Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Nguyễn Minh Quang khi trao đổi với Thanh Niên về vụ lấp sông Đồng Nai làm dự án khu đô thị.
Hiện trường lấp sông Đồng Nai (ảnh chụp sáng 27.3) – Ảnh: Độc Lập
|
Ông Quang cho biết đã nhận được công văn của Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ NN-PTNT, Bộ GTVT kiểm tra việc thực hiện dự án (DA), xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật hiện hành. “Việc này Bộ đã giao cho Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai phụ trách, Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ cùng tham gia. Trong tháng 4, chúng tôi sẽ rốt ráo kiểm tra việc lấp sông Đồng Nai để kịp tiến độ báo cáo Chính phủ vào tháng 5 tới”, Bộ trưởng Quang nói.
|
Cũng theo người đứng đầu Bộ Tài nguyên – Môi trường (TN-MT), một đoàn kiểm tra liên ngành gồm đại diện các bộ được Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải giao sẽ vào khảo sát hiện trường, làm việc lại với tỉnh Đồng Nai để làm rõ các vấn đề liên quan đến tác động dòng chảy, môi trường, pháp lý của DA. “Ở góc độ TN-MT, chúng tôi chú trọng đánh giá lại tác động dòng chảy. Còn về đánh giá tác động môi trường, dù thuộc thẩm quyền của Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai nhưng Bộ vẫn phải kiểm tra lại. Bên cạnh đó, sẽ tham khảo thêm ý kiến của các địa phương liên quan đến dòng sông Đồng Nai, trong đó có TP.HCM, Ủy ban Bảo vệ sông Đồng Nai cũng là nơi cần tham vấn”, Bộ trưởng Quang cho biết.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng cho biết đã nhận được công văn chỉ đạo của Chính phủ phối hợp kiểm tra rà soát các vấn đề theo chuyên ngành tại DA lấp sông Đồng Nai. Bộ sẽ cử Cục Phát triển đô thị cùng tham gia với đoàn do Bộ TN-MT chủ trì làm việc với địa phương về DA này.
Cũng trong hôm qua, Thanh Niên đã liên lạc lại với ông Võ Tuấn Nhân, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ – Môi trường của Quốc hội, Trưởng đoàn công tác làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai về DA lấp sông Đồng Nai. Ông Nhân cho hay đến ngày 30.3 vẫn chưa bố trí được lịch họp để đoàn đưa ra báo cáo sau chuyến khảo sát. “Dự kiến vài ba ngày tới chúng tôi sẽ họp để thống nhất đưa ra báo cáo khảo sát chính thức. Tinh thần trước mắt của báo cáo sẽ là kiến nghị yêu cầu dừng thi công, rà soát lại toàn bộ từ đầu những vấn đề liên quan đến hồ sơ pháp lý của DA này. Bên cạnh đó, sẽ làm rõ cơ sở khoa học của việc lấp sông là đánh giá lại tác động môi trường, ảnh hưởng dòng chảy… của việc lấp sông Đồng Nai làm khu đô thị. Mọi việc phải được minh bạch”, ông Nhân nói.
Ông Nhân cũng cho biết, khi có báo cáo khảo sát, nếu phát hiện sai phạm, sẽ yêu cầu địa phương giải trình. Việc có cho DA tiếp tục triển khai hay không là thẩm quyền của UBND tỉnh Đồng Nai, thậm chí là của Thủ tướng Chính phủ.
Mở rộng nghiên cứu ra toàn vùng
Cũng trong ngày 30.3, Mạng lưới sông ngòi VN (VRN) thông báo cuộc tọa đàm về DA lấp sông Đồng Nai được dời lại. Theo kế hoạch, cuộc tọa đàm sẽ được tổ chức vào ngày 5.4 tại TP.HCM.
