Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Lấy phải chồng vũ phu

Tạp Chí Giáo Dục

Ảnh minh họa. Ảnh: I.T

Bi kịch gia đình xảy ra với nhiều bà vợ lắm lúc chỉ vì thói vũ phu, gia trưởng của ông chồng. Nhưng với tâm lý “xấu chàng hổ ai” nên nhiều phụ nữ không dám thổ lộ với bất kỳ ai, chỉ im lặng chịu đựng những trận đòn, những câu sỉ vả nặng nề.
Sự chọn lựa sai lầm
Ngày Hoa lấy Đức, ba mẹ cô không mấy hài lòng. Hoa là cô gái xinh nhất nhì trong làng, lại nết na nên không thiếu người theo đuổi. Hoa không để ý đến đám con trai cùng tuổi bởi người mà cô “nhắm” là Đức, làm nghề tiếp thị hàng phân bón, hơn Hoa gần con giáp. Vốn từng trải, lại am hiểu tâm lý phụ nữ, nên không lâu Đức đã chinh phục được Hoa. Người thanh niên “giàu kinh nghiệm” này không ngại “lấy lòng” Hoa bằng những món quà đắt tiền mà các trai làng không ai dám nghĩ tới. Thỉnh thoảng Đức còn mua chai rượu, vài thang thuốc bổ đến biếu “ba mẹ vợ tương lai”. Ba mẹ Hoa nhận thấy Đức không mấy thật lòng nhưng chẳng biết làm sao khuyên nhủ con gái. Còn Hoa thì đã thực sự bị Đức chinh phục.
Tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Vy về quê xin đi dạy cho gần nhà để còn giúp đỡ ba mẹ. Mọi tiêu chuẩn của cô đều rất phù hợp cho một người vợ tương lai: thu nhập ổn định, có nhiều thời gian dành cho gia đình, đủ kiến thức để nuôi dạy con cái. Vy không chỉ là một giáo viên dạy giỏi mà còn rất xinh đẹp nên được nhiều chàng trai trong xóm để ý. Mẹ Vy mong con mình sáng suốt chọn lựa để tìm được một tấm chồng vững vàng về kinh tế. Trái lại, ba cô muốn con rể phải là một người học rộng để có thể tiếp chuyện sách vở với ông sau này. Thế nhưng, Vy không chọn người nào theo ý song thân mà lại đem lòng yêu anh chàng Hùng ở xóm trên. Hùng không có gì đặc biệt, chỉ được cái bảnh trai, là con một trong gia đình. Hùng học hành bình thường, thi đại học hai năm không đậu, giờ vừa đi làm vừa học tại chức.
Cắn răng chịu đựng
Cưới nhau xong, hạnh phúc gia đình Hoa chỉ tồn tại được một năm. Đức trở nên cộc cằn và thường trút sự bực dọc lên đầu vợ một cách vô cớ. Với tính gia trưởng, lại luôn coi mình là người làm ra tiền lo cho gia đình, Đức coi vợ chẳng hơn người làm là mấy. Hoa thấy chồng thay đổi nhưng vẫn nhẫn nhục chịu đựng vì cứ nghĩ do công việc khó khăn nên anh trở nên khó tính. Nhưng thời gian sau, cô nghe người trong làng đồn Đức có quan hệ bất chính với một đồng nghiệp. Khi Hoa khéo léo thăm dò thì Đức khăng khăng chối. Nhưng “cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra”. Một lần, theo lời kể của cậu em họ, Hoa đã đến bắt quả tang chồng đang thân mật với tình nhân. Chẳng những không hối lỗi mà Đức còn lao vào tát vợ. Và cũng từ đó, Đức hiện nguyên hình là kẻ vũ phu, hễ vợ làm gì trái ý là anh ta đánh đập không nương tay. Tủi nhục, uất ức nhưng Hoa không dám về nói với ba mẹ. Những lúc mẹ hỏi thăm, Hoa vẫn một mực nói tốt cho chồng. Mãi đến khi Hoa phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch, ba mẹ cô mới biết bấy lâu nay con gái mình đang sống trong “địa ngục”…
Sau ngày cưới, Vy mới biết đằng sau cái vẻ nhỏ nhẹ mềm mỏng của Hùng là một con người không mấy dễ chịu. Là con một nên Hùng rất hay hờn dỗi và thích được chiều chuộng. Học hành không đến đâu, nhà chẳng khá giả gì nhưng lúc nào Hùng cũng mơ mình trở thành ông chủ, có “người hầu kẻ hạ”. Tiền kiếm được chỉ đủ mua thức ăn, mua sữa cho con nhưng Hùng thường để ý đến chuyện chứng khoán, và biết khá chi tiết về cổ phiếu nào giảm, cổ phiếu nào đang tăng. Đã vậy, anh ta còn rất hay đánh vợ và thích tham gia những cuộc tiệc tùng thâu đêm với tụi bạn. Ôm mộng làm ông chủ, Hùng lúc nào cũng lo “nghiên cứu thị trường” nên chẳng thèm giúp đỡ vợ bất cứ chuyện gì. Kinh tế gia đình cũng vì thế mà ngày càng sa sút. Tình cảm vợ chồng cũng dần dần phai nhạt. Thấy con gái ngày một xanh xao, ba mẹ Vy xót xa. Lúc ba mẹ hỏi han chuyện gia đình, cũng vì sĩ diện nên Vy một mực ca ngợi Hùng, cô bảo anh ta là người tình cảm hết mực thương yêu vợ con. Không những thế, cô còn nói Hùng là người đàn ông có chí cầu tiến, ngày đêm lo học hành để sớm ổn định sự nghiệp. Nghe con gái nói vậy ba mẹ Vy cũng phần nào yên tâm. Cho đến khi Vy ngất xỉu trên bục giảng do cơ thể suy nhược, ba mẹ cô mới biết rõ sự tình.
Thái Khuê

Cũng vì mang tâm lý “xấu chàng hổ ai” mà nhiều chị em phụ nữ không dám lên tiếng khi bị chồng ngược đãi, để rồi tự đày ải bản thân mình cho đến lúc “sức tàn lực kiệt”.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)