Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Lấy “phế phẩm” làm đồ dùng dạy học

Tạp Chí Giáo Dục

Tại góc chơi gia đình, bé Đan Hà (lớp chồi 2) nói với các bạn: “Hôm nay, mình sẽ làm mẹ”. Rồi bé mặc đầm, đi giày, đeo bóp của người lớn. Bé còn làm điệu bằng cách lấy vỏ thỏi son thoa lên môi. Và bé nhanh chóng trở thành “mẹ”…
Tất cả những sản phẩm mà bé Đan Hà “khoác” lên người để đóng vai mẹ đều là hàng thật. Chẳng hạn như chiếc áo đầm là của mẹ bạn Phước Thịnh không mặc nữa nên đem vào lớp cho, cô giáo giặt sạch và làm đồ dùng dạy học. Còn đôi giày là của mẹ bạn Hà My, cũng chỉ là giày cũ, thay vì bỏ đi mẹ đem vào trường đưa cho cô giáo. Hay như cái bóp cũ, vỏ thỏi son, lọ nước hoa (đã hết) cũng là “hàng” phụ huynh tặng nhà trường…
“Đồ chơi đi mua là đồ chơi đóng, không phát huy được tính sáng tạo của học sinh nên dù đồ chơi có đắt tiền bao nhiêu, trẻ cũng chỉ chơi vài ba ngày là chán. Nhưng với đồ chơi mở như áo đầm, đôi giày, thỏi son, thậm chí là cái bao giấy, vỏ hộp sữa, bằng trí tưởng tượng phong phú, trẻ sẽ nghĩ ra rất nhiều trò chơi thú vị. Ví dụ như chỉ với mấy vỏ hộp sữa, hôm nay bé gắn vài cái nút vào thì biến thành những con mèo. Ngày mai bé nối các vỏ hộp lại với nhau thành ra một đoàn tàu…”, cô Vũ Thị Thanh Vân – Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Thành phố cho biết.
Theo đó, không chỉ giáo viên mà ngay cả ban giám hiệu nhà trường cũng tận dụng tất cả những “phế phẩm” như lịch, tạp chí cũ làm đồ dùng dạy học. Còn phụ huynh, thay vì ném cái lốp xe đã mòn, đôi giày đã cũ… vào thùng rác thì đem vào trường “tặng” cô. Cứ thế, đồ dùng dạy học của nhà trường ngày càng phong phú.
Những cái bàn, cái ghế gãy trước kia thường bị vứt bỏ, nay được cô Nguyễn Thị Sinh – Bí thư chi bộ, Phó hiệu trưởng nhà trường cẩn thận cất vào kho. Vì “tận dụng 2 – 3 cái ghế, cái bàn hư cũng được 1 cái lành lặn”, cô Sinh giải thích.
Trường Mầm non Thành phố vốn là trường của “con nhà giàu”, việc giáo dục học sinh tiết kiệm không dễ chút nào. Nhưng bằng những hành động thiết thực của bản thân, các cô giáo đã giúp học sinh biết được thế nào là tiết kiệm. Trước kia, có nhiều bé được ba mẹ mua cho rất nhiều đồ chơi. Chơi được vài ngày đã chán và đòi bỏ đi để mua đồ chơi mới. Nhưng nay, những đồ bé không thích thì xin mẹ mang vào lớp để các bạn khác chơi. Có bé thấy mẹ định vứt cái cài áo liền xin và đem vào lớp bổ sung cho góc chơi gia đình.
“Tất cả những chuyển biến này đều là kết quả của cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Hiện nay chúng tôi đã không còn “sài sang” nữa, việc gì có thể làm được thì tự làm chứ không kêu thợ. Ngay như đầu năm học 2009-2010, quét vôi hàng rào quanh trường cũng là do tập thể cán bộ công nhân viên nhà trường làm. Quạt, đèn, thậm chí cả máy tính hư cũng là nhân viên của trường sửa. Văn phòng phẩm sử dụng đến khi nào không còn sử dụng được nữa mới bỏ, thay vì cứ hết năm học là bỏ như trước kia. Nhờ vậy, mỗi năm nhà trường tiết kiệm được gần cả 100 triệu đồng”, cô Sinh khẳng định.
HÒA ANH

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)