Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Lấp “lỗ hổng” khi chọn nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Thời điểm này, học sinh lớp 12 bước vào giai đoạn nước rút để hoàn thiện kiến thức và lựa chọn ngành học, bậc học cho mình. Đây được coi là bước ngoặt đầu tiên góp phần quyết định con đường tương lai và sự thành công của các em sau này.

Học sinh Trường THPT Phan Đăng Lưu (TP.HCM) đang tìm hiểu thông tin các ngành nghề tại chương trình “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức

Tuy nhiên, nhiều học sinh hiện vẫn còn lúng lúng, không dám mạnh dạn thể hiện nguyện vọng khiến các em đã áp lực lại càng áp lực thêm.

Lơ mơ chuyện chọn nghề

Theo ThS. Lê Thị Hồng Quế (Trường THPT Thủ Đức, TP.HCM), học sinh THPT đang phải đối mặt với nhiều áp lực. Theo kết quả khảo sát bảng câu hỏi và phỏng vấn sâu học sinh Trường THPT Thủ Đức và trợ lý thanh niên một số trường lân cận, nguyên nhân tạo nên áp lực đối với học sinh ngoài chương trình học nặng nề còn có áp lực về tâm lý: Thấy thương cha mẹ vất vả lao động để nuôi con ăn học, phải học thêm quá nhiều do kỳ vọng của ba mẹ… “Trong công tác hướng nghiệp, trường phổ thông đã có nhiều hoạt động định hướng nghề nghiệp cho học sinh như phối hợp cùng các trường ĐH, CĐ tổ chức tham quan thực tế, tổ chức các tiết học hướng nghiệp… Bản thân học sinh cũng có điều kiện tiếp cận đầy đủ thông tin hướng nghiệp trước khi đăng ký, lựa chọn ngành học và trường học sau THPT. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện và triển khai chương trình vẫn còn những tồn tại khiến cho công tác hướng nghiệp tại các trường THPT chưa đạt được hiệu quả cao, chưa phân luồng được học sinh sau THPT. Sở dĩ như vậy là do một bộ phận không nhỏ học sinh chưa xác định được rõ ràng lợi thế của bản thân, chưa khám phá được đam mê, sở thích đối với một ngành học hay một nghề nghiệp cụ thể, chưa đánh giá đúng năng lực học tập. Không những thế, các em mới chỉ dừng lại ở việc tập trung học thật tốt chứ chưa tạo cho mình động cơ học tập tích cực và còn quá phụ thuộc, ỷ lại vào định hướng gia đình, thậm chí là chịu sự áp đặt của gia đình khi lựa chọn nghề nghiệp”, ThS. Lê Thị Hồng Quế đánh giá.

Ghi nhận thực tế từ các chương trình tư vấn hướng nghiệp cho thấy, đa số các chuyên gia tư vấn thường chỉ nhận được những câu hỏi: Trường đó có những khối gì, điểm chuẩn bao nhiêu? Em nên học nghề gì để kiếm được nhiều tiền? Hoặc em học khối này thì nên thi vào trường nào?… mà chưa hiểu hết nội dung và giá trị của tư vấn hướng nghiệp để đặt câu hỏi: Ngành đó học những gì? Cần những tố chất gì? Học ra làm gì? Em có phù hợp với ngành đó hay không?…

Học càng giỏi càng bị áp lực

Cũng theo ThS. Lê Thị Hồng Quế, một thực tế đáng buồn là nhiều học sinh học khá giỏi lại chịu nhiều áp lực trước những kỳ thi vì sự kỳ vọng, niềm tin quá lớn của gia đình cũng như bản thân khi lựa chọn ngành học tại những trường có điểm chuẩn cao. Nhưng số này không nhiều bằng những học sinh có học lực trung bình khá. Nhóm này lựa chọn các ngành học, trường học được cho là an toàn như tài chính, kinh tế, quản trị kinh doanh… Chủ yếu chọn theo bạn bè vì nghĩ rằng đây là những ngành học xong có thể làm được nhiều công việc khác nhau. Xuất phát từ những áp lực trong học tập, nhằm đạt được mục đích duy nhất và trước mắt là thi đậu ĐH, các em mặc nhiên chỉ học các môn theo khối thi mà không quan tâm hoặc có thái độ xem thường những môn học còn lại. Bên cạnh đó, còn một số học sinh mất căn bản, không có khả năng học tập cao hơn ở bậc ĐH, CĐ nhưng đăng ký nguyện vọng và làm hồ sơ vẫn chọn ĐH chứ nhất định không định hướng học nghề sau THPT.

