Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Lập lờ vàng trắng

Tạp Chí Giáo Dục

Vàng trắng hiện đang được ưa chuộng, là mặt hàng chủ đạo trong chế tác trang sức, chiếm tới 80% thị trường vàng trang sức. Tuy nhiên, không ít trường hợp bỏ tiền mua vàng nhưng nhận về món đồ hóa ra lại chỉ toàn bạc với đồng…

Chất lượng vàng trắng kém đến mức "thảm hại" khiến người chủ "xanh mắt".
Vàng trắng là vàng pha
Ông Dương Anh Tuấn, phó tổng giám đốc Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji cho biết, bản thân vàng trắng không phải là vàng cao tuổi mà chỉ là vàng 18K trở xuống, được pha hội để tạo màu trắng. Hội, trong chuyên ngành trang sức, kim hoàn, là một thuật ngữ chỉ các kim loại khác được pha vào vàng để làm cho tuổi vàng thấp xuống, đồng thời đạt được một số tính chất, như tăng độ cứng, độ bóng, độ trắng sáng và thay đổi màu sắc. Các chất này có thể là bạc, đồng, niken, kẽm, paladi… Vàng trắng có thể nói là vàng Tây, với các tuổi vàng khác nhau.
Ví dụ, 18K tức là khoảng 75% vàng, 14K là khoảng 50%, 9 – 10K là khoảng 40%. "Như vậy có thể nói nếu đúng là vàng trắng thì không có chuyện vàng kém chất lượng mà chỉ có vàng cao tuổi hay thấp tuổi mà thôi", ông Tuấn khẳng định.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho rằng, thực tế xác định tuổi vàng là vấn đề tương đối phức tạp vì nó phụ thuộc các nhóm hội khác nhau người ta sử dụng để pha vào vàng tạo nên những tính chất khác nhau của vàng trắng. Để phân biệt được thành phần nhóm hội và xác định tuổi vàng cần phải dùng máy đo phổ kế huỳnh quang tia X. Tuy nhiên, kết quả cũng chỉ tương đối chính xác, phụ thuộc vào mức độ hiện đại của máy. Lợi dụng điểm yếu này, các cơ sở kinh doanh có thể trà trộn vàng thấp tuổi với vàng cao tuổi để "ăn" khoản chênh lệch lớn từ sự khác biệt giá cả giữa các loại vàng trắng khác nhau.
Vàng thau lẫn lộn
Tuy nhiên, theo phóng viên tìm hiểu, thực tế thị trường trang sức vàng trắng không đơn giản chỉ có sự trà trộn giữa vàng cao tuổi và thấp tuổi, mà có thể nói còn có sự tồn tại của cả những trang sức vàng trắng mà thực chất không còn là vàng.
Tại Tiệm vàng 101 Hàng Gà, Hà Nội, chúng tôi được trực tiếp chứng kiến kiểm định vàng trắng để rõ thực hư kém chất lượng ra sao. Một chiếc nhẫn vàng trắng được khách hàng mới mua với giá khá cao được đưa vào máy kiểm định. Kết quả, chất lượng kém đến mức "thảm hại" khiến người chủ "xanh mắt", bởi tính ra hàm lượng vàng có trong chiếc nhẫn chỉ chiếm 29,7%, bạc chiếm đa phần, tới 55,3% và đồng chiếm 15%. Tương tự, một chiếc lắc vàng trắng đưa vào máy kiểm định cũng cho thấy rõ hàm lượng chủ yếu là bạc (43,8%), hàm lượng vàng chiếm 29,6% và đồng là 26,6%, nếu tính theo tỷ lệ thì chiếc lắc này chỉ đạt 7,1K.
Ông Hoàng Thanh Sơn, chuyên gia kiểm định tại tiệm vàng trên cho biết, nhiều trường hợp người dân mua vàng trắng với giá khá cao vì sản phẩm được giới thiệu có chất lượng tốt, tuổi vàng cao, nhưng khi kiểm định thì thực chất chỉ nên gọi là vòng, nhẫn bạc vì thành phần bạc là chủ yếu, hoàn toàn không còn là sản phẩm vàng nữa.
"Cũng có những sản phẩm vàng trắng với hàm lượng vàng đạt 64,8%, bạc chiếm 2,7% và đồng 32% thì được xem là đúng vàng trắng mặc dù vẫn chưa đủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên, những sản phẩm này trên thị trường là rất ít và thường chỉ được mua từ các cửa hàng có uy tín, bảo hành chất lượng", ông Sơn cho hay.
Các chuyên gia khuyến cáo, để sở hữu được một món đồ trang sức bằng vàng trắng có tuổi vàng tương ứng đúng với số tiền bỏ ra, người tiêu dùng chỉ còn cách tìm đến những cơ sở kinh doanh có uy tín, có trang thiết bị hiện đại để kiểm định và đảm bảo chất lượng sản phẩm bán ra.
Trong phổ thông, nhiều người thường nhầm lẫn bạch kim là vàng trắng, bởi dịch từ tiếng Trung Quốc thì bạch là trắng, và kim là vàng. Tuy nhiên, trong chuyên môn, bạch kim thường được dùng để chỉ cho platin, một kim loại đặc biệt chuyên dùng để làm trang sức cao cấp. Trong sản phẩm platin không có vàng, mà là nguyên tố platin nguyên chất, rất quý hiếm, đắt tiền hơn vàng và quá trình gia công chế tác cũng khó hơn.
Theo Khánh Hiền
Bee.net.vn

Bình luận (0)