Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Lễ hội đâm trâu nơi đại ngàn

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nhảy múa quanh trâu. Ảnh: I.T

Hòa bình năm 1954, từ quê hương anh hùng Núp tôi ra Bắc tập kết, học tập, công tác đến nay. Tuổi thơ tôi không được cắp sách đến trường nhưng “no xôi chán thịt” ở các lễ hội đâm trâu trong bản, giờ nói đến bản sắc văn hóa Tây nguyên tôi nghĩ đến nghề dệt thổ cẩm, giai điệu cồng chiêng, rượu cần, nhà Rôông, lễ hội cơm mới và lễ hội đâm trâu.

Cội nguồn của vật tế thiêng liêng
Đúng vậy, lễ hội đâm trâu góp phần làm nên bản sắc Tây nguyên. Làng (phơi) được mùa tổ chức lễ hội đâm trâu ăn mừng chiến thắng, nhà A làm lễ bỏ mã đâm trâu mời làng, nhà B về nhà Rôông mới đâm trâu mời bản. Từ người Stiêng, Bahnar, Cờ tu, Êđê, Xê đăng, Yẻh, Xeđrá đến người Brâu đâu cũng có lễ hội đâm trâu. Nghi thức lễ hội đâm trâu mỗi nơi tuy có khác nhau nhưng mục đích thì giống nhau.
Nguồn gốc cuộc vui cộng đồng từ xưa cha ông gọi là lễ hội ấy có từ bao giờ chưa ai biết, chỉ biết trong hệ thống lễ hội nông nghiệp rải rác khép kín chu kỳ sản xuất ở Tây nguyên, lễ hội đâm trâu có lâu đời, được xem là lễ hội lớn phản ánh mối quan hệ biện chứng giữa (con trâu – SapaKô – cây lúa – sự ấm no – an vui – ước vọng).
Người Tây nguyên số đông theo tín ngưỡng đa thần. Từ người Gia Rai, Bahnar… coi Giàng (thần linh – Trời), gần gũi có thể kết anh em, cha con cũng có thể đoạn tình khi bất hòa, thậm chí có người còn trả thù thần nào đó bằng cách không thờ cúng bỏ cho chết đói, chuyển sang thờ cúng thần khác tốt hơn.
Ngày tết ở Tây nguyên người ta đâm trâu cúng tạ tổ tông, thần linh. Ở đâu có lễ hội đâm trâu là ở đó rộn tiếng hát, múa, cồng chiêng. Từ xa khách nghe đã xao xuyến, tìm đến!
Từ sáng sớm ngày đầu đã chọn vật tế là con trâu, tắm rửa sạch sẽ cho trâu, bắt tay vào việc quan trọng tốn nhiều công sức là dựng cột đâm trâu gọi là cột Gưng. Cột Gưng là một cây gỗ quí to lớn cao thẳng dựng lên sân tổ chức lễ hội đâm trâu, cột chia làm ba phần. Phần từ đất lên làm thành giàn cho già làng bước lên cúng tế. Phần thân cột được chạm trổ công phu các hình ảnh hoa văn, các màu sắc rực rỡ buộc các chùm tua ngũ sắc chuốt sợi từ thân nứa. Phần trên cùng là biểu tượng chim hoặc cá, dưới treo chùm ống nứa già gọi là toơng nơơng nhờ gió phát ra âm thanh.
Cột Gưng dựng xong buộc trâu vào, chờ khách đến. Phụ nữ, người vác nước suối đổ đầy các nồi chứa, người giã gạo thành bột, chuẩn bị nấu với lòng, tiết trâu làm món cháo bồi. Bầy trẻ tung tăng háo hức bên các bà đang soạn từ các gùi Di liêng váy, áo, khố sẽ được dùng vào ngày hội. Nam buộc các ché rượu vào cột, treo cồng chiêng lên xà nhà. Khách lập thành đội khách cùng chuẩn bị rượu, cồng chiêng, váy, khố. Đội khách và đội chủ những ống đựng rượu lồ ô. Lễ đón khách từ chiều ngày đầu. Phụ nữ mặc váy thổ cẩm, cổ tai đeo xuyến bạc hoặc trang sức bằng ngà voi. Nam đóng khố hoa (Ktel). Sau hồi cồng chiêng gia đình, chủ lễ và khách bước vào sân đứng thành hai hàng đối nhau chào hỏi chúc tụng nhau. Sau tuyên bố khai mạc, mọi người uống rượu từ những ống lồ ô theo cách uống chung. Đêm xuống, trời se lạnh, đống lửa bập bùng giữa sân, soi tỏ sắc má hồng màu bích đào các cô gái, sắc mặt đỏ sau cuộc rượu đầu của người đứng tuổi. Tiếng cồng chiêng của đội khách và đội chủ vang lên không ngớt. Các cối gạo lại đem ra giã thậm thình thâu đêm. Mọi người ngồi bên các ché rượu kể cho nhau chuyện làm ăn vụ qua hoặc nghe hát Aday (một loại dân ca trữ tình tự giãi bày tâm sự) về khuya một nghệ nhân là ông già quắc thước từng trải, giỏi giang được mời đến kể khan (tráng ca Tây nguyên). Người kể và người nghe như chìm trong không khí cổ xưa của bản anh hùng ca bất tử với những hình ảnh hào hùng của những dũng sĩ như Đăm San, Đăm Di với những chiến công lẫy lừng là niềm tự hào của quê hương. Điệu bộ, giọng kể của nghệ nhân lúc trầm lúc bổng như dòng sông lúc chảy qua đồng bằng lúc chảy qua vách núi dựng đứng băng qua thác ghềnh hiểm trở, tiếng cồng chiêng trầm hùng như giục khách chậm chân, như níu kéo khách ở lại.
