Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Le lói cơ hội trong cơn khủng hoảng

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà tuyển dụng dễ kiếm nhân tài hơn, người mất việc tranh thủ thời gian học thêm kiến thức chuyên sâu… Trong khó khăn, vẫn có cơ hội cho cả người lao động và chủ doanh nghiệp.

Hoạt động kinh doanh gặp khó khiến nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, thậm chí đóng cửa, dừng sản xuất, không ít người thất nghiệp. Theo ông Lê Đình Chi, phụ trách nhân sự Công ty sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tân, thực trạng trên cũng là cơ hội cho Bình Tân tiếp nhận thêm lao động có tay nghề nhưng bị mất việc ở các đơn vị khác để chạy đúng tiến độ các đơn hàng.

Trước đây, việc tuyển mới đòi hỏi phải mất thời gian đào tạo nên chưa thể tận dụng ngay nguồn lực này. Do đó, theo ông Chi, hiện tuyển lao động có tay nghề từ các đơn vị khác khá thuận tiện, vừa giúp công nhân có việc làm, lại tạo điều kiện công ty có sẵn nguồn nhân lực lành nghề cung ứng cho các đơn hàng vốn đang giai đoạn chạy nước rút.

Chính vì vậy, trong mục tuyển dụng sau Tết của công ty ghi rõ: "Sẵn sàng tiếp nhận số lao động có tay nghề may quần áo và sản xuất giày dép của các đơn vị giải thể do không có việc làm".

Nhiều doanh nghiệp hiện có nhu cầu tuyển dụng công nhân mất việc ở những đơn vị khác. Ảnh minh họa: Thiên Chương.

Nhu cầu tiếp nhận công nhân mất việc cũng diễn ra ở Công ty cổ phần dịch vụ bảo vệ Bảo Việt. Trong lúc số người mất việc khá nhiều cũng là lúc Bảo Việt có cơ hội đầu tư về nhân sự khi nguồn cầu nhân viên bảo vệ luôn áp đảo cung. Chính vì vậy, việc tuyển nhân viên nay khác hẳn mọi năm khi nhận cả những công nhân mất việc, đại diện công ty này cho biết. Tuy nhiên, điều kiện sàng lọc sẽ khắc khe hơn khi bắt buộc người lao động ngoài những tiêu chí về sức khỏe phải có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông chứ không dừng lại ở bằng trung học cơ sở như trước nữa.

"Trong khó khăn luôn có thời cơ", chuyên gia kinh tế, ông Bùi Kiến Thành nhấn mạnh. Theo ông, các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay có cơ hội nhìn lại chiến lược kinh doanh, thực lực công ty. "Thay vì đưa quân đi đánh xứ người thì doanh nghiệp hãy xoáy sâu vào thị trường nội địa khi nhu cầu thế giới đang hẹp lại bởi khủng hoảng. Bởi lẽ, thị trường trong nước với hơn 80 triệu dân là mảnh đất màu mỡ và đầy tiềm năng chưa được khai phá hết", ông Thành khuyên.

Theo ông Thành, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu kỹ hơn nhu cầu tiêu dùng của người dân để sản xuất ra các sản phẩm phù hợp cũng như thiết lập mạng lưới phân phối hiệu quả hơn nữa, đưa hàng hóa đến tận tay những người dân ở vùng sâu, vùng xa nhất.

Ông Lê Đình Ngọc, Tổng giám đốc công ty chứng khoán Thăng Long, thì cho rằng thời điểm hiện tại là cơ hội cho những người đầu tư chứng khoán. Bởi lẽ vàng đang biến động thất thường, khó dự liệu tình hình. Kênh gửi ngân hàng hưởng lãi suất đang kém hấp dẫn và bất động sản vẫn còn những khó khăn phía trước. Sự tuột giảm mạnh mẽ của Vn-Index có thể xem là nơi trú ẩn của những đồng tiền nhàn rỗi.

Tuy nhiên, nhà đầu tư khi chọn mặt gửi vàng phải chọn những doanh nghiệp vẫn đứng vững trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới. Theo ông Ngọc, dự báo thị trường chứng khoán khởi sắc trở lại vào đầu quý III, nhà đầu tư sẽ khó có cơ hội chen chân mua vào thay vì dễ dàng thực hiện điều này như hiện nay.

Về phía người lao động, bên cạnh nỗi buồn mất việc, áp lực mưu sinh hàng ngày gia tăng, song vẫn le lói đâu đó những hy vọng cho các cơ hội mới. Năm nay chị Thu Thủy ở TP HCM đón cái Tết buồn nhất khi nhận quyết định chấm dứt hợp đồng đúng vào ngày tiễn ông Công ông Táo. Bởi lẽ, công ty chứng khoán nơi chị đang làm việc đã không thể chịu đựng hơn nữa buộc phải cắt giảm nhân viên.

Dù không tránh khỏi phút buồn bã nhưng nghĩ theo khía cạnh tích cực hơn, chị Thủy cho rằng đây sẽ mở ra cơ hội mới cho bản thân khi có thời gian đầu tư cho kiến thức chuyên ngành nhiều hơn thay vì làm trái nghề như trước. Trên thực tế tuy các doanh nghiệp hiện bó hẹp chỉ tiêu tuyển dụng nhưng sẽ rộng cửa cho người lao động có chuyên môn cao.

Bạch Hường (VNE)

Bình luận (0)