Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Lấy của rơi, thành phạm pháp không phải ai cũng biết

Tạp Chí Giáo Dục

“Ẵm” của rơi thành tài sản cho mình là điều không quá xa lạ. Rất nhiều người cho rằng của rơi đó thuộc về mình miễn không phải trộm cắp. 

Lấy của rơi, thành phạm pháp không phải ai cũng biết
Trả lại của rơi là một hành động đẹp, bạn sẽ được tuyên dương và là tấm gương để mọi người noi theo

“Ẵm” của rơi, có phạm pháp?

Rất nhiều bạn đọc băn khoăn việc nhặt được của rơi mà giữ lại thành tài sản của mình có vi phạm pháp luật hay không, trong khi đó là tài sản nhặt được chứ không phải trộm cắp.

Một số bạn đọc bày tỏ: “Của rơi là do mình nhặt được nên của rơi đó thuộc về mình, chứ có ăn cắp ăn trộm đâu mà phạm pháp”.

Cùng quan điểm, chị Ngọc cũng cho rằng nhặt được của rơi không vi phạm pháp luật, tùy tâm mà mình đem trả thôi, chứ không ai có quyền bắt vì mình nhặt chứ không trộm cắp.

Trong khi đó bạn Tuấn cho hay của rơi là của người khác, nhặt được thì phải trả, đừng vì lòng tham mà “đút túi” thành tài sản của mình.

Của nhặt được thì nên đem nộp cho công an để tìm chủ sở hữu. Công an có nhiệm vụ thông báo công khai để tìm chủ sở hữu và người nào đến nhận phải chứng minh được đúng số tiền đó là của mình. Trong trường hợp hết hạn thông báo mà không ai đến nhận hoặc có đến nhưng không chứng minh được thì số tiền đó thuộc về người nhặt được – bạn đọc với nickname Nguoidaukho chia sẻ.

“Trả lại của rơi là một hành động đẹp, bạn sẽ được tuyên dương và là tấm gương để mọi người noi theo” – anh Trần Hùng nói.

Nhặt phải trả: nguyên tắc bất di bất dịch

Luật sư (LS) Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết theo nguyên tắc, người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi hoặc bỏ quên mà biết được địa chỉ người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người bị mất.

Cùng ý kiến, LS Nguyễn Văn Quynh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nói: “Theo quy định của pháp luật, những gì thuộc về của rơi thì người nhặt phải nộp cho cơ quan chức năng gần nhất để tìm chủ sở hữu”.

Nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân hoặc trụ sở công an nơi gần nhất.

Ủy ban nhân dân hoặc công an có trách nhiệm giữ gìn, thông báo công khai giá trị tài sản và kết quả chủ sở hữu tài sản đó (nếu tìm được chủ sở hữu).

Khi nào sở hữu được của rơi?

LS Trạch cho biết sau một năm kể từ ngày thông báo công khai về vật nhặt được mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì vật đó thuộc sở hữu của người nhặt được, nếu vật có giá trị đến 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

Nếu vật có giá trị lớn hơn 10 tháng lương tối thiểu thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được sẽ hưởng giá trị bằng 10 tháng lương tối thiểu và 50% giá trị của phần vượt quá 10 tháng lương đó, phần còn lại thuộc Nhà nước.

Sau một năm kể từ ngày thông báo mà không xác định được chủ sở hữu hoặc không có người đến nhận thì vật đó thuộc Nhà nước. Người nhặt sẽ hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định pháp luật.

LS Trạch lưu ý trường hợp người nhặt của rơi giao cho người khác giữ thì cần có biên bản giao nhận rõ ràng (mô tả chi tiết đặc điểm vật rơi, ngày, giờ, chữ ký hai bên…). Chủ nhân giữ của rơi sau cùng phải có trách nhiệm bảo quản tài sản cho đến khi chủ sở hữu tài sản quay lại tìm.

Trường hợp nếu chủ nhân cố tình không giao trả khi biết được thông tin người bị mất thì quy về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định của Bộ luật hình sự.

Của rơi phải trả: trách nhiệm của chúng ta

Việc nhặt được của rơi trả lại cho người bị mất là trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân.

LS Quynh nói: “Nhặt được của rơi trả lại cho người bị mất là một trong những phạm trù đạo đức mà chúng ta được ông bà, bố mẹ, nhà trường dạy ngay khi còn nhỏ. Vì vậy, những gì thuộc về mình thì mình sở hữu, của người khác thì nên trả”.

Pháp luật Việt Nam không có quy định về khen thưởng khi cá nhân hoặc tổ chức nhặt được của rơi trả lại cho người mất, vì đó là trách nhiệm của chúng ta – LS Trạch cho biết.

Đối với những trường hợp nhặt của rơi mà không báo cho cơ quan chức năng hoặc biết được thông tin người bị mất mà không trả thì ngoài việc vi phạm pháp luật thì hành động này sẽ bị xã hội lên án, phê phán.

Những tấm lòng cao đẹp 

Bên cạnh những trường hợp nhặt được của rơi mà vô tư cho đó là tài sản của mình thì rất nhiều cá nhân có nghĩa cử cao đẹp, rất đáng tuyên dương.

Câu chuyện chị Hồng Khanh nhặt được 30 triệu đồng khi phân loại rác hay câu chuyện em Nguyễn Thị Lan Anh nhặt được 40 triệu đồng trên đường đến trường hay câu chuyện nhân viên phục vụ quán cà phê Nguyễn Thị Kim Vân nhặt được 37,5 triệu đồng… trả lại người mất.

 

VÕ HƯƠNG – XUÂN MAI/TTO

 

Bình luận (0)