Làng gốm Lái Thiêu nằm men theo bờ tả sông Sài Gòn, dù không còn thời hoàng kim nhưng tình yêu nghề vẫn níu chân bao người thợ, để ngày qua ngày những đôi tay khéo léo ấy nhào nặn nên từng món đồ thủ công tinh xảo, đẹp đến mê hồn. Họ ở lại làng, chịu thương chịu khó chỉ mong dưỡng nuôi được hồn gốm trong từng thớ đất cao lanh…
Chủ Vườn nhà gốm
Ở lại với nghề
Từ huyện Củ Chi về Lái Thiêu sinh sống với gia đình, hơn 20 năm nay anh Dương Minh Tâm (42 tuổi) chọn làm bạn với bàn xoay, đất sét. Ở làng nghề này người ta ví Tâm như “phù thủy đất sét”. Ngày nắng cũng như mưa, đôi tay thoăn thoắt chưa bao giờ biết mệt của anh thợ lành nghề đã tạo nên nhiều chiếc bình khiến dân chơi gốm ngẩn ngơ. “Tôi mê gốm. Ngày đầu tiên gặp đã mê. Thấy những người thợ tạo ra sản phẩm từ đôi bàn tay tôi rất thích nên xin theo các lò học nghề. Nghề gốm ai theo là vì đam mê chứ cực lắm chẳng dễ dàng gì đâu”, tay vuốt nhẹ miệng bình trên bàn xoay, anh Tâm cười hiền.
Anh Tâm tỉ mỉ với chiếc bình thủ công
Nhìn cách Tâm chăm chút cho mỗi “đứa con” của mình, ai cũng rõ anh mê gốm tới cỡ nào. Tỉ mỉ đến từng chi tiết, sai là làm lại chứ chưa bao giờ có khái niệm qua loa cho xong hay ngày phải làm thật nhiều bình để nâng cao thu nhập. Có giai đoạn làng gốm Lái Thiêu lâm khó, người ta đổ xô dẹp lò thủ công chuyển sang buôn bán gốm công nghiệp cho đỡ cực, mau giàu. Xót xa với nghề, nhiều khi muốn bỏ nhưng cứ chạy xe ngoài đường thấy gốm anh Tâm phải dừng lại ngắm nghía cho đã thèm. Rồi khi trở về nhà, đôi tay ấy lại lấm lem đất sét dù biết chặng đường phía trước vẫn lắm gian nan. Anh Tâm kể: “Ngày xưa gốm là nghề cho thu nhập cao nhất vùng nên ai cũng muốn làm. Hơn 10 năm nay khó lắm, rơi rụng cũng nhiều nhưng không hiểu sao tôi vẫn tin tưởng vào tương lai gốm thủ công. Mừng là hiện nay nhiều cơ sở bắt đầu phát triển lại các dòng gốm xưa. Khách cũng dần thích hàng thủ công hơn gốm công nghiệp. Tôi chỉ mong truyền được kỹ năng nghề cho mấy bạn trẻ để họ giữ lấy làng gốm, giữ lấy văn hóa”.
Bà Yến và những nét vẽ mềm mại trên gốm
Gần 40 năm làm bạn cùng cây cọ vẽ, chưa bao giờ bà Trần Thị Yến muốn bỏ cái nghề mà nhiều người than vừa cực, vừa nghèo. Bởi bà đâu thấy mình nghèo cũng như chưa bao giờ thấy khổ. Mỗi ngày được cầm cái chén, ngắm cái tô, chồng dĩa đồng nghiệp vừa làm thô rồi tỉ mẩn vẽ lên đó con tôm, con cá, bầy gà hay cành hoa, ngọn cỏ, bao muộn phiền như rơi rụng hết, chỉ còn lại niềm hân hoan. Bà Yến quý nghề vì từ nhỏ được các thầy thợ trong làng dạy cho từng li từng tí chứ có qua trường lớp gì đâu. Vẽ riết thành đẹp, rồi mê, ai rủ gì cũng không làm, chỉ thích gốm thủ công. Niềm đam mê đó được gói ghém trong từng nét uốn cong tài hoa, chỗ đậm chỗ nhạt đầy tinh tế của mỗi bức hình trên gốm. “Nghề vẽ gốm này hay lắm. Hồi mới làm cái nào cũng khó nhưng sau đó làm được thành ghiền. Quan trọng nhất là canh màu sao cho khi nung xong phải đẹp, không bay màu”, người phụ nữ ngoài ngũ tuần vui vẻ nói.
