Xuất phát từ thực trạng nhiều học sinh còn hạn chế về những kỹ năng cần thiết trong việc phát triển năng lực và xây dựng thói quen tự học hiệu quả, hai học sinh Trường THPT Trần Phú (Q.Tân Phú, TP.HCM) là Trần Minh Quỳnh Hương (lớp 12A20) và Bùi Lê Chí Bảo (lớp 11B9) đã thực hiện đề tài “Thiết lập môi trường ảo nâng cao năng lực và thói quen tự học của học sinh THPT”.
Trần Minh Quỳnh Hương và Bùi Lê Chí Bảo được nhà trường trao thưởng về việc đoạt thành tích cao trong Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp thành phố tại lễ sơ kết học kỳ 1 vừa qua
Đây là đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học xã hội – hành vi. Qua đó nhằm hỗ trợ học sinh nâng cao khả năng tự học một cách hiệu quả, đồng thời tiếp cận được nguồn tri thức một cách độc lập, chủ động và sáng tạo.
Học sinh “ngại” tự học
Là một học sinh thích được tự học hơn những phương thức học tập khác nên Quỳnh Hương luôn đặt ra câu hỏi: “Thế nào là cách tự học hiệu quả? Đồng thời, trong quá trình học, em cũng nhận thấy nếu chỉ học theo “lẽ tự nhiên”, không kế hoạch, không phương pháp khoa học thì hiệu suất học tập cũng thấp, dẫn đến kết quả học tập không như mong muốn. Từ đó, em muốn tìm tòi thêm những phương pháp hỗ trợ tự học đạt hiệu quả để giúp mình và những bạn khác được tiếp cận với phương pháp tự học nhiều hơn, nhất là giúp các bạn hiểu được sự cần thiết của tự học trong thời kỳ mà mọi người gọi là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay”. Để thực hiện được đề tài này, Quỳnh Hương và Chí Bảo phải tiến hành khảo sát học sinh 56 trường THPT trên địa bàn TP.HCM qua 2 giai đoạn. “Giai đoạn 1 chúng em khảo sát những biểu hiện của tự học thông qua 19 câu hỏi, trong đó có 17 câu trắc nghiệm và 2 câu tự luận. Còn giai đoạn 2 khảo sát về tần suất sử dụng môi trường ảo, bao gồm 9 câu hỏi trắc nghiệm với các hình thức: lựa chọn, đánh giá mức độ, so sánh… ”, Quỳnh Hương cho biết.
Trải qua hơn 5 tháng thực hiện, nhóm nghiên cứu nhận thấy, hiện nay số lượng học sinh có tinh thần tự học cao chiếm chừng 7,34%; 17,39% là mức trung bình, phần lớn học sinh còn lại “ngại” tự học. Từ kết quả khảo sát đó, nhóm nghiên cứu còn chỉ ra rằng, học sinh THPT còn thiếu kỹ năng giúp phát triển năng lực tự học, nhất là những kỹ năng tự xây dựng môi trường học tập. Ngoài ra, Quỳnh Hương và Chí Bảo còn nhận được những con số “biết nói” về việc sử dụng môi trường ảo trong học tập. Theo đó, số lượng học sinh sử dụng website từ mức thường xuyên đến rất thường xuyên chiếm đến 64,3%. Trong đó, hình thức sử dụng mạng xã hội được học sinh yêu thích nhất với 67,8%, nhiều hơn số lượng học sinh chọn hình thức báo chí đến hơn 10 lần. Tuy nhiên, khi được hỏi về tần suất sử dụng các website hỗ trợ việc học của các bạn học sinh, mức độ sử dụng thường xuyên đến rất thường xuyên lại chỉ chiếm 48,9% (giảm 15,4%).