Giờ phút thiêng liêng đang đến gần, con trâu buộc vào cột Gưng đi vòng có lúc lồng lên, mắt đỏ nọc phản chiếu vào ánh lửa cuối đêm, không biết nó có linh tính gì về giây phút cuối cùng đời nó, không biết nó có nghe tiếng khóc não nề của thầy cúng đang làm lễ khóc trâu hay không.
Lễ khóc trâu vừa dứt, già làng phát lệnh: Hành sự!
Say men giữa núi rừng Tây nguyên
Theo nhịp trống, cồng chiêng, sáo bầu, các nữ tú nắm tay nhau thành vòng xoang (múa), các nam thanh dũng sĩ múa khiên, lao. Một nam thanh niên lực lưỡng cầm cây Peh (dao dài) sắc lẻm chặt đứt nhượng hai chân sau con trâu cho nó quị xuống không còn lồng lộn được nữa. Mũi lao của dũng sĩ cắm phập vào huyệt tử con trâu. Đầu con trâu được cắt ra bày lên mâm cúng thần rồi sau đó chủ lễ biếu khách là ân nhân số một của nhà mình năm qua. Thịt trâu phân phát cho mọi người dự lễ hội. Ai nấy nhận phần và chế biến thành món ăn truyền thống. Đọt mây rừng nướng lên chấm muối, rau nhiếp rừng thái nhỏ trộn thịt trâu làm món Biếp Kwanh, các món này ăn với cơm lam, cháo bồi, uống rượu cần.
Lễ hội đâm trâu với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống mang ý nghĩa nhân văn và tâm linh. Đỉnh cao và linh hồn của lễ hội là lúc mũi lao cắm vào tim con trâu, cùng lúc tiếng cồng chiêng, tiếng hát, những vũ điệu theo cột đâm trâu vút lên không trung tạo niềm tin mùa bội thu, hăng say lao động sản xuất trước cuộc sống thường trực bất trắc, thiên tai, địch họa. Để sinh tồn phát triển và vượt thách thức ấy con người cần giao lưu gắn kết cộng đồng, cùng hướng tới sức mạnh siêu nhiên qua hình ảnh các thần linh qua nghi lễ.
Thầy cúng ra rót rượu, miệng khấn: “Ơ giàng phía Đông, ơ giàng phía Tây, ơ giàng Mưa, ơ giàng Núi, ơ giàng Sông… Nay nhà ta làm lễ bỏ mã, hoặc nay nhà ta về nhà Rôông mới, hay nay nhà ta ăn tết cơm mới, lúa đã tuốt, trâu đã đâm, rượu đầy ché… mời các giàng nâng cần rượu, ăn miếng thịt trâu, ăn bát cơm đầu mùa, mong các giàng cho mùa lúa ngoài nương rẫy mẩy hạt to bông, đến kỳ thu hoạch đầy gùi, ngập kho!”.
Khấn xong thầy đi vẫy rượu chúc phúc từ bếp lửa, giàn cồng chiêng, cầu thang, kho thóc.
Tiếp nghi lễ, bắt đầu cuộc ăn uống vui chơi. Nữ cao tuổi nhất được mời nâng cần rượu đầu tiên rồi lần lượt theo thứ tự già trước trẻ sau.
Mọi người ăn uống chuyện trò vui vẻ. Ai không muốn nữa thì về. Người ở lại nối tay nhau vít cần rượu ròn cồng chiêng, nghe Ađay hoặc Khan. Khách ra về được chủ tiễn một gói quà gọi là lộc, chia may mắn cho mọi nhà.
Ngày tết có lễ hội đâm trâu trai gái thanh tân được tự do ra nương rẫy tỏ tình luyến ái, xem đây là những ngày hạnh phúc tốt lành.
Sau lễ hội đâm trâu mọi nỗi buồn, hiềm khích, đố kỵ trong làng được thần linh mang đi, niềm vui và hạnh phúc được nâng lên gấp bội, ai nấy hăng hái trở lại chuỗi ngày lên nương xuống rẫy dưới mưa dầm nắng gắt, đêm sương muối xót thịt xương, con người bán mặt cho đất bán lưng cho trời nơi đại ngàn lắm dã thú, nhiều sỏi đá đã khô cằn hơn màu mỡ, hi vọng tết mùa sau với nhiều lễ cúng, nhiều tiếng hát, nhiều tiếng cồng chiêng vang lên quyến rũ con người vào cuộc vui say bất tận.
Những hình ảnh của lễ hội đâm trâu truyền thống làm tôi nhớ lại trên tờ Revue Indochinoise số 2-1928, giáo sư AmeYanard đưa ra nhận xét: “Suốt ba tháng đầu năm của dân Việt Nam cũng có nhiều nghi lễ trong ấy người ta thông cảm với thần hay kéo thần xuống gần người, cùng với người san sẻ nỗi lo âu hay hi vọng”. Nhận định này như là cơ sở để ta hiểu thêm chút nữa về triết lý nhân sinh của dân tộc và tín ngưỡng tộc người qua nghi thức lễ hội đâm trâu. “Tháng giêng là tháng ăn chơi”, ăn chơi không có nghĩa thuần vật chất mà hơn thế về mặt tinh thần.
Lâm Văn Hoàn (Hà Nội)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)