“Lễ hội Tây Nguyên” là cuốn sách ảnh đặc biệt viết về những lễ hội, những bức ảnh do chính tác giả Trần Phong đã mất mấy chục năm lặn lội, sục sạo nhiều năm trên các vùng đất của Tây Nguyên. Những bức ảnh vô giá của anh về văn hóa Tây Nguyên đã được Nhà xuất bản Thế giới ấn hành, giới thiệu đến đông đảo độc giả Việt Nam và nước ngoài bằng 3 thứ tiếng Việt–Anh–Pháp.
Hầu hết các bức ảnh trong tập sách này, thì dẫu ngày nay bạn có đi lùng sục khắp Tây Nguyên, tốn bao nhiêu tiền và tốn bao nhiêu công cũng không còn chụp được nữa. Trừ khi bạn, hoặc dựa thế lực của một số người có quyền ở địa phương, hoặc bỏ tiền ra thuê người ta “dựng”, tức đóng kịch lại, làm giả, rồi chụp, với những máy móc ngày càng tinh xảo, để mong đánh lừa người xem. Nhưng cũng chẳng cần phải là một chuyên gia uyên bác, tinh vi gì lắm cũng có thể phát hiện ra ngay cái thứ của giả ấy. Mà của giả thì dẫu khéo léo đến mấy cũng chẳng để làm gì, thậm chí còn tác hại khó lường. Giá trị đầu tiên của tập sách này là ở tính thật của nó, dấu vết thật của một thực thể văn hóa vào loại độc đáo và đặc sắc nhất, ít ra là đối với nước ta, mà chắc không chỉ đối với nước ta đâu, một thực thể văn hóa đã mất, đang tiếp tục mất đi từng ngày, trong cuộc vật lộn văn hóa dữ dội đang diễn ra ở Tây Nguyên bây giờ. Cho nên nó vừa là hoài niệm, vừa là lời gọi kêu thống thiết gìn giữ lấy những gì ít oi còn lại của một di sản văn hóa vô giá. Vậy nên cần nói một lời cám ơn, cám ơn vô cùng anh Trần Phong, người đã bị Tây Nguyên ám ảnh đến mê say, và truyền lại cho chúng ta nổi ám ảnh ấy, mà như tôi biết, người nào được Tây Nguyên ám ảnh, biết và hiểu được nổi ám ảnh của vùng đất và người kỳ lạ ấy ắt phải là người rất hạnh phúc. Hãy cầm lấy cuốn sách quý này và trân trọng ngắm kỹ từng bức ảnh tài hoa và công phu, tôi tin vậy, bạn sẽ bị chinh phục bởi những gì nó truyền tải, và rồi hạnh phúc sẽ đến.
Nhân vật Jacques Dournes, một linh mục Thiên chúa giáo và là một trong những nhà Tây Nguyên học giỏi nhất, tận tụy và say mê nhất, người sau hơn 25 năm sống đắm đuối ở Tây Nguyên cuối cùng đã bỏ đạo mà ông định mang đến để khai hóa cho những người “man dã”, để “quy y” theo văn hóa Tây Nguyên, có nói một câu để đời: “Nếu phải hiểu để mà có thể yêu, thì lại phải yêu để mà có thể hiểu”. Đối với Tây Nguyên – mà có lẽ đối với mọi văn hóa thật đều vậy – hiểu và yêu, yêu và hiểu là một quá trình song song, đồng thời, không thể tách rời, không thể chỉ có cái này mà không cùng lúc có cái kia.