Trao đổi với Thanh Niên, TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam – đại diện khu vực phía nam của VRN, cho biết: “Sau khi tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy cấu tạo địa chất ở khu vực này không bình thường, cấu trúc dòng chảy rất phức tạp và vùng ngã ba này hết sức nhạy cảm về môi trường. DA có thể hạn chế nước chảy về xuôi dẫn đến thiếu nước ngọt cung cấp cho sinh hoạt. Nước về ít còn gây xâm nhập mặn nhiều và nhanh hơn, đồng thời gây ô nhiễm môi trường nước toàn vùng. TP.HCM và Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ bị tác động rất nặng nề. Đó là những điều có thể nhìn thấy rõ và rất đáng lo. Chính vì vậy, chúng tôi muốn mở rộng việc nghiên cứu những tác động của DA này ra toàn vùng”.
“Những nội dung mà chúng tôi sẽ tập trung nghiên cứu như: tác động của DA đến việc thay đổi dòng chảy trong khu vực và lưu vực; tác động thế nào đến cộng đồng dân cư khu vực cả trực tiếp và gián tiếp; ảnh hưởng đến chất lượng nước, đa dạng sinh học, hệ sinh thái tự nhiên và hệ sinh thái nhân văn, ảnh hưởng đến sự xâm nhập mặn vùng hạ lưu; nghiên cứu về địa chất công trình và địa mạo; viễn cảnh của DA và dự báo những tác động tiềm tàng… Chúng tôi cũng mời thêm các nhà khoa học có uy tín cùng vào cuộc. Thay vì tọa đàm, chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc hội thảo khoa học quy mô lớn”, TS Long nói.
Sự liều lĩnh, vô trách nhiệm
GS-TSKH Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước VN, Phó chủ tịch Ủy hội Đập lớn thế giới đã nói như vậy khi trao đổi với Thanh Niên về DA lấp sông Đồng Nai.
Ông Giang cho biết: “Tôi hết sức ngạc nhiên khi biết về DA này. Tại sao người ta lại có thể làm việc hết sức liều lĩnh, vô trách nhiệm như vậy? Ở VN từ trước đến giờ, chưa từng có việc lấn sông với quy mô lớn như vậy để kinh doanh”.
GS-TSKH Phạm Hồng Giang khẳng định, việc đổ đá, bê tông là can thiệp thô bạo vào dòng chảy. Ở sông lớn như Đồng Nai, dòng chảy có nội năng rất lớn, đoạn sông thu hẹp chảy xiết hơn. Nếu bờ chỗ này được cứng hóa, sẽ phá bờ ở những chỗ khác. Chỗ nào bờ sông bị lở mà cần bảo vệ, người ta thường làm kè hộ bờ giữ đất. Khi làm kè phải tính toán kỹ tác động trở lại của dòng chảy để chống sạt lở và xói lòng sông ở các vị trí tiếp theo.
“Tôi khẳng định ngay là không có quy định, bộ luật nào lại cho phép tự ý lấn sông, lấp sông. Nếu lấy quy trình để bào chữa cho cái sai như thế thì phải xem lại quy trình ấy có khiếm khuyết hay kẽ hở nào không”, GS Giang kiến nghị. Ông cũng nhấn mạnh: “Tìm kiếm lợi nhuận là chuyện của các doanh nghiệp nhưng thu hẹp lòng sông một cách thô bạo sẽ gây hậu quả khó lường. Không ai đi lấn, lấp sông bừa như thế, cần trả lại nguyên trạng dòng sông như trước khi bị thu hẹp”.
