Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Lấp “lỗ hổng” kỹ năng cho sinh viên

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

SV Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM tham gia trò chơi rèn luyện kỹ năng

Năm học 2010-2011, Bộ GD-ĐT chính thức lồng ghép dạy kỹ năng vào chương trình học chính khóa của học sinh (HS) phổ thông. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu chương trình kỹ năng được thực hiện tốt ở bậc phổ thông thì lên ĐH sẽ “nhẹ gánh”.
Hơn 80% sinh viên thiếu kỹ năng
Cũng có nhiều quan điểm đồng tình khác từ các trường ĐH khi cho rằng, việc lồng ghép dạy kỹ năng trong chương trình học chính khóa của HSlẽ ra cần được thực hiện sớm hơn. Bởi ở các nước có nền giáo dục phát triển, HS được trang bị kỹ năng ngay ở bậc học phổ thông chứ không đợi lên đến ĐH. Ở Việt Nam hai năm trở lại đây, khi mà yêu cầu thực hiện “chuẩn đầu ra” của Bộ GD-ĐT được áp dụng với các trường thì vấn đề tăng cường kỹ năng cho sinh viên (SV) càng được các trường chú trọng.
Thực tế, hiệu quả của hoạt động trang bị kỹ năng cho SV thời gian qua vẫn chưa hoàn toàn đem lại sự hài lòng cho đơn vị đào tạo lẫn nơi sử dụng. Nhiều SV ra trường không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng mà một trong những nguyên nhân quan trọng lại liên quan đến kỹ năng. Thống kê của Viện Nghiên cứu giáo dục Việt Nam cho thấy, trên 80% SV ra trường thiếu kỹ năng mềm. Theo đó, trong 2.000 hồ sơ xin việc thì chỉ có khoảng 40 hồ sơ đạt yêu cầu. Anh Dương Trọng Phúc (Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ SV TP.HCM) đánh giá, nhiều SV chưa nhận thức được ý nghĩa thiết thực của việc trang bị kỹ năng mềm, chỉ chú trọng đầu tư học kiến thức chuyên môn và ít quan tâm rèn luyện các kỹ năng khác. Bên cạnh đó, sự thiếu phối hợp giữa các đoàn thể xã hội, doanh nghiệp với nhà trường nhằm trang bị kỹ năng cho SV đã “góp phần” tạo ra những SV không đạt “chuẩn”.
“Đổi gió” cho đào tạo kỹ năng
Chương trình đào tạo kỹ năng hiện nay không phải là quá hiếm hoi, nhưng theo anh Dương Trọng Phúc, số lượng đơn vị đào tạo kỹ năng đang nở rộ trong khi lại thiếu sự kiểm định: chương trình đào tạo, học phí… mỗi đơn vị lại khác biệt. Bản thân SV đến khi đi thực tập hoặc cận thời điểm ra trường mới tìm học một khóa kỹ năng. Rõ ràng, đây chỉ là cách làm… đối phó trong khi kỹ năng cần được hình thành, rèn luyện suốt một quá trình dài. Phạm Thanh Tùng (SV Khoa Động lực, Trường CĐ Lý Tự Trọng) cho biết, nhiều bạn SV tham gia các khóa học kỹ năng chỉ để cho… vui hoặc do bạn bè rủ. Thậm chí có bạn ngay những buổi đầu đến lớp vẫn chưa xác định được mình cần trang bị những kỹ năng gì cho thích hợp. Còn Trần Văn Bình (SV Khoa CNTT, Trường CĐ Lý Tự Trọng) hiện đang học năm cuối nhưng đến thời điểm này Bình mới hai lần tham gia chương trình bồi dưỡng kỹ năng do trường tổ chức. Bản thân Bình cũng chưa từng tự tìm kiếm cho mình một khóa học kỹ năng nào để tham gia, bởi vì công việc làm thêm đã chiếm hết thời gian.
Tại các trường, do eo hẹp kinh phí nên các chương trình đào tạo kỹ năng được tổ chức ở quy mô khá khiêm tốn và cũng chỉ “phủ” được ở một bộ phận SV nhất định. Chủ tịch Hội SV Trường ĐH Luật TP.HCM, Nguyễn Thành Bá Đại nhấn mạnh, tăng cường trang bị kỹ năng chuyên ngành cho SV năm cuối là một trong những “điểm nhấn” trong chuỗi hoạt động sắp tới của trường vì những kỹ năng này quan trọng và giúp ích rất nhiều để SV tự tin nắm bắt cơ hội tìm việc làm. Tuy nhiên, theo anh Bá Đại, khó khăn hiện nay của trường là chưa thể khảo sát và nắm bắt hết nhu cầu cụ thể về những kỹ năng thuộc lĩnh vực chuyên ngành mà người học cần trang bị. Đây có lẽ cũng là khó khăn chung của không ít trường trong việc tăng cường kỹ năng chuyên ngành cho SV trước khi tốt nghiệp. Giảng viên Trương Thanh Nhã (Khoa Quan hệ quốc tế, Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM), sau quá trình khảo sát thực trạng việc làm của SV tại khoa trong các năm gần đây nhận định, các nhà tuyển dụng đánh giá việc đào tạo kỹ năng trong trường ĐH chưa hiệu quả bằng các khóa đào tạo ngắn hạn bên ngoài. Phương pháp giảng dạy còn nặng tính đọc – chép, chủ yếu kiểm tra, đánh giá kiến thức theo kiểu “truyền thống”, làm suy giảm tính chủ động của SV.
Đề án “Trang bị và bồi dưỡng những kỹ năng thực hành xã hội cần thiết cho SV TP.HCM giai đoạn 2010-2015” của Hội SV TP.HCM đã bước vào giai đoạn đầu và nếu đề án phát huy được hiệu quả tích cực thì mọi người có quyền tin tưởng vào chất lượng của những lớp SV sẽ bàn giao cho xã hội trong vòng 5 năm tới (sẽ hội đủ tất cả kỹ năng). Tuy nhiên, hành động của mỗi trường, mỗi SV nhằm tăng cường kỹ năng có lẽ cần những “luồng gió mới” ngay từ bây giờ chứ không hẳn phải trông chờ đến 5 năm tới…
Bài, ảnh: M.T

“Các nhà tuyển dụng đánh giá việc đào tạo kỹ năng ở trường ĐH chưa hiệu quả bằng các khóa đào tạo ngắn hạn bên ngoài. Bởi vì phương pháp giảng dạy còn nặng tính đọc – chép, chủ yếu kiểm tra, đánh giá kiến thức theo kiểu “truyền thống”, làm suy giảm tính chủ động của SV” – Giảng viên Trương Thanh Nhã, Khoa Quan hệ quốc tế Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM, nhận định.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)