Trường hợp Trần Phong là một bằng chứng. Tôi quen biết anh từ hơn hai mươi năm trước, có đôi lần được cùng anh đi “lùng sục” Tây Nguyên, còn thì vẫn thường xuyên theo dõi các chuyến đi hết sức công phu, nhọc nhằn mà chuyên cần, tận tụy, say mê của anh. Đi với Trần Phong tôi hiểu ra thêm một điều có lẽ cần bổ sung vào công thức tuyệt đẹp của Jacques Dournes, nhất là trong trường hợp Tây Nguyên: yêu, đúng rồi, yêu đến mê đắm, để mà có thể hiểu, nhưng còn một điều nữa: yêu với một lòng kính trọng chân thành và một niềm ưu tư sâu xa. Để vượt qua cả hai trạng thái trái ngược nhau: hoặc bị dội lại vì cái vẻ bên ngoài thoạt trông quá thô thiển, “man dã” của những thực tế trước mắt, hoặc bị lôi cuốn bởi cái chất kích thích hám lạ cũng mạnh lắm, cũng là ở trên vỏ bên ngoài của các thực tế đó. Vượt qua được, để đi đến cốt lõi của Tây Nguyên, đến minh triết ngỡ hồn nhiên mà sâu thẳm của nó, cái minh triết đã khiến một nhà bác học như Jacques Dournes cuối cùng đến phải bỏ cả đạo của mình mà đi theo. Đồng thời lại cũng là một tình yêu đầy ưu tư, ưu tư trước bí ẩn không cùng của Tây Nguyên không bao giờ khiến ta ngớt kinh ngạc, và ưu tư trước khả năng bị hủy hoại, bị biến dạng, thấm chí biến mất của vẻ đẹp và chiều sâu văn hóa tinh thần thăm thẳm có một không hai này.
Trần Phong là một người như vậy. Anh là người bị dày vò, có lẽ rồi suốt đời, bởi Tây Nguyên, bởi sự ngưỡng mô và tình yêu đắm đuối và nổi lo ngày mỗi trăn trở, đến cháy lòng cho Tây Nguyên, văn hóa Tây Nguyên. Còn có thể cứu vãn được không, tôi không biết, anh cũng không biết, lần nào gặp nhau chúng tôi cũng hỏi nhau câu hỏi nhức nhối đó. Rồi anh đưa cho tôi xem, khoe với tôi một tấm ảnh anh vừa chụp được. “Anh biết không, tôi đã phải lặn lội vào vùng xa nhất, hiễm trở nhất, trên núi cao nhất, trong rừng sâu nhất mới tìm ra được đấy … Mà lần sau trở lại thì chắc chắn không còn nữa đâu. Đây là tấm ảnh cuối cùng. Quân phá rừng đã tràn vào…”
Vậy đó, đây không phải là một tập ảnh thông thường. Cho tôi nói điều này: Đây là di chúc của một nền văn hóa đang đứng trước nguy cơ biến mất. Trên con đường đi tới xăm xăm của chúng ta. Cho nên, đây cũng là một câu hỏi lớn, về một vấn đề không hề nhỏ: Sẽ đi đến đâu đây, để làm gì đây, khi cuộc đi tới phải trả giá bằng sự biến mất của những giá trị vĩnh cữu này?
Suốt mấy mươi năm lặn lội, bao giờ cũng chỉ một mình và gần như tuyệt đối vô danh trên khắp Tây Nguyên mênh mông, Trần Phong đã có được hàng chục ngàn bức ảnh vô giá. Một kho tàng văn hóa và nghệ thuật hạng một. Lần này anh chỉ chọn cho chúng ta được xem một phần rất nhỏ về mùa lễ hội Tây Nguyên. Đấy là lúc đời sống văn hóa tinh thần tâm linh của người Tây Nguyên biểu hiện tập trung nhất, sâu thẳm nhất và cũng rực rỡ nhất. Chác hẳn là một lựa chọn rất có ý. Để cho nổi nuối tiếc của chúng ta về nền văn hóa ấy càng da diết hơn, câu hỏi về sự mất còn của nó càng gay gắt hơn, lời kêu gọi gìn giữ và cứu vãn nó càng thống thiết hơn.
Cuốn sách ảnh “Lễ hội Tây Nguyên” chính là một thông điệp không hề nhỏ của một nền văn hóa.
Tuyết Minh (hanoimoi.com.vn)
Bình luận (0)