Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ còn chậm

Tạp Chí Giáo Dục

Cảnh mua bán lấn chiếm trên quốc lộ
Tính đến nay, giai đoạn II thực hiện Quyết định số 1856 về việc lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông (ATGT) được cơ quan chức năng đánh giá là cơ bản đã hoàn thành. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nội dung công tác dở dang và có nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ để có thể tiến hành giai đoạn III. Tháo gỡ các khó khăn này, trách nhiệm lớn thuộc UBND các tỉnh.
Tồn tại nhiều “rào cản”
Trên địa bàn cả nước có 37 tỉnh đã có thỏa thuận với Bộ GTVT về việc quy hoạch đấu nối các con đường thuộc tỉnh vào quốc lộ; nhằm thực hiện việc lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ giai đoạn II, theo tinh thần của Quyết định số 1856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng đến nay, vẫn còn 26 tỉnh chưa lập hoặc chưa hoàn thiện quy hoạch đấu nối vào quốc lộ để thực hiện công tác thỏa thuận với Bộ GTVT. Trong đó, có một số tỉnh như Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Bà Rịa – Vùng Tàu mới chỉ thỏa thuận được 1 tuyến trên địa bàn. Mặt khác, các địa phương do không chủ động xây dựng đường gom nên các đường nhánh đấu nối trực tiếp vào quốc lộ đến nay vẫn còn tồn tại. Bên cạnh đó, vẫn còn một số tỉnh không lập quy hoạch đấu nối đường nhánh vào quốc lộ nhưng cứ liên tục có văn bản đề nghị Bộ GTVT thỏa thuận đấu nối đơn lẻ. Nhiều tỉnh đã có quy hoạch được Bộ GTVT thỏa thuận nhưng vẫn tiếp tục đề nghị bổ sung điểm đấu nối dẫn đến việc lập, thỏa thuận và phê duyệt quy hoạch không phát huy tác dụng quản lý Nhà nước. Công tác giải tỏa các vi phạm trong hành lang ATGT cũng chỉ mới thực hiện được một phần khối lượng, nhiều nhất chỉ đạt được 1/2 và ít nhất đạt gần 1/6 khối lượng cần giải tỏa.
Theo kế hoạch thì việc lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ giai đoạn II được tiến hành từ năm 2008 đến 2010. Nhưng do gặp quá nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện đến nay vẫn còn một vài vướng mắc. Cụ thể, xuất phát từ một loạt các yếu kém tồn tại quá lâu trong công tác quản lý đất đai và quản lý kết cấu hạ tầng đường bộ như thiếu đồng bộ, chưa thống nhất được trong việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về việc sử dụng hành lang ATGT đường bộ. Từ đó, dẫn đến các địa phương khi triển khai không thống nhất. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ công trình đường bộ và hành lang ATGT đường bộ cho người dân còn chưa sâu rộng, chưa đa dạng về hình thức tuyên truyền. Việc giải tỏa các công trình xây dựng trong hành lang ATGT đường bộ qua các thời kỳ chưa có đủ kinh phí đền bù hỗ trợ, nếu có cũng rất hạn hẹp, chỉ đủ để bồi thường giải tỏa một phần hành lang ATGT đường bộ. Do lịch sử để lại, còn tồn tại nhiều công trình nằm trong hành lang ATGT đường bộ, được xây dựng trên đất thổ cư, đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các công trình này cần phải giải tỏa nhưng chưa được thực hiện vì thiếu kinh phí đền bù.
Những vướng mắc nêu trên là nguyên nhân gây ra hàng loạt khó khăn trong công tác quản lý hành lang ATGT đường bộ và xử lý những vướng mắc phát sinh. Việc quản lý sử dụng đất đai, quản lý xây dựng dọc hai bên đường bộ của nhiều địa phương vẫn còn lỏng lẻo, chưa đúng quy hoạch, phân công trách nhiệm chưa rõ ràng, thậm chí khi chưa có quy hoạch vẫn cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp dọc hai bên đường bộ thành đất để các tổ chức, cá nhân làm nhà ở, xây dựng các công trình trong hành lang ATGT đường bộ… dẫn đến vi phạm hành lang ATGT đường bộ. Do kinh phí hạn hẹp nên các dự án cải tạo, nâng cấp đường bộ chỉ giải phóng mặt bằng phục vụ cho việc thi công mà không giải phóng hành lang ATGT đường bộ. Một số đơn vị quản lý đường bộ, thanh tra đường bộ còn chưa chủ động làm hết trách nhiệm được giao, dẫn đến tình trạng vi phạm vẫn tồn tại. Chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác bảo vệ hành lang ATGT đường bộ, nên dẫn đến các vi phạm phát sinh không được xử lý triệt để từ ban đầu và sau đó tạo thành tiền lệ xấu cho việc người dân lấn chiếm và tái lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ.
Phải khẩn trương thực hiện xong giai đoạn II
Từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1856/QĐ-TTg và giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhiệm vụ của từng giai đoạn lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ. Theo đó, giai đoạn III (phần chưa được đền bù và các công trình ảnh hưởng đến ATGT) sẽ do UBND các cấp thực hiện. Tại hội nghị tổng kết giai đoạn II vừa qua, Chính phủ khẳng định việc thực hiện giai đoạn III của Quyết định 1856/QĐ-TTg thuộc trách nhiệm UBND cấp tỉnh.
Như vậy, trong thời gian từ nay đến hết năm 2011, đối với các đơn vị chưa thực hiện xong giai đoạn II phải khẩn trương hoàn thành. Công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự hành lang ATGT đường bộ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ cần được duy trì bằng nhiều hình thức. Đối với các đoạn tuyến đã thực hiện trong giai đoạn I và giai đoạn II, Khu quản lý đường bộ, Sở GTVT phối hợp ngay với chính quyền địa phương các cấp tiến hành nghiệm thu công tác giải tỏa và bàn giao cho địa phương quản lý, chống tái lấn chiếm nhằm lập lại và duy trì trật tự hành lang ATGT đường bộ. 26 địa phương chưa thỏa thuận quy hoạch đấu nối vào quốc lộ, cần khẩn trương lập, hoàn thiện để thỏa thuận với Bộ GTVT.
Bài, ảnh: Hà Anh

Bình luận (0)