Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Lật lại các khu nghỉ mát thời Pháp: Những bí ẩn “Trên đỉnh non Tản”

Tạp Chí Giáo Dục

LTS: Ai đã từng đi Đà Lạt, Sa Pa, Tam Đảo, Ba Vì… cũng phải kinh ngạc trước những biệt thự, những nền móng biệt thự hoặc các phế tích kiến trúc mà người Pháp để lại. Sự hùng vĩ và đồ sộ của chúng, dù ở dạng phế tích, bị cây cỏ trùm lấp cũng đủ khiến cho nhiều người không thể ngờ rằng cách đây vài chục đến gần trăm năm, những nơi này đã “phồn vinh” đến như vậy.

Với loạt bài này, chúng tôi đã khảo cứu các tài liệu lưu trữ liên quan ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I mòng tìm kiếm lại lịch sử và diện mạo của các khu nghỉ mát trên núi thời thuộc Pháp.

Được đánh giá cao hơn Tam Đảo

Ngày nay, dù du lịch VQG Ba Vì đã tương đối phát triển, nhưng có lẽ không ít người, phần nào còn tưởng tượng quanh cảnh “trên đỉnh non Tản” vẫn đầy bí ẩn, huyền hoặc như trong truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Tuân. Thật ra, vào thời Nguyễn Tuân viết câu chuyện này, đỉnh non Tản đã đang được Người Pháp chinh phục.

Núi Ba Vì

Tuy không được khai thác sớm như các khu nghỉ dưỡng trên núi khác ở Việt Nam (Tam Đảo, Sa Pa, Đà Lạt) nhưng dãy núi Ba Vì thực sự được người Pháp quan tâm. Trong báo cáo ngày 30/8/1942 của Công sứ tỉnh Sơn Tây Fucat gửi Thống sứ Bắc Kỳ về dự án quy hoạch khu núi BaVì, ông đã đánh giá: “… khu núi Ba Vì sẽ trở thành khu nghỉ dưỡng mang lợi ích cao hơn Tam Đảo…”.

“Thứ nhất, đường từ Hà Nội lên Ba Vì rất thuận tiện. Khoảng cách từ Hà Nội đến cốt 1000 chỉ có 67 km gồm các đoạn: Hà Nội – Sơn Tây: 41 km, Sơn Tây – cốt 400: 19 km, cốt 400 -cốt 1000: 7 km) Toàn bộ chỉ có 12 km đường núi. Độ dốc của núi Ba Vì không quá 10% (trong khi đó ở Tam Đảo là 14 %, thậm chí 16 %).

Thứ hai, khí hậu ở Ba Vì không ẩm ướt như Tam Đảo. Nhiệt độ không thay đổi quá nhiều (thấp nhất là 17độ 8 và cao nhất là 29 độ 6).

Ngoài ra, Ba Vì là một vùng rộng lớn. Dưới chân dãy núi có một khách sạn của người Âu ở Tống. Trung tâm Tống được coi là thành phố thứ 3 của Bắc Kỳ vì ở đây tập trung đông người Âu. Hơn nữa, trang trại của Marius Borel ở đây có khả năng cung cấp nguồn bơ sữa chất lượng hàng đầu. Việc này rất quan trọng, đặc biệt với trẻ em…”

Vào những năm 40 của thế kỷ trước, việc quy hoạch khu nghỉ dưỡng Ba Vì được bắt đầu bằng dự án quy hoạch cốt 400 năm 1940. Tổng diện tích đất quy hoạch khu nghỉ dưỡng cốt 400 rộng 196 ha (theo Nghị định số 6139-A ngày 28/11/1939 của Thống sứ Bắc Kỳ).

Một phế tích thời Pháp

Quy hoạch tổng thể khu nghỉ dưỡng trên núi Ba Vì gồm 3 khu nghỉ dưỡng tại cốt 400, cốt 600 và cốt 1000. Tuy nhiên, việc quy hoạch khu nghỉ dưỡng ở cốt 1000 được người Pháp đặc biệt quan tâm vì đây là độ cao lý tưởng cho du lịch nghỉ dưỡng.

Khu nghỉ dưỡng cốt 1000 được quy hoạch năm 1943 theo Nghị định số 2815 ngày 5/4/1943 của Toàn quyền Đông Dương phê chuẩn và thông báo bản đồ quy hoạch khu nghỉ dưỡng này. Khu nghỉ dưỡng cốt 1000 gồm 2 khu đất và được quy hoạch chi tiết theo hai nghị định:

“Nghị định số 2247-A ngày 19/4/1943 của Thống sứ Bắc Kỳ phê chuẩn bản đồ phân lô số 1 của khu nghỉ mát Ba Vì ở độ cao 1000 m theo bản đồ quy hoạch đã phê duyệt.

