, người nghiện có nhiều kiểu “hóa trang” nên khó nhận biết, trong đó có người ăn mặc rất lịch sự, nhưng vào bến xe buýt giở chiêu trò lỡ đường để “xin tiền về quê”. Còn riêng vườn cây cuối khu B nơi con nghiện vào chích thì chẳng có ai dám đụng tới. Lúc nào có dân phòng tuần tra thì họ bỏ đi, rồi sau đó lại đâu vào đó. Ông Lê Tấn Đạt (Chủ tịch UBND phường Phạm Ngũ Lão) cho biết, tình trạng người nghiện xin tiền du khách hoặc đến công viên để hút chích đã giảm 90% từ năm 2015 sau khi các ngành chức năng tăng cường truy quét tệ nạn. Tuy nhiên, từ tháng 9 năm ngoái đến nay, thực trạng này lại tái diễn với sự xuất hiện của những đối tượng nghiện từ nơi khác đến. Do đó, chính quyền phường đang triển khai biện pháp nhằm chấn chỉnh tình trạng này. Theo Trung tá Nguyễn Văn Phước (Trưởng công an phường Phạm Ngũ Lão), trong năm 2017 đã bắt 92 người lang thang tiêm chích ma túy ở Công viên 23-9. Sau đó phường đã làm thủ tục đưa họ vào cơ sở cai nghiện. Trước tình hình phức tạp của công viên, chị Phan Thị Trúc Linh (một hành khách đi xe buýt ở Công viên 23-9) cho biết “khi hay tin công viên sắp được lắp camera giám sát an ninh khiến ai cũng vui và mong chờ. Hy vọng tình hình an ninh trật tự ở đây sẽ sớm được cải thiện”.
Camera lập lại trật tự
Theo tờ trình gửi UBND TP.HCM về việc điều chỉnh đề án quản lý Công viên 30-4 và Công viên 23-9, UBND quận 1 cho biết sắp tới sẽ lắp đặt hệ thống camera giám sát tình hình an ninh trật tự tại 2 công viên này, nhằm góp phần giám sát an ninh và xử lý các trường hợp lấn chiếm, cư trú trái phép trong công viên, các hành vi mất mỹ quan như nấu nướng, tắm giặt, phơi phóng, cờ bạc, mê tín dị đoan, mại dâm ma túy, xả rác bừa bãi…
Theo thông tin từ cơ quan quản lý, hai công viên trên còn tồn tại có một số bất cập như tình trạng xả rác bừa bãi, các băng ghế còn bị người vô gia cư và các thành phần tệ nạn xã hội chiếm dụng làm nơi ăn ngủ, tình trạng dựng xe máy ở lòng đường trên các tuyến đường xung quanh công viên xảy ra thường xuyên, nhất là việc các nhà xe lấn chiếm lòng đường làm nơi đón trả khách ở Công viên 23-9 gây mất an toàn giao thông cho người đi đường. Do đó, bên cạnh việc gắn camera quan sát, UBND quận cũng sẽ tiến hành nâng cấp hệ thống nhà vệ sinh và hệ thống chiếu sáng, trang bị thêm dụng cụ tập thể dục và bố trí ghế ngồi có in số điện thoại đường dây nóng, nhằm tiếp nhận và xử lý kịp thời những phản ánh của người dân về tình hình an ninh trật tự khi có vấn đề phát sinh xảy ra.
Bài, ảnh: Vũ Phương
Bình luận (0)