“Bạn bè thường kêu tôi khó tính nhưng tôi nghĩ dễ dãi là xem thường khán giả. Tôi rất sợ hậu quả. Thế nên tôi bắt mình phải chuẩn bị thật kỹ. Tránh đến lúc ngồi một chỗ khóc mà nuối tiếc với sự “giá như…” – nữ ca sĩ 22 tuổi giành giải Bài hát của năm chương trình Bài hát Việt 2008 tâm sự.
Nhạc sĩ – ca sĩ Lê Cát Trọng Lý. |
– Giải thưởng Bài hát Việt thay đổi chị thế nào?
– Trước đây, tôi chỉ hát ở trong một quán café nhỏ khoảng 50 – 60 khách. Sau khi giành giải Bài hát của năm, tôi bắt đầu được chú ý nhiều hơn về lĩnh vực truyền thông. Nhiều người tìm đến quán café nghe tôi hát, đều đặn tới mức tôi phải xin họ về đi, mấy tháng sau có bài mới hãy tới nghe. Chỉ thế thôi. Tôi không chạy nhiều show và hiếm khi đi hát hội nghị, chỉ chọn biểu diễn ở những nơi có tính chất giống mình.
– Giải thưởng không mang đến cho chị sự đắt show vì chị thiếu yếu tố gợi cảm như nhiều ca sĩ nữ khác hay vì âm nhạc của chị kén người nghe?
– Tôi không nhảy múa trên sân khấu được. Tôi tự hát, tự viết ca khúc của mình, không muốn bị xoáy vào thị trường. Hình ảnh của tôi trên sân khấu, càng giản dị càng tốt. Tôi thấy may vì mình khác biệt. Mình khác và mình tốt, sẽ được chú ý. Mỗi người có một sự lựa chọn riêng. Các ngôi sao giải trí lôi cuốn khán giả bằng ngoại hình, váy áo và vũ đạo bắt mắt. Những người lựa chọn con đường như tôi thì phải cố làm sao để hát và sáng tác ra những ca khúc tốt nhất. Tôi muốn mình đi chầm chậm, vừa đi vừa tích luỹ.
"Tôi khó viết bài hát nói về tình cảm của chính mình". |
– Chị nghĩ sao khi sự chậm rãi khiến chị bỏ qua nhiều cơ hội?
– Sau đêm nhận giải Bài hát của năm cho ca khúc Chênh vênh, tôi vui nhưng cũng ý thức được rằng, mình đang đứng trước sự nguy hiểm khi bắt đầu bước chân vào một cuộc chơi đầy sóng gió. Tôi không phải ngôi sao nên không cố gắng để ngày càng tỏa sáng làm gì. Tôi đang cố gắng đương đầu với việc không phụ lòng những khán giả yêu quý mình. Sau này tôi còn phải đương đầu với những người ghét tôi, những người muốn trù dập tôi. Tôi cần phải tích luỹ cho những sự đương đầu ấy. Tôi chưa đủ lực để thả mình vào vòng xoáy của sáng tác, biểu diễn, tổng duyệt triền miên. Sức khoẻ tôi yếu lại phải dành nhiều thời gian cho học tập. Tôi biết mình chưa đủ sức ra ngoài gặp bão lớn. Hơn nữa tôi cũng sống giản đơn, không có quá nhiều nhu cầu về tiền bạc để bon chen.
– Những sáng tác của chị đầy sự chiêm nghiệm đàn bà trong khi chị là một cô gái còn rất trẻ. Vì sao chị lựa chọn dòng nhạc khó tính và già dặn cho mình?
– Tôi 22 tuổi, bắt đầu viết nhạc từ năm 20 tuổi, đến nay sáng tác được chừng 22 ca khúc. Tôi viết chúng khi có chuyện buồn, giải tỏa những điều mà mình không thể hiện được ra trên khuôn mặt. Tôi còn trẻ và mê chơi, nhưng khi tôi chơi hoài thì cũng phải làm một thứ gì đó. Cái mà tôi làm tốt nhất là nhạc nên tôi sáng tác và thể hiện chúng. Từ nhỏ tôi chưa bao giờ mơ làm ca sĩ. Tôi không thích hát nhưng việc đến thì phải làm, cũng giống như tôi không thích đọc sách nhưng vẫn phải đọc thôi.
