Bạn có thể lập ra 1 kế hoạch các việc bạn phải làm hay cần đạt được trong 1 giờ, 1 ngày, 1 tuần, 1 tháng… Và hãy xem những tân sinh viên của thế hệ 9X lập trình về những năm đại học của mình.
Trần Hoàng Quân, tân sinh viên Khoa Thương mại quốc tế – ĐH Ngoại thương
Ngay sau khi nhập học, sinh viên năm nhất Ngoại thương sẽ phải thi TOEIC, điểm cao sẽ giúp bạn được miễn tiếng Anh năm đầu tiên, điểm tổng kết tiếng Anh năm đó của bạn là 9 hoặc 10 là tùy vào điểm số đạt được trong kỳ thi. Bởi thế, Quân đã nhanh chóng đăng ký một khóa học tiếng Anh nâng cao, được miễn thì quá tốt.
Ngay từ năm nhất, nếu có cơ hội, Quân sẽ ứng cử vào vị trí lớp trưởng hoặc bí thư lớp. Tuy có vất vả hơn nhưng sẽ là cơ hội lớn để phát huy năng lực bản thân và là bước đệm để Quân thực hiện những dự định tiếp theo của mình. Quân muốn nổi trội cả về học tập lẫn hoạt động ngoại khóa.
Những câu lạc bộ, những chương trình, những cuộc thi… của khoa, của trường, qua tìm hiểu, nếu đam mê và có khả năng Quân sẽ tham gia để nâng cao kiến thức, kỹ năng giao tiếp cũng như các mối quan hệ xã hội.
MC và người mẫu ảnh là 2 lĩnh vực mà Quân luôn muốn hướng đến ngay từ những năm tháng sinh viên. Trở thành một “hotboy” tài năng được nhiều người ngưỡng mộ cũng là một phần trong những dự định đại học của Quân.
Đến kỳ học thứ 2, Quân dự định sẽ tìm một công việc part-time giúp cậu có thể nâng cao được trình độ tiếng Anh của mình như: bán hàng, phục vụ ở quán cà phê, khách sạn… (những nơi hay có người nước ngoài ghé thăm).
Sau khi vốn tiếng Anh đã khá ổn, Quân sẽ thúc đẩy việc học thêm tiếng Đức vì Đức mới chính là quốc gia Quân hướng đến để đi du học trong năm thứ 3. Quân sẽ bắt đầu săn lùng những suất học bổng tại Đức.
Nếu được học bổng từ 70% trở lên ở một ngôi trường có tiếng tăm ở Đức, Quân sẽ quyết định bảo lưu kết quả ở Ngoại thương và lên đường sang Đức du học vào đầu năm thứ 3. Công việc trong mơ của Quân là làm việc trong một tập đoàn, công ty nước ngoài nổi tiếng tại Việt Nam, khi có điều kiện, có thể cùng một vài người bạn thành lập được một công ty cho riêng mình.
Nguyễn Đức Chính, tân sinh viên Khoa Tài chính – Ngân hàng, Học viện Ngân hàng
Trước khi nhập học, Chính đã tìm hỏi các anh chị đã và đang học đại học để tìm ra cho mình phương pháp học và thi ở đại học tốt nhất. Trong năm thứ nhất, bên cạnh việc học thật tốt chương trình trên lớp, Chính mong muốn sẽ tìm cho mình một vị trí nào đó trong các câu lạc bộ của khoa hay của trường. Đây sẽ là môi trường để Chính nâng cao tính sáng tạo, sự tự tin, năng động và trang bị cho mình những kỹ năng "mềm" như: giao tiếp, thuyết trình, tổ chức sự kiện…
Cũng như nhiều sinh viên khác, công việc part-time đầu tiên Chính muốn thử sức là gia sư. Tuy nhiên, đến những năm thứ 3, thứ 4, Chính sẽ tìm cho mình một part-time có liên quan đến chuyên ngành mà mình được đào tạo. Nó sẽ giúp Chính có thêm kinh nghiệm, kiến thức về nghề nghiệp của mình, để tạo thuận lợi cho quá trình xin việc sau khi ra trường.