Hồi sinh làng gốm
Cũng như anh Tâm, bà Yến, gắn bó với gốm thủ công là quyết định mà anh Khang Minh, chủ Vườn nhà gốm chọn riêng cho mình. Xuất thân từ gia đình nhiều đời làm gốm, tốt nghiệp đại học ở lại TP.HCM đi làm một thời gian và có mức thu nhập cao, vậy mà trong anh luôn đau đáu niềm thương quê nhà. Anh luôn trăn trở nếu những thế hệ như mình không kế thừa, phát triển thì làng gốm Lái Thiêu vang bóng một thời sẽ đi về đâu? Mai một là điều khó tránh khỏi. Vậy là bỏ phố về quê, anh đầu tư hết tâm sức, vốn liếng để tạo nên Vườn nhà gốm, nơi những người thợ lành nghề giàu kinh nghiệm và cả những người trẻ được tạo môi trường để sống trọn vẹn với nghề. Gần bốn năm trôi qua, cả những giai đoạn khó khăn nhất khi thu không đủ chi, anh vẫn nhất định không bỏ gốm thủ công mà dồn sức làm các đơn hàng công nghiệp lớn để nuôi dưỡng ước mơ gầy dựng làng nghề. Quả ngọt đang dần chín khi mà giờ đây Vườn nhà gốm đã trở thành điểm đến của nhiều người yêu gốm tại Bình Dương nói riêng và miền Nam nói chung. Trong hàng trăm, hàng triệu đơn hàng gốm với số lượng lớn rải từ Nam ra Bắc, có đơn xuất ra cả nước ngoài, anh Khang Minh vẫn luôn xúc động với đơn đặt hàng thủ công dù phần lời ít hơn, công cán nhiều hơn. “Mê thì làm chứ so đo làm gì. Đối với những người kinh doanh thuần túy sẽ nói hoạt động của mình vô bổ. Đầu tư như vậy chi phí duy trì là không đủ. Nhưng mình có cách lấy ngắn nuôi dài để theo gốm thủ công đến cùng”, chủ Vườn nhà gốm chia sẻ.
Ngày càng nhiều người trẻ gắn bó với nghề gốm thủ công
Không đơn thuần là trưng bày, kinh doanh, điều mà anh Khang Minh và Vườn nhà gốm làm được còn nhiều hơn thế. Anh mở các lớp học ngắn, làm nhiều clip giới thiệu cách làm gốm thủ công hay nói về nét đặc sắc của dòng sản phẩm này với mong muốn nhiều bạn trẻ vì yêu gốm mà đến với vườn. Và rồi người trẻ đến thật, họ chọn nơi này để học tập và thể hiện tình yêu với đất cao lanh. Ở vườn giờ có khá nhiều thợ trẻ, giỏi nghề và sáng tạo, đủ để bất kỳ ai ghé thăm cũng tin rằng làng gốm Lái Thiêu sẽ khác vào một ngày không xa. Như Tuấn “gốm”, một người trẻ đam mê nghề thủ công gắn bó tại đây. Theo chân Tuấn trong hành trình tìm hiểu công đoạn làm một sản phẩm gốm thủ công, ai cũng thấy cuốn hút với cách mà chàng trai trẻ này lan tỏa tình yêu gốm. Cách Tuấn nhào nặn rồi kiểm tra độ “chín” của đất sét hay hướng dẫn khách bí quyết làm chiếc bình miệng đẹp, thân đều, đế vững đủ chứng tỏ tay nghề vững cùng niềm đam mê với nghề. Tuấn nói, làm gốm thủ công hồi hộp, thú vị nhất là mấy chục tiếng nung sản phẩm trong lò sau khi trang trí xong. Nhìn sản phẩm thành hình như ý, lắm lúc Tuấn xúc động không nói nên lời, vững tin hơn trên con đường đã chọn. Càng xúc động hơn khi nhận được lời khen của khách hay thi thoảng bắt gặp sản phẩm gốm thủ công ở đâu đó trên đường. Niềm vui nhỏ mỗi ngày tích lũy thành tình yêu lớn giữ những bạn trẻ như Tuấn ở lại miền quê với mong muốn lưu giữ nghề truyền thống.
Tỉ mẩn trong từng công đoạn
Về Lái Thiêu những ngày én chở mùa hối hả để chuẩn bị lập xuân, dọc theo dòng sông Sài Gòn hiền hòa tàu ghe tấp nập, đâu đâu cũng thấy gốm. Bình hoa, chén dĩa, đôn cao thấp và rất nhiều món đồ gia dụng quen thuộc khác với đa dạng hoa văn, mẫu mã từ hoài cổ đến hiện đại. Nhiều khách phương xa ghé tận các vựa, xưởng gốm chỉ vì muốn tận tay lựa cặp bình bông mai, bình đắp nổi thủ công để về cắm mấy khóm lay ơn, cúc vàng đón Tết. Tất bật đơn hàng cuối năm, luôn tay luôn chân với các mẻ lò nhưng hiện rõ trên gương mặt những người thợ gốm, chủ xưởng là niềm vui về sự hồi sinh của làng nghề. Làm gốm công nghiệp, làm bình rót khỏe bưng, máy thực hiện chủ yếu, ra số lượng nhiều giá rẻ nên dễ bán. Thế nhưng thực tâm người thợ nào cũng mê cảm giác được tự tay làm các khâu của sản phẩm nên cực mấy cũng cam. Họ nói đó là cách gieo hồn chỉ để nhận được cái gật đầu ưng ý của khách. Vậy là vui, quên mất trước đó bao mồ hôi đã rơi, bao bữa ăn trễ hay đêm về tay chân mỏi nhừ, tấm lưng ê ẩm. Bởi còn người yêu gốm thủ công thì không hà cớ gì người thợ bỏ nghề, chủ xưởng bỏ làng lập nghiệp nơi khác để mãi trăn trở nỗi nhớ quê. Họ ở đây, dùng hết tình yêu và sự khéo léo làm đẹp từng thớ đất, gìn giữ văn hóa nhiều đời truyền lưu.
Ký sự của Trần Dung
Bình luận (0)