Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Lấy chồng sớm làm gì…

Tạp Chí Giáo Dục

Tôi vừa bước vô cổng trường, một học sinh lớp 11 chạy lại: “Thưa cô, tiết cuối cô cho phép em nghỉ nha? Em về dự đám cưới bạn K.”. À, tôi nhớ ra rồi. K. là cô học trò trong đội tuyển học sinh giỏi văn của tôi. Em bất ngờ nghỉ học khi đã đi hết học kì I lớp 10. Nghỉ học năm ngoái, năm nay lấy chồng. Đây không phải là lần đầu tiên tôi nghe tin học sinh lấy chồng, và đây cũng không phải lần đầu tiên tôi buông tiếng thở dài.

Mỗi lần nghe tin học sinh lấy chồng là tôi thấy buồn lòng. Tôi, dù lạc quan hết cỡ cũng không hình dung nổi đời sống hôn nhân của những cặp vợ chồng “nhí”. Tôi đau nỗi đau của người bất lực. Rõ ràng trường học đã triển khai giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên, tổ chức sinh hoạt ngoại khóa với nội dung tình dục an toàn, tư vấn tâm lý, hướng nghiệp… Làm nhiều, nói nhiều, và học sinh vẫn bỏ học lấy chồng. Cũng có trường hợp do hủ tục của người dân tộc thiểu số (trường hợp này có nhưng rất hiếm, vì công tác tuyên truyền, vận động loại bỏ các hủ tục đã có hiệu quả). Rồi tại yêu đương không kiểm soát, lỡ gây “tai nạn” nên phải kết hôn “chữa cháy”. Nhưng cũng có trường hợp đang học thì nghỉ ngang hông lấy chồng. Đám cưới được tổ chức long trọng, tưng bừng.

Còn nhớ năm 2002, tôi mới về trường, chủ nhiệm lớp 8A. Đang học thì em N. bất ngờ nghỉ học. Tôi đến nhà vận động em ra lớp thì gia đình cho biết em và cậu bạn cùng xóm bỏ xứ. Hai tháng sau thì tôi nhận được tin em lấy chồng. Bây giờ con em học cùng lớp với con trai tôi. Mới tháng trước, em N. đến nhà nhờ tôi viết đơn ly hôn, tôi ngậm ngùi nói: “Cô làm sao viết đơn ly hôn giùm học trò được?”. Em ấy khóc, bảo chồng ngoại tình, đánh ngày một, tuyên bố đánh tới chừng nào em chịu viết đơn ly hôn mới thôi. Tôi bảo, vậy sao em không báo cho chính quyền, chuyện em bị bạo lực ấy. Còn đơn thì em tự viết chứ em nhờ như vầy khó cho cô quá. Em ấy thành thật nói: “Em học chưa hết lớp 8 rồi làm vợ, bồng con. Nay tay em cứng đơ rồi, chữ nghĩa giờ bò như cua. Hôm bữa em có viết đơn đem ra ủy ban xã nhưng cán bộ tư pháp nói đơn viết sai, biểu em về viết lại, nhưng em chịu”.

Rồi cách đây 3 năm, tôi lại giật mình vì nhận được thiệp cưới từ em học sinh lớp 11. Em ấy nằm trong ban chấp hành Đoàn trường. Học giỏi, hoạt động văn nghệ tốt, công tác phong trào năng nổ nhiệt tình. Trước đó, em gặp tôi thút thít nói, em cũng muốn “xử lý” rồi đi học tiếp nhưng chuyện đã rồi, ba mẹ anh ấy bảo phải cưới gấp. Ba mẹ em cũng bảo, nhục nhã lắm, mặt mũi nào vác mặt tới trường nữa. Ba tháng trước tôi lại hay tin một cô học sinh lấy chồng. Là một lớp trưởng, học giỏi. Em bỏ học khi vừa mãn lớp 11 năm ngoái. Đám cưới mới tổ chức, bây giờ bạn bè cùng lứa chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia thì hay tin em sắp lâm bồn. Nhớ bữa tôi gặp em ở quê chồng, em ngồi trên xe, vừa chạy vừa khóc…

Sáng nay mới nhận lời xin phép nghỉ học ăn cưới bạn của học sinh lớp 11. Lòng chưa hết “hoang mang” thì bước vô lớp 10, điểm danh thì thấy vắng một em nữ. Một học sinh nam nói to, bạn ấy bảo chán học rồi, tháng sau bạn ấy sẽ lấy chồng. Tôi kinh ngạc thì có em nói là do phong tục của người dân tộc thiểu số, em thì bảo do hai bạn ấy ưng thuận và gia đình hai bên cũng đã chấp nhận từ trước. Chuyện chưa biết thực hư ra sao nhưng tôi nghe mà não ruột. Lấy chồng sớm làm gì hả các em? Trời ơi, tôi muốn gào to như thế!

Nguyễn Thị Bích Nhàn
(Sông Hinh, Phú Yên)

Bình luận (0)