Tôi ảnh hưởng phương Tây rất nhiều ở sự văn minh, tri thức thẩm mỹ cũng như âm nhạc của họ. Tôi muốn đưa vào những sáng tác của mình tính logic và tính khoa học. Tuy nhiên, tôi là người Việt Nam. Mình là người Việt nên không cần làm gì hay cố gắng gì để có chất Việt trong đó. Căng người lên cố gắng để có chất dân tộc trong bài hát của mình thì thật buồn cười. Tôi thích dân ca, đặc biệt là dân ca phía Bắc với những ngôn từ tinh tế, không dễ dãi và bị ảnh hưởng từ lúc nào không biết. Tôi vốn không phải người có nhiều kiến thức nên chỉ viết những thứ mình biết.
Ngôn ngữ trong bài hát phụ thuộc vào tính cách của tôi ở từng giai đoạn. Trong số các nữ nhạc sĩ trẻ của Việt Nam, tôi biết Sa Huỳnh và từng hát với cô ấy một bài có tên là Lúng ta lúng túng. Sa Huỳnh không viết những bài hát có tính tư tưởng cao mà những sáng tác của cô ấy rất giàu tính nữ. Cô ấy đem chính điểm yếu của mình ra làm điểm mạnh để đánh vào khán giả. Tôi lại không giống Sa Huỳnh. Tôi rất ít khi viết về tình yêu. Mọi người nghĩ Chênh vênh là ca khúc viết về tình yêu nhưng thật ra không phải, nó chỉ nói về một phần cuộc sống, một phần con đường mà tôi đã đi qua. Những vấn đề về tình cảm của mình tôi lại rất khó để nói ra. Tôi viết không nhiều nhưng khá khắc nghiệt với mình. Bài nào thấy không ưng là bỏ ngay.
"Tôi không phải một giọng hát hay và đặc biệt. Tôi chỉ hy vọng mình mang lại niềm vui cho khán giả". |
– Trong khi các nhạc sĩ khác viết những ca khúc thị trường theo đơn đặt hàng thì vì lý do nào chị lại khắt khe với mình như thế?
– Tôi chơi nhạc trong một quán café nhỏ, ban nhạc cũng nhỏ, chỉ tầm hai, ba người. Thế nhưng ai làm việc không tập trung, không hết lòng là tôi bực mình lắm. Bạn bè thường kêu tôi khó tính nhưng tôi nghĩ dễ dãi là xem thường khán giả, họ sẽ không đến quán mình nữa. Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi mọi người trong đó có mình. Ngay như việc chuẩn bị ra album đầu tay cũng vậy. Tôi không vội vã và cân nhắc từng chi tiết nhỏ vì nếu ra album mà còn nhiều sai sót thì những lỗi lầm ấy sẽ theo mình suốt cả cuộc đời. Trong cuộc sống, tôi trẻ con và dễ tính nhưng rất sợ hậu quả. Tôi không dũng cảm để gánh những hệ lụy từ sự dễ dãi của mình. Thế nên tôi bắt mình phải chuẩn bị thật kỹ. Tránh đến lúc ngồi một chỗ khóc mà nuối tiếc với sự “giá như…”.
– “Con chim nhỏ hót bên bờ hồ xanh” – chị nghĩ gì về biệt hiệu mà mọi người dành tặng cho mình?
– Thực ra tôi mới biết được biệt hiệu này. Tôi rất thích vì nó đúng với mình. Tôi không phải là một giọng hát hay và đặc biệt. Tôi chỉ hy vọng tiếng hát nhỏ bé của mình sẽ làm mọi người vui.
– Là người được lựa chọn biểu diễn cùng ca sĩ nổi tiếng của Pháp, Francis Cabrel, chị cảm thấy thế nào?
– Tôi vô cùng hạnh phúc và vinh dự khi được đứng trên sân khấu với Francis Cabrel. Cũng như Francis Cabrel, bên cạnh những bản ballad chậm và ngọt ngào, tôi còn có những bản centro rock nhưng khán giả hầu hết đều thích nhạc pop nhẹ nhàng hơn. Tôi muốn giới thiệu với những người làm âm nhạc quốc tế, Việt Nam ngoài âm nhạc cổ truyền còn có âm nhạc hiện đại rất đáng nghe. Hiện tôi đã gửi demo một số tác phẩm của mình cho các nhà sản xuất âm nhạc châu Âu. Họ luôn quan tâm tìm hiểu âm nhạc từng nước, nhất là châu Á. Âm nhạc gồm lời và nhạc. Ngôn ngữ là phần tất yếu của bài hát, nó khiến người nghe đến gần hơn với tác giả nhưng nó là câu chuyện riêng, nhạc mới là yếu tố toàn cầu, vượt qua mọi biên giới truyền cảm hứng đến khán giả. Tôi chưa bao giờ thấy khó hiểu khi nghe âm nhạc Tây Ban Nha. Chỉ cần nhập tâm mình sẽ hiểu tác giả nói gì.
Ngọc Trần (theo VNE)
Bình luận (0)