Số tiền kiếm được từ part-time, Chính sẽ đầu tư vào việc học tiếng Anh và Tin học.Sau khi học xong đại học, nếu có điều kiện và cơ hội, Chính sẽ tiếp tục học luôn lên cao học.
Lời khuyên của “ma cũ”
Bạn là những người mới đến, là 9X (với X=1), bạn không thể bỏ qua những kinh nghiệm xương máu của những 9X "ma cũ", đã rành từng góc hành lang, bàn cuối thư viện trong khuôn viên giảng đường.
Nếu bạn là tân sinh viên Học viện Tài chính:
Nguyễn Phương Thanh (Lớp K45/11.10, Khoa Tài chính doanh nghiệp, Học viện Tài chính)
+ Nên đọc trước giáo trình ở nhà trước buổi học, vì thầy cô có thể bất ngờ hỏi và… cho bạn điểm đấy – một cơ hội kiếm điểm tốt rất ngon => Tội gì không thử
+ Tích cực tham gia "Sôi động KTX", "Con số và nốt nhạc"…, bạn sẽ thành người nổi tiếng và rinh giải thưởng về phòng.
+ Nếu có năng khiếu, hãy viết bài cho Tạp chí Nghiên cứu khoa học sinh viên, sẽ có nhiều điều bất ngờ.
Nếu bạn là tân sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền:
Lưu Thị Quỳnh Hoa (K27, Khoa Quản lý xã hội, Học viện Báo chí – Tuyên truyền)
+ Cứ mạnh dạn nói chuyện với thầy cô và dân cựu trào. Không hề mất gì, cực nhiều điều lợi.
+ Tham gia hoạt động Đoàn và Hội ngay, dấn thân vào các hoạt động tình nguyện ngay từ năm đầu => bạn sẽ nhanh trưởng thành, học hành sẽ có được nhiều lợi thế.
+ Nếu muốn làm VIP của lớp, thủ lĩnh của Đoàn, hãy tự ứng cử ngay từ lần đầu tiên lớp tổ chức "bầu cử", không là sau này sẽ… khó có cơ hội.
Nếu bạn là tân sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội:
Nguyễn Thị Quý (Lớp K57B, Khoa Hóa, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội)
+ Sách về chuyên ngành sư phạm rất khó tìm, quý hiếm thế nên bạn cần chịu khó lên thư viện tìm => nên "ngọt ngào" làm quen các cô thủ thư sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
+ Khối lượng kiến thức của sư phạm khá nhiều đấy, tích cực học ở nhà mới có thể theo kịp chương trình trên lớp.
+ Cố gắng tham gia một câu lạc bộ nào đó, ngay từ năm thứ nhất.
+ Nếu bạn thật sự giỏi, thầy cô sẽ giới thiệu cho bạn những "mối" gia sư mà không cần qua các trung tâm ở ngoài.
Nếu bạn là tân sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân:
Vũ Trung Kiên (Lớp Ngân hàng 49A, Khoa Ngân hàng – Tài chính, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân)
+ Trong tuần học đầu tiên, nhớ càng nhiều tên bạn trong lớp càng tốt nhưng đừng làm mình quá nổi bật (nổi quá nhanh cũng không tốt đâu).
+ Đăng ký tín chỉ càng sớm càng tốt. Đừng tham mà đăng ký nhiều tín chỉ trong 1 kỳ, khoảng 7 đến 8 môn với 27 – 30 tín chỉ là vừa sức. Những môn thi trắc nghiệm như "Tin đại cương", "Luật đại cương"… thì không nên đầu tư vào học quá nhiều, mà nên chú trọng vào các môn thi viết.
+ Giáo trình nên tìm mua lại của những anh chị khoá trên.
|
Theo Kiều Chinh, Quỳnh Vân
Sinh Viên Việt Nam
Bình luận (0)