Sinh viên được đăng ký chọn lại ngành học

ThS. Nguyễn Văn Đương (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) cho biết, trường vẫn duy trì việc cho thí sinh đăng ký ngành học sau thời gian học tập tại trường như những năm trước đây. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2016, việc chọn lại ngành học đăng ký dự kiến sẽ có sự thay đổi do áp dụng theo chương trình tiên tiến quốc tế. Theo đó, thay vì được đăng ký ngành học sau 3 học kỳ như trước đây, những sinh viên trúng tuyển vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM sẽ đăng ký sau 1 năm học (2 học kỳ) tại trường. Năm nay, trường dự kiến sẽ áp dụng 2 mức điểm đầu vào cho 2 nhóm ngành (nhóm 1 gồm 7 ngành, nhóm 2 gồm 20 ngành), sinh viên chỉ được đăng ký thay đổi ngành học trong nhóm ngành mình đăng ký ban đầu, không được chuyển đổi sang nhóm ngành khác.

Tương tự, ThS. Trương Tiến Sĩ (Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) cũng cho biết, sinh viên thuộc nhóm ngành kinh tế – kinh doanh quản lý (gồm 5 ngành: Tài chính ngân hàng, kế toán, quản trị kinh doanh, hệ thống thông tin quản lý, kinh tế quốc tế) sẽ được đăng ký ngành học trong nhóm sau 3 học kỳ dựa trên kết quả học tập và nguyện vọng của các em.

Linh Vy (ghi)

Thống kê từ ĐHQG TP.HCM cho thấy: Trong số 872 ngàn thí sinh chưa tốt nghiệp THPT tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2015, số thí sinh thi 4 môn tối thiểu theo đúng quy định chiếm 57%, thi 5 môn chiếm 32%, thi 6 môn chiếm 10%, thi 7-8 môn chiếm 0,5%. Những thí sinh có học lực càng giỏi thì có xu hướng chọn 5-6 môn, chủ yếu tập trung ở các cụm thi do trường ĐH chủ trì. Riêng tại 8 cụm thi thuộc khu vực TP.HCM, số thí sinh chọn thi từ 5 môn trở lên chiếm gần 55%, tập trung ở các trường có thành tích học tập cao, nhất là các trường chuyên. “Kể cả những thí sinh khối D dù 3 môn toán, văn, ngoại ngữ đều nằm trong nhóm những môn thi bắt buộc trong kỳ thi THPT vẫn đăng ký thêm 2-3 môn để tăng cơ hội xét tuyển vào những ngành khác ở trường ĐH khác”, TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM, cho biết.

Ba mẹ can thiệp sâu vào… chuyện tương lai

Tại nhiều chương trình tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức, các chuyên gia tâm lý nhận được rất nhiều câu hỏi về việc phụ huynh áp đặt con cái trong việc chọn nghề theo kiểu “em muốn học ngành này, nhưng ba mẹ em lại muốn em học ngành kia”. TS. Trần Đình Lý (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) kể một câu chuyện có thật tại mùa tuyển sinh 2015: Có thí sinh đăng ký vào trường nhưng 4 nguyện vọng là 4 ngành khác nhau. Nguyện vọng 1 là ngành bác sĩ thú y; nguyện vọng 2 là ngành công nghệ sinh học; nguyện vọng 3 là ngành nông học và nguyện vọng 4 là ngành kinh tế. Nguyện vọng 2 và 3 còn có chút liên quan nhưng lại chẳng liên quan tới 2 ngành còn lại. Hỏi ra mới biết thí sinh này trước đó có nộp hồ sơ vào ngành bác sĩ đa khoa của  ĐH Y dược TP.HCM. Với số điểm khá cao nên có thể nói thí sinh này có cơ hội vào bất cứ ngành nào trong các nguyện vọng đăng ký. Vì vậy, việc đăng ký ngành nào là nguyện vọng 1 có ảnh hưởng rất lớn đối với việc trúng tuyển của em. “Cùng em đi nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển hôm đó còn có ba em. Hai người đã tranh luận rất gay gắt về việc nên chọn ngành nào ở nguyện vọng 1. Người con muốn ngành bác sĩ thú y, còn người cha lại muốn con học ngành công nghệ sinh học. Tranh luận chỉ kết thúc khi người con hỏi “vậy bây giờ ba học hay là con học?” và kết quả phần thắng thuộc về người con. “Dám đấu tranh để được học ngành mình thích như thí sinh này có lẽ là trường hợp hiếm vì thực tế rất ít em làm được điều này. Nhiều gia đình còn chọn luôn ngành học cho con vì cho rằng “trứng không thể khôn hơn vịt”, “cá không ăn muối cá ươn”, cho rằng sự lựa chọn của ba mẹ mới là hợp lý. Càng ở khu vực nông thôn, vùng xa trung tâm thông tin thì sự áp đặt càng nặng nề”, TS. Trần Đình Lý nhìn nhận.

Bài, ảnh: Ngọc Anh

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)