Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Tạp Chí Giáo Dục

Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - Audio
00:00 / 00:00
An audio error has occurred, player will skip forward in 2 seconds.
  1. 1 Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước Audio

Sáng 30-4 tại đường Lê Duẩn (quận 1, TP.HCM), Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và TP.HCM đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tham dự có Tổng Bí thư Tô Lâm; Thủ tướng Phạm Minh Chính; Chủ tịch nước Lương Cường; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Đại tướng Phan Văn Giang – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí lão thành cách mạng, bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; các cựu chiến binh từng tham gia làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, cùng hàng nghìn khách mời đại diện cho các tầng lớp nhân dân cả nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm

Cùng dự lễ có khoảng 20 đoàn khách quốc tế, bao gồm 3 đoàn cấp cao, 4 đoàn cấp bộ trưởng trở lên, hơn 15 chính đảng ở các châu lục khác nhau; đại diện của hơn 20 địa phương kết nghĩa với TP.HCM và rất nhiều cá nhân nước ngoài có đóng góp cho phong trào phản chiến, chống chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Đại biểu tham dự lễ kỷ niệm

Đúng 6h30 phút, chương trình bắt đầu diễn ra. Sau phần chào cờ là chương trình nghệ thuật. Màn trống hội “Bản hùng ca toàn thắng” với màn biểu diễn của 1.000 diễn viên là học viên thuộc đoàn nghệ thuật trống hội của Học viện Cảnh sát nhân dân – Bộ Công an, trình diễn.

Tiếp theo đó là màn súng kết hợp quân nhạc – xếp hình nghệ thuật “Đất nước trọn niềm vui”. Những bài hát về lịch sử đã vang lên: “Việt Nam ơi, mùa xuân đến rồi”; “Tiến vào Sài Gòn”; “Giải phóng miền Nam”; “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh”; “Đất nước trọn niềm vui”; “Hát mãi”.

Phần văn nghệ vang lên những bài hát “Giải phóng miền Nam”; “Đất nước trọn niềm vui”; “Màu hoa đỏ”; “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh”; “Viết tiếp câu chuyện hòa bình”; “Đất nước vươn mình”; “Nối vòng tay lớn”.

Đúng 7h, nghi thức chào cờ diễn ra trong không khí nghiêm trang cùng tiếng vang của 21 phát đại bác trên nền Quốc thiều nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam do Đội Pháo lễ thực hiện tại bến Bạch Đằng (quận 1).

Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Hôm nay, trong không khí hào hùng của ngày 30-4 lịch sử, tại TP anh hùng mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, với niềm phấn khởi và tự hào lớn lao, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm “50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” – mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc; đánh dấu sự kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu kiên cường 30 năm giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc; chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới; đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tổng Bí thư Tô Lâm nhiệt liệt chào mừng và trân trọng gửi tới các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bậc lão thành cách mạng, các mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động; các tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sĩ, cựu chiến binh, dân quân tự vệ, du kích, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, các gia đình có công với nước, các vị khách quốc tế, toàn thể đồng bào, đồng chí cả nước, người Việt Nam ở nước ngoài, cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và những lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, trong giờ phút thiêng liêng này, chúng ta thành kính tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu – Lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc ta, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế – với khát vọng cháy bỏng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, với niềm tin tất thắng “Dù khó khăn, gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”.

“Chúng ta mãi khắc ghi và biết ơn công lao to lớn của các vị lãnh đạo cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, các mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các thế hệ cán bộ, tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sĩ, dân quân du kích, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, các cựu chiến binh cùng toàn thể lực lượng vũ trang nhân dân và nhân dân trên khắp mọi miền Tổ quốc cũng như người Việt Nam ở nước ngoài, đã cống hiến, hy sinh, cho sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước”, Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ.

Tổng Bí thư cũng chân thành cảm ơn sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn, quý báu, chí tình, chí nghĩa, thủy chung, son sắt của anh em, đồng chí và bạn bè quốc tế, các lực lượng tiến bộ và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam.

