Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Tạp Chí Giáo Dục

Trong các ngày 10, 11 và 12-10, tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang diễn ra Lễ hội truyền thống kỷ niệm 155 năm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh (1868 – 2023) và đón nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Kiên Giang, cho biết dự kiến lễ hội Nguyễn Trung Trực năm 2023 sẽ đón khoảng 1,2 triệu lượt khách hành hương đến kính ngưỡng anh linh của Anh hùng dân tộc đã nêu cao tinh thần đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất trước giặc ngoại xâm.

"Ngoài phần lễ, phần hội sẽ có hàng chục hoạt động hấp dẫn khách hành hương, như: sân khấu không gian đờn ca tài tử Nam Bộ; giải võ thuật Vovinam cấp tỉnh; liên hoan sân khấu thanh niên; triển lãm ảnh nghệ thuật ĐBSCL lần thứ 8; trưng bày, giới thiệu quảng bá du lịch ĐBSCL và giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu doanh nghiệp của địa phương; biểu diễn lân – sư – rồng; đêm hội hoa đăng cầu quốc thái dân an…" – ông Nguyễn Văn Sáu thông tin.

Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh 1.

Nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Đại tướng Lê Hồng Anh – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư thắp hương Đình thần anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Ảnh: Duy Nhân

Theo Ban Bảo vệ di tích mộ và đình Nguyễn Trung Trực, năm nay có khoảng 3.000 tình nguyện viên tham gia phục vụ lễ hội Nguyễn Trung Trực, chia làm nhiều tổ, như: nấu cơm chay, đổ bánh xèo chay phục vụ miễn phí cho bà con; dựng trại võng; cung cấp nước uống; khám và phát thuốc miễn phí… phục vụ 24/24 giờ suốt thời gian lễ hội (từ 26 tới 28-8 âm lịch).

Dịp này, chiều 10-10, ông Nguyễn Tấn Dũng – nguyên Thủ tướng Chính phủ và Đại tướng Lê Hồng Anh – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư đã đến viếng, thắp hương tại Di tích Lịch sử văn hóa mộ và đình Nguyễn Trung Trực. Cùng đến viếng, thắp hương tại Bia ghi dấu địa điểm anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực bị giặc hành hình năm 1868 còn có lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Kiên Giang các thời kỳ; lãnh đạo một số ban, ngành, đoàn thể, đơn vị của tỉnh và TP Rạch Giá, các nhân sĩ tri thức…

Tối cùng ngày, Lễ hội truyền thống Đình thần Nguyễn Trung Trực tỉnh Kiên Giang chính thức đón nhận Bằng Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội được tổ chức vào ngày 26, 27 và 28-8 âm lịch hằng năm tại TP Rạch Giá, khu vực đình và mộ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, Công viên Nguyễn Trung Trực… Điểm độc đáo của Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực là tính gắn kết cộng đồng thể hiện qua tinh thần tự giác, thiện nguyện của người dân tham gia.

Lễ hội góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống gắn với việc phát triển kinh tế – xã hội; đề cao vai trò chủ thể của nhân dân trong các hoạt động của lễ hội; tuyên truyền về chủ quyền quốc gia, bảo vệ biên giới và biển đảo của đất nước.

Theo Duy Nhân/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)