Đứng trước thực trạng này, Quỳnh Hương chia sẻ: “Hiện nay trên mạng Việt Nam tồn tại 2 dạng website, đó là dạng diễn đàn và kinh doanh các khóa học online. Chính vì thế làm cho chúng em bị hạn chế trong việc tương tác. Chẳng hạn, khi vô website diễn đàn, nội dung chỉ xoay quanh các bài giảng, bài tập, lời giải mà ít xây dựng các kỹ năng học tập. Đặc biệt, nội dung bài giảng có những thông tin khác nhau rõ rệt, gây khó hiểu, mức độ chính xác của thông tin không được đảm bảo. Những bài giảng miễn phí còn hạn chế về nội dung kiến thức… Và có đến gần 80% học sinh cho rằng dễ bị phân tâm bởi các hoạt động online khác. Đây có thể nói là một nguyên nhân khiến cho các bạn “ngại” tự học. Ngoài ra còn một số yếu tố khác như: thái độ, tính cách, tư duy, ngoại cảnh…”.
Môi trường ảo giúp phát triển kỹ năng tự học
Để khắc phục tình trạng trên cũng như rèn luyện cho học sinh tinh thần tự học một cách hiệu quả, tiếp cận được nguồn tri thức một cách độc lập, chủ động và sáng tạo, Quỳnh Hương và Chí Bảo đã thực hiện “Website hỗ trợ phát triển những kỹ năng tự học”. Website này có chức năng như một diễn đàn trao đổi về học tập, cung cấp kiến thức và các kỹ năng thông qua bài đăng của máy chủ và người dùng. Tuy nhiên, hình thức của website được thiết lập với hình thức mạng xã hội nhằm tạo sự gần gũi và cảm giác học tập thoải mái cho người sử dụng. Không chỉ vậy, sản phẩm mà nhóm nghiên cứu tạo ra còn cho phép người dùng đăng tải, chia sẻ những ghi chép của bản thân và lựa chọn, sử dụng những ghi chép của người dùng khác nhằm phục vụ cho mục đích học tập, cho phép người dùng tạo nhóm, tranh luận, bình chọn những hình ảnh, câu trả lời theo bản thân. Đặc biệt nó giúp cho người học không bị phân tâm bởi các hoạt động khác.
Một tính năng khác mà website mang lại chính là cho người dùng đặt cam kết tự thân và cam kết với website nhằm duy trì thói quen tự học và đảm bảo hiệu quả học tập, đặt các mục tiêu học tập dài hạn và ngắn hạn. Chưa hết, website còn liên tục nhắc nhở người học đáp ứng các nhu cầu nhằm xây dựng môi trường học tập hiệu quả nhất, đặt câu hỏi ôn tập ngay sau khi người dùng hoàn thành nội dung cần tìm hiểu… Tính năng cuối cùng là ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo. Theo đó, website đề xuất kế hoạch học tập dựa trên mục tiêu học tập ngắn hạn, dài hạn và thói quen của người dùng, đề xuất những tài liệu có thể người dùng quan tâm dựa trên thói quen và sở thích. “Đây là công cụ đắc lực hỗ trợ các bạn tự học hiệu quả hơn cũng như tiếp cận được nguồn tri thức một cách độc lập, chủ động và sáng tạo”, nhóm nghiên cứu kỳ vọng. Bằng sự cố gắng cùng sự giúp đỡ của Ban Giám hiệu nhà trường và giáo viên hướng dẫn, Quỳnh Hương và Chí Bảo đã vượt qua hơn 700 đề tài với hơn 1.000 thí sinh dự thi “rinh” về cho mình giải nhì trong Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THCS-THPT cấp thành phố năm học 2018-2019.
Đánh giá về đề tài này, thầy Trần Nghĩa Nhân (Phó Hiệu trưởng nhà trường) cho biết: “Đây là một đề tài mới, rất có ích đối với học sinh THPT. Cũng nhờ đó giúp các em học sinh trong trường phát huy được khả năng tự học một cách hiệu quả”.
Kiều Khánh
Bình luận (0)