Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Lập lờ đá nhái kim cương

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Với nhiều chiêu khác nhau, một số điểm kinh doanh vàng bạc đá quý hiện đang đánh lừa người tiêu dùng bàng cách bán đá CZ (Cubic Zirconia) với giá kim cương nhân tạo.

Tràn lan đá nhái kim cương

Tại một cửa hàng kinh doanh vàng bạc đá quý trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM, nhân viên bán hàng đưa ra một vỉ phía trong có 1 viên đá màu trắng và cho biết đây là “kim cương nhân tạo”. Trên vỉ đá này có chữ “CZ Diamond Cut”. Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia về vàng bạc đá quý lâu năm cho biết cụm từ “CZ Diamond Cut” chỉ viên đá CZ được cắt theo giác cắt tiêu chuẩn của kim cương. Viên đá được đóng siêu (tức vỉ) với chữ Diamond trên đó đã bị một số người bán lợi dụng, đánh lừa người mua thiếu kinh nghiệm để bán với giá kim cương nhân tạo.

Rất khó phân biệt các loại đá nhái kim cương. Ảnh: Đ.N.Thạch.

Một cửa hàng khác tại Q.5, TP.HCM, bán kim cương Moissanite 4,5 li với giá 2,73 triệu đồng/viên. Trong khi thực chất Moissanite chỉ là đá nhái kim cương chứ không phải là kim cương hay kim cương nhân tạo. Ở một trung tâm thương mại lớn trên địa bàn Q.1, TP.HCM, nhân viên bán hàng đưa ra một chiếc nhẫn ở giữa đính một viên đá lớn lấp lánh, xung quanh là những viên tấm và giới thiệu đây là nhẫn kim cương, giá bán là 50 triệu đồng.

Theo đề nghị hỗ trợ kiểm tra chất lượng chiếc nhẫn này của chúng tôi, một chuyên viên lâu năm về đá quý đã tiến hành các bước kiểm tra chuyên môn và nhận định: Viên đá lớn chính giữa là đá CZ, những viên đá tấm đính xung quanh là kim cương tấm. Giá trị của chiếc nhẫn này thấp hơn nhiều lần giá chủ cửa hàng này đưa ra.

Trên thị trường đang có nhiều loại đá nhái kim cương như CZ, Moissanite, Yttrium Alumium Garnet…, trong đó phổ biến nhất là đá CZ nhái kim cương. CZ cũng có muôn hình vạn trạng khác nhau với chất lượng từ thấp đến cao nên người tiêu dùng rất khó có thể phân biệt được. Một viên đá CZ có độ phản chiếu tốt hay không phụ thuộc vào độ tinh khiết, cắt mài và đánh bóng. Dựa vào các yếu tố này, đá CZ được phân cấp từ cấp độ A, AA và AAA. Trên thị trường, loại đá CZ (có chất lượng AAA) có khắc chữ Swarovski được nhiều người ngộ nhận gọi là “kim cương nhân tạo”.

Ngoài đá CZ thông thường, gần đây trên thị trường xuất hiện loại đá CZ phủ một lớp carbon bằng công nghệ nano. Quan sát bên ngoài viên đá CZ phủ carbon, có thể thấy đá có màu sắc lấp lánh rất đẹp, tinh xảo. Điều đặc biệt là viên CZ phủ carbon này có thể đánh lừa cả bút thử kim cương, cho ra kết quả đó là viên kim cương. Người bán không trung thực rất dễ dàng đánh lừa người tiêu dùng bằng cách này. Trong khi độ cứng của kim cương là 10 thì độ cứng của đá CZ phủ carbon là 8,5. Sau một thời gian sử dụng, viên CZ phủ carbon cũng sẽ bị trầy xước, lộ ra viên đá CZ bên trong.

Người tiêu dùng bị móc túi

Sự nhập nhằng này khiến không ít người tiêu dùng bị lừa mua đá CZ với giá kim cương nhân tạo. Giá thực sự của một viên CZ 4,5 li chỉ là 5.000 đồng/viên, viên CZ Swarovski là 250.000 đồng/viên, CZ phủ carbon là 520.000 đồng/viên. Thế nhưng trên đường Lê Thánh Tôn, Q.1, TP.HCM (khu vực chợ Bến Thành), một cửa hàng đá quý hét giá viên đá CZ 4,5 li phủ carbon là 1,5 triệu đồng, một cửa hàng khác cũng ở khu vực này hét lên đến 2,2 triệu đồng. Chất lượng của 2 viên đá này thực sự hoàn toàn giống với viên đá CZ giá 250.000 – 520.000 đồng.

Điều khó khăn đối với người tiêu dùng là nếu chỉ nhìn bằng mắt thường hay qua kính lúp thì rất khó nhận biết đâu là CZ Swarovski, CZ phủ carbon và CZ thường. Do vậy thường là họ mắc bẫy của người bán.

Phân biệt kim cương, kim cương nhân tạo, các loại đá nhái

Để có thể phân biệt được kim cương, kim cương nhân tạo và các loại đá nhái kim cương, theo ông Lê Hữu Hạnh – Phó TGĐ Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) – người tiêu dùng có thể dựa vào một số đặc điểm sau: Dùng kính lúp để xem viên đá, nếu là viên đá CZ thì sẽ nhận thấy viên đá sẽ bị lỗi nhiều và tiêu chuẩn cắt mài không được chuẩn; xem cạnh của viên đá có đến 99% viên là có sọc chạy, cạnh dày hay mỏng thất thường; 1% số viên đá còn lại có thể bóng láng ở cạnh viên đá nhưng cần xem xét sự bóng láng đó có đều hay không.

Để phân biệt đá CZ và kim cương, người tiêu dùng lấy một tờ giấy trắng, vẽ một hình tròn rồi gạch ngang hình tròn hoặc chấm một dấu ở giữa. Lấy viên đá đặt vào giữa hình tròn, nếu mắt không nhìn thấy dấu gạch ngang hay dấu chấm thì đó là kim cương; ngược lại, nếu mắt thấy một đường đứt khúc hay dấu chấm nhòe thì đó là đá CZ.

Ngoài ra cũng có thể phân biệt được đá CZ hay kim cương qua đặc điểm tỷ trọng của viên đá. Viên đá CZ sẽ nặng hơn viên kim cương đồng dạng. Ví dụ 1 viên kim cương 4,5 li sẽ có trọng lượng là 0,33 – 0,35 carat, trong khi đó đá CZ 4,5 li có trọng lượng là 0,61 carat.

Chất lượng kim cương phong thủy

Ngoài ra, trên thị trường hiện nay xuất hiện những viên kim cương có 88 giác cắt hoặc 105 giác cắt nhằm đánh vào yếu tố tâm linh của người tiêu dùng là ý nghĩa “phát phát”, “lộc”. Theo tiêu chuẩn quốc tế, một viên kim cương có giác cắt chuẩn gồm 57 giác sẽ phản chiếu ánh sáng đẹp nhất.

Muốn tạo một viên kim cương cắt 88 hay 105 giác, thợ kim hoàn sẽ lấy viên 58 giác cắt thêm nhiều giác để có thể tạo ra 88 hay 105 giác. Như vậy, chi phí cho một viên kim cương sẽ tăng lên và đắt hơn viên kim cương thường (cùng trọng lượng) khoảng 30%. Trong khi thực sự viên kim cương này đã không còn đạt tiêu chuẩn cắt, việc có quá nhiều giác khiến màu sắc bị loạn đi, giảm vẻ đẹp của viên kim cương.

Theo Thanh Xuân

Thanh Niên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)