Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ tưởng nhớ công ơn các bậc tiền nhân

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 16-9, Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ đã chính thức khai mạc tại Công viên Thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ.

Lễ hội Nghinh Ông được tổ chức với các nghi thức lễ dân gian 

Lễ hội do Ban Tổ chức các ngày Lễ lớn của TP.HCM phối hợp với UBND huyện Cần Giờ thực hiện nhân kỷ niệm 111 năm Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ và 11 năm lễ hội này được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Lễ hội diễn ra từ ngày 16 đến 18-9. Năm nay, các hoạt động trong Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ giảm quy mô theo chủ trương của UBND TP.HCM nhằm chia sẻ khó khăn với bà con đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng bởi bão số 3.

Trong đó, lễ hội vẫn giữ các hoạt động truyền thống như lễ thượng đại kỳ, lễ đưa Nghinh và rước Nghinh trên biển, lễ hội mừng công ngư dân Cần Giờ.

Một số hoạt động văn hóa, nghệ thuật như: đờn ca tài tử, biểu diễn lân- sư – rồng, trò chơi dân gian, diễu hành xe hoa Lễ hội Nghinh Ông… không diễn ra như mọi năm.

Các hoạt động thể dục thể thao biểu diễn võ nhạc; giải bắn súng 3 môn phối hợp; đua xuồng chèo; biểu diễn dù lượn; xiếc đường phố; giải đua cà kheo… cũng ngưng tổ chức.

Chương trình khai mạc lễ hội

Ông Nguyễn Phước Hưng – Bí thư Huyện ủy huyện Cần Giờ cho biết, theo thông lệ của ngư dân, hàng năm, cứ đến ngày rằm tháng 8 Lễ hội Nghinh Ông được tổ chức với các nghi thức lễ dân gian.

Đây cũng là dịp để mọi người tưởng nhớ công ơn các bậc tiền nhân đã có công khai hoang mở cõi, từng bước tạo dựng cuộc sống và hình thành lối sống, nếp sống phù hợp, thích nghi với điều kiện tự nhiên của vùng đất Cần Giờ.

Năm 2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Đó là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cần Giờ nói riêng và TP.HCM nói chung.

Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ được tổ chức trang trọng vào dịp rằm tháng 8 hàng năm, cầu một mùa gió lặng biển hòa, cầu một mùa biển bội thu mới.

Cũng như nhiều tỉnh miền duyên hải, đây là dịp mang ý nghĩa tôn vinh và tri ân Cá Ông (cá voi), một biểu tượng linh thiêng của ngư dân vùng biển. Cá Ông được coi là vị thần biển cả, người bảo vệ và giúp đỡ ngư dân trong những chuyến ra khơi, mang lại may mắn, bình an và thịnh vượng.

Hồ Trinh

Bình luận (0)