Khu số 1 gồm 5 khu vực: khu A dành để xây biệt thự, khu B dùng cho các đơn vị hành chính và các đơn vị dịch vụ công, khu C để xây khách sạn, khu D dành cho du lịch và rừng, khu E để làm khu vui chơi, giải trí

Nghị định số 5790 -A ngày 23/12/1943 của Thống sứ Bắc Kỳ phê chuẩn bản đồ phân lô số 2 của khu nghỉ mát Ba Vì ở độ cao 1000 m gồm 2 khu vực: khu A dành để xây biệt thự và khu E dùng làm công viên và khu vui chơi hoặc thể thao.”

Và dang dở

Ngay ra khi có quyết định về việc quy hoạch trên, chính quyền Pháp ở Đông Dương đã cho đấu giá các lô đất cho tư nhân để xây dựng biệt thự và khách sạn. Ngoài diện tích xây dựng biệt thự, khách sạn đưa ra đấu giá, Chính quyền quyết định cho xây dựng các công trình khác. Theo bản đồ quy hoạch, các công trình công dự kiến xây dựng gồm:

Bản quy hoạch Ba Vì của người Pháp những năm 40 của TK 20

1. Trường Thanh niên (Camp de Jeunesse): trường Thanh niên đã hoạt động từ mùa hè năm 1940 với sự tham gia của 20 người Pháp và 40 người bản xứ. Đến mùa hè năm 1941, con số người tham gia lên đến 170 người (70 người Pháp, 100 người bản xứ). Hai công trình của Trường xây dựng năm 1941. Năm 1942, người ta mong muốn cải tạo công trình này để có thể nhận được 400 thanh niên, do đó đã đề nghị xây dựng thêm 2 nhà lớn, 24 nhà nhỏ và khu phụ (bếp, phòng ăn tập thể, nhà tắm, nhà vệ sinh…). Khu trường có diện tích khoảng 10 ha từ Sơn Tây về phía Sông Đà, chạy từ độ cao 650 m lên đến 850 m.

2. Một trại nghỉ hè ở cốt 600 dành cho trẻ em từ 5 đến 10 tuổi. Trại trẻ này là thử nghiệm thành công đầu tiên ở Bắc Kỳ. Trại trẻ nhận 50 trẻ em người Pháp từ 5 đến 10 tuổi vào tháng 7, 40 trẻ khác vào tháng 8, 2/3 trong số đó từ các gia đình nghèo khó hoặc thu nhập thấp, 1/3 trẻ em là con công chức hoặc binh sĩ đông con có thu nhập 700 đồng trở lên. Lúc đầu, trại trẻ dùng một khu nhà rộng thuê của Marius Borel với giá 1500 đồng. Năm 1942, Công sứ Sơn Tây đề nghị xây dựng trại trẻ. Theo nguyện vọng, Trại cần phải có 1 nhà cho 30 trẻ em nam, một nhà cho 40 trẻ em nữ, phòng ăn tập thể vừa dùng làm phòng học chung, và các công trình khác…

Theo quy hoạch, trại sẽ được xây dựng ở độ cao 680-700 m.

3. Khu biệt thự dành cho viên chức người Âu trên độ cao 700-1000 m.

4. Khu nhà dành làm văn phòng của Cơ quan Bưu điện, Cảnh sát, Y tế… ở độ cao 1000-1140 m.

5. Khu cửa hàng buôn bán ở độ cao 1000 m

6. Khu dành cho công sở hành chính và sân vận động ở độ cao 1000-1100 m

7. Nhà tù: nằm trên đỉnh núi.

Để chuẩn bị phục vụ cho các công trình xây dựng, toàn bộ đường lên cốt 1000 đã được ưu tiên thi công. Năm 1943 chỉ còn 2 km cuối chưa kết thúc vì lý do thời tiết. Hệ thống cấp điện cũng được chú trọng. Đến 1942, hệ thống điện đã cung cấp được cho khu vực cốt 400. Tuy nhiên, năm 1943, việc dẫn điện lên cốt 1000 mới chỉ được nghiên cứu.

Trên thực tế, cho đến cuối năm 1944, hầu hết các công trình trong quy hoạch trên đều chưa được thực hiện được. Khu vực quy hoạch để xây khách sạn biệt thự tư nhân được đấu giá bán cho tư nhân. Ngày 15/5/1943, phiên đấu giá 16 lô đất trong khu đất phân lô số 1 trên cốt 1000 được tổ chức tại Hà Nội. Một trong những điều kiện bắt buộc là cá nhân phải xây dựng công trình trong 2 năm kể từ khi thông báo kết quả đấu giá. Do đó, tại các khu vực này có thế đã có nhiều công trình được khởi công xây dựng.

Dự án quy hoạch khu nghỉ dưỡng Ba Vì của Pháp mới bắt đầu đã bị dừng lại kể từ năm 1945. Do đó, ngày nay du khách đến đây hầu như không tìm thấy công trình do Pháp xây dựng, có chăng chỉ là một số phế tích của các công trình còn dang dở.

Đỗ Hoàng Anh (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I)

Nguồn TT&VH

Bài 2: Đà Lạt và một kế hoạch táo bạo của người Pháp

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)