Tổng Bí thư Tô Lâm ôn lại thời khắc lịch sử của dân tộc. Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, dân tộc ta đã phải bước vào 2 cuộc kháng chiến, đấu tranh trường kỳ để bảo vệ nền độc lập và thống nhất đất nước.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, cũng như nhiều dân tộc trên thế giới, nhân dân Việt Nam mong muốn có cuộc sống hòa bình, độc lập, tự do. Tuy nhiên, đế quốc Mỹ đã nhanh chóng thế chân thực dân Pháp can thiệp vào Việt Nam, thực hiện âm mưu chia cắt nước ta, biến miền Nam nước ta thành thuộc địa kiểu mới, thành tiền đồn ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á và các lực lượng tiến bộ khác trên thế giới.

Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ đã huy động số lượng lớn binh sĩ với vũ khí tối tân nhất, hiện đại nhất, triển khai nhiều chiến lược chiến tranh nguy hiểm; tiến hành hai cuộc chiến tranh phá hoại tàn bạo đối với miền Bắc, gây ra nhiều đau thương, mất mát cho nhân dân ở cả hai miền đất nước và hậu quả chiến tranh vẫn còn kéo dài cho tới ngày hôm nay.

Trước muôn vàn khó khăn, thử thách, gian khổ, ác liệt nhưng kế thừa và phát huy truyền thống chống giặc ngoại xâm vẻ vang của cha ông, đúc kết những bài học kinh nghiệm quý báu trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, với bản lĩnh và trí tuệ sáng suốt, phát huy sức mạnh của nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tranh thủ tối đa sự ủng hộ, giúp đỡ của bè bạn quốc tế, các lực lượng tiến bộ và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo quân và dân ta thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, kiên quyết đánh đuổi kẻ thù xâm lược.

Với khát vọng cháy bỏng bảo vệ nền độc lập, thống nhất đất nước, với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, trên khắp mọi miền Tổ quốc “từ Mục Nam quan đến Mũi Cà Mau” cả dân tộc chung sức đồng lòng đánh đuổi quân xâm lược và nơi đâu cũng ghi dấu sự dũng cảm, hy sinh và những chiến công oanh liệt của quân và dân ta. Nung nấu ý chí sắt đá “giải phóng Miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước”, quân dân ta đã giành thắng lợi từng bước, đánh đổ từng bộ phận, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thu non sông về một mối.

“Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là thắng lợi của chính nghĩa, thắng lợi của bản lĩnh, khí phách và trí tuệ Việt Nam; của lòng yêu nước nồng nàn, khát vọng độc lập, tự do và thống nhất non sông, với chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, là dấu mốc khẳng định toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã hiện thực được mong ước và lời căn dặn thiết tha nhất của Bác Hồ, hoàn thành sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Bắc-Nam sum họp một nhà”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Một số hình ảnh tại lễ kỷ niệm

Sau 50 năm thống nhất đất nước, gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đạt được những thành tựu vĩ đại, có ý nghĩa lịch sử và tạo được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay.

Quy mô nền kinh tế năm 2024 đứng thứ 32 thế giới và nằm trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài. Đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, hiện chỉ còn 1,93 % (theo chuẩn đa chiều) so với mức hơn 60% năm 1986. Tiềm lực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, khoa học – công nghệ, quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố.

Quan hệ đối ngoại được mở rộng; vị thế, uy tín của đất nước không ngừng được nâng cao. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 194 nước là thành viên Liên hợp quốc; xây dựng các mối quan hệ hợp tác, đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với tất cả các cường quốc trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ và năm 2025 cũng là năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, với những thành tựu vĩ đại đã đạt được, chúng ta đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới để đưa đất nước vươn mình, cất cánh, “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Để hiện thực hoá khát vọng xây dựng nước Việt Nam “hơn mười ngày nay”, chúng ta cần phải giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của đất nước để thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế – xã hội.

Năm 2025, phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt từ 8% trở lên và đạt hai con số trong giai đoạn 2026-2030, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng Xã hội chủ nghĩa.

Hồ Trinh

Bình luận (0)