Việc lập quy hoạch dự án có dấu hiệu vi phạm
Theo thông báo mà UBND tỉnh Đồng Nai phát đi ngày 24.3, DA này chưa được lập quy hoạch 1/2.000 mà chỉ mới dừng lại ở quy hoạch chi tiết 1/500. Theo các chuyên gia, điều này có dấu hiệu vi phạm quy định về quy hoạch. Cụ thể, theo Thông báo 2071/TB-UBND ngày 24.3.2015 của UBND tỉnh Đồng Nai thì quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa được duyệt theo Quyết định (QĐ) số 4646/QĐ-UBT ngày 16.12.1997. Đến ngày 16.6.2009, UBND tỉnh có QĐ 1669/QĐ-UBND duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết P.Quyết Thắng, trong đó đã khoanh vùng tách riêng DA kè lấn sông Đồng Nai và đất quy hoạch DA cảnh quan bờ sông Đồng Nai ra làm hai phần. Ngày 10.11.2011, UBND tỉnh có Văn bản số 7914/UBND-CNN thỏa thuận địa điểm cho Công ty Toàn Thịnh Phát thực hiện DA “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai”, diện tích khoảng 8,4 ha (sau đó được gia hạn hiệu lực tại Văn bản 2763/UBND-ĐT ngày 4.4.2014 của UBND tỉnh). Ngày 13.9.2013, UBND tỉnh có QĐ 2923/QĐ-UBND duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 DA cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai tại P.Quyết Thắng: Diện tích lập quy hoạch là 15,0939 ha, trong đó khu vực hiện hữu cải tạo: 4,7940 ha và khu vực đầu tư mới là 10,2999 ha (đã giới thiệu cho Công ty Toàn Thịnh Phát 8,4 ha). Ngày 21.7.2014, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành QĐ 2230/QĐ-UBND về việc chấp thuận đầu tư DA cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai cho Công ty Toàn Thịnh Phát.
Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn luật sư TP.HCM) nhận định, theo bản đồ quy hoạch căn cứ theo Nghị quyết 69 của Chính phủ về việc xét duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 – 2015) tỉnh Đồng Nai được công bố theo Thông báo 313 ngày 26.11.2012 của Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Đồng Nai thì hoàn toàn không có 8,4 ha đất lấp sông Đồng Nai. Theo khoản 3 điều 5 của Nghị định 71 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật Nhà ở thì DA phát triển nhà ở phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị, thiết kế đô thị, phù hợp với chương trình phát triển nhà ở trong từng giai đoạn của địa phương. Như vậy, QĐ 2923 của UBND tỉnh Đồng Nai duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đối với DA này là không phù hợp với Nghị quyết 69 của Chính phủ và quy hoạch chung của TP.Biên Hòa. “Trong kế hoạch sử dụng đất theo quy định của Chính phủ không hề đề cập đến phần diện tích lấn sông hơn 8,4 ha nhưng UBND tỉnh Đồng Nai lại lấy đất sông để chuyển thành đất ở và cấp cho doanh nghiệp làm DA. Không những vậy, UBND tỉnh Đồng Nai còn sửa lại quy hoạch 1/500 theo ý của doanh nghiệp”, luật sư Phượng phân tích.
Luật sư Phượng cũng chỉ ra những dấu hiệu vi phạm khác của UBND tỉnh Đồng Nai như UBND tỉnh đã ưu ái thỏa thuận địa điểm trước (ngày 10.11.2011) cho chủ đầu tư, sau đó UBND lại đi lấy ý kiến người dân thay cho chủ đầu tư (thông thường thì đây là việc mà chủ đầu tư phải làm). UBND tỉnh Đồng Nai chỉ lấy ý kiến một số người dân trong 1 ngày (6.12.2011 lấy ý kiến về phương án quy hoạch chi tiết 1/500 của DA), trong khi điều 21 luật Quy hoạch đô thị quy định có nhiều thủ tục, thực hiện trong vòng từ 15 – 30 ngày.
Một lãnh đạo Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM cho biết: “Nếu quy hoạch 1/2.000 không có DA của Công ty Toàn Thịnh Phát thì là vi phạm pháp luật, phải dừng lại ngay”. Đình Sơn
|
Lê Quân – P.Hậu – Chí Nhân
(TNO)
Bình luận (0)