Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Lễ hội Tết Việt Ất Tỵ 2025 lan tỏa các giá trị truyền thống

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Chiều 13-1, Lễ hội Tết Việt Ất Tỵ 2025 đã chính thức khai mạc tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM. Đây là lần thứ 18 lễ hội được tổ chức với hàng loạt hoạt động mừng Tết mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, lan tỏa các giá trị truyền thống.

Lễ hội Tết Việt 2025 diễn ra với đa dạng hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Trong đó có không gian hoa mai, phố ông Đồ, tổ hợp nghệ thuật.

Không gian hoa mai kết hợp nghệ thuật tre làm từ hơn 5.000 cây tre phủ mặt tiền đường Phạm Ngọc Thạch. Qua những hình ảnh này truyền tải thông điệp về sự vươn mình, vươn mình lên với thời đại, kỷ nguyên mới đất nước.

Không gian hoa mai kết hợp nghệ thuật tre làm từ hơn 5.000 cây tre phủ mặt tiền đường Phạm Ngọc Thạch

Khu vực phố ông Đồ năm nay có hơn 50 ông đồ trẻ cho chữ, viết thư pháp. Tại đây du khách có thể trực tiếp “xin chữ”, gửi gắm những nguyện vọng, cầu mong may mắn. Ban tổ chức lên kế hoạch cho các ông đồ trẻ trải nghiệm để năm sau mở rộng thêm cho các ông đồ viết thư pháp bằng tiếng Anh và giới thiệu thư pháp từ các nước khác ở châu Á.

Nổi bật trong lễ hội là ngôi nhà sàn mang phong cách đặc trưng của vùng đất An Giang, vừa mang đến bối cảnh chụp ảnh, vừa gửi gắm thông điệp về gia đình Việt.

Lấy cảm hứng và nét đẹp từ làng gốm Lái Thiêu, làng chiếu Định Yên, làng nghề đan lát Mỹ An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, khu vực này có gian bếp và nhà ngói đỏ đặc trưng của An Giang, có những chậu hoa rực rỡ sắc màu từ làng hoa Sa Đéc Đồng Tháp.

Đặc biệt, Lễ hội Tết Việt Ất Tỵ 2025 cũng có sự hiện diện của các bạn trẻ khởi nghiệp ở miền Tây đến giới thiệu các đặc sản, sản phẩm khởi nghiệp.

Ông Nguyễn Hồng Phúc – Giám đốc Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM phát biểu tại lễ khai mạc Lễ hội Tết Việt Ất Tỵ 2025

Ông Nguyễn Hồng Phúc – Giám đốc Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM cho biết, Lễ hội Tết Việt Ất Tỵ 2025 tiếp tục trung thành với việc tôn vinh nghệ thuật, các giá trị làng nghề truyền thống.

“Tất cả được sắp đặt và tạo hình khéo léo, gợi nên một không gian Tết yên bình với mái nhà quê ấm cúng, cây xanh tươi mát trong nắng vàng, cây nêu dân dã và nếp nhà đoàn viên trong hạnh phúc bình dị. Điều này tạo cho khách tham quan, nhất là những người xa quê cảm giác thân quen, gần gũi, yên bình như chính ở quê hương của mình”, ông Phúc chia sẻ.

Đến với lễ hội, du khách còn được thưởng thức các chương trình nghệ thuật từ diễn xướng dân gian Nam bộ, đờn ca tài tử, nhã nhạc cung đình Huế, ca trù, đến biểu diễn lân sư rồng, thời trang truyền thống và các ban nhạc trẻ. Đây cũng là cơ hội để giới thiệu các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam được UNESCO công nhận.

Tại khu vực phố ông Đồ du khách có thể trực tiếp “xin chữ”

Trong khuôn khổ lễ hội có các chương trình chăm lo Tết cho các em thiếu nhi bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; hỗ trợ các em nhỏ cơ nhỡ, mái ấm tình thương vui Tết.

Tại không gian Tết Việt này còn có nhiều hoạt động lớn của các ban, ngành, đoàn thể Trung ương và TP như: Chương trình “Chuyến xe mùa xuân” cho sinh viên về quê đón Tết; Họp mặt “Sinh viên đón Tết xa nhà”; Chương trình “Chuyến xe sum vầy” cho công nhân về quê dịp Tết; Chương trình “Nghĩa tình mùa xuân”…

Lễ hội Tết Việt Ất Tỵ 2025 diễn ra từ 13-1 đến 2-2 (nhằm ngày 14 tháng chạp đến mùng 5 Tết).

Hồ Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)