Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Lê Minh Nguyệt, cô gái “nghĩ đến cái chết để sống”

Tạp Chí Giáo Dục

Lê Minh Nguyệt và em trai.

Mình mang bệnh, vực gia đình đứng dậy

Hẹn gặp Nguyệt ở Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, điều tôi lo lắng nhất là sẽ “giữ ý” với một cô gái mang trong mình căn bệnh ung thư máu như thế nào. Rồi tôi thở phào khi Nguyệt gọi điện, giọng tươi rói: “Chị ơi, ra công viên Thống Nhất đi, chị em mình gặp nhau ở đó”.

Bốn chị em Nguyệt đón tôi ở cổng công viên. Nhìn Nguyệt vui đùa cùng chị và hai em, sẽ chẳng thể tin được cô đang mang trong mình căn bệnh ung thư máu. Nguyệt thư thả kể về thời gian mình đón nhận căn bệnh chết người. 

Nguyệt sinh năm 1984, ở xã Nghĩa Hưng, Quốc Oai, Hà Tây. Cuối năm 2006, cô sinh viên năm cuối khoa Toán, ĐH Sư phạm 2 bị sưng mắt trái, nghĩ là đau mắt thông thường Nguyệt vẫn cố thi hết các môn học kỳ. Đi khám ở Viện mắt Trung ương, bác sĩ cho Nguyệt biết cô có một khối u trong mắt và cần phải mổ. Lúc đó chuẩn bị bước vào kỳ thực tập, Nguyệt không thể để tuột mất cơ hội được đứng trên bục giảng nên cô lại gác kế hoạch chữa bệnh sang một bên.

Những ngày thực tập là những ngày Nguyệt vui nhất khi ước mơ thành giáo viên đang trong tầm tay nhưng cũng là thời điểm cô đau đớn, mệt mỏi nhất khi bệnh tái phát. Nguyệt đã phải bỏ hai tuần cuối của đợt thực tập để đi chữa bệnh. Chính lúc này, sau nhiều lần đi khám, Nguyệt biết mình mắc căn bệnh chết người – ung thư.

“Mẹ là người được báo tin em mắc bệnh đầu tiên. Mẹ không nói với em ngay mà để lộ dần dần cho em biết. Cái tin bị ung thư từ từ ngấm vào người em cũng như những cơn đau đến từng đợt, chắc là vì thế nên em không quá sốc”.

Chị Lê Thị Nga, chị gái của Nguyệt kể lại thời gian đầu khi biết Nguyệt mắc bệnh ung thư: “Mọi người trong gia đình chỉ biết khóc, mẹ ngất lên ngất xuống. Nhưng lúc đó chính Nguyệt lại mỉm cười. Nguyệt ngồi tính ngày nhận tấm bằng đại học, ngày được làm cô gíao đứng trên bục giảng, rồi nói: “Con còn làm được nhiều việc lắm”. Thấy Nguyệt vững vàng như thế, gia đình cũng bớt suy sụp đi nhưng ai cũng biết Nguyệt để riêng nỗi buồn, nước mắt cho riêng mình”.

Sống để ước mơ và ước mơ để sống

Ước mơ lớn nhất và cháy bỏng nhất của Nguyệt từ nhỏ là được làm cô giáo. 12 năm đến trường chưa khi nào Nguyệt để tuột khỏi tay danh hiệu học sinh giỏi. Nguyệt thi đỗ vào 3 trường: ĐH Lâm nghiệp, ĐH Sư phạm và CĐ Công nghiệp Hà Nội. Không một chút đắn đo, khi ĐH Sư phạm 2 có giấy báo nhập học, Nguyệt lên trường ngay lập tức.

Căn bệnh quái ác vào đúng năm cuối đại học có thể không cho Nguyệt lấy một ngày được thực hiện ước mơ của mình. “Điều em lo sợ nhất là mình sẽ không thể lấy được tấm bằng sư phạm. Rồi mình sẽ không được đi dạy… Có lẽ nhờ thế mà lúc đó em không sợ chết một tí nào”. – Nguyệt nói.  

Bốn chị em Lê Minh Nguyệt (Nguyệt mặc áo vàng).“Ước mơ làm cô giáo ngấm vào máu thịt em từ nhỏ, đến khi em mang bệnh càng cháy bỏng hơn. Em nghĩ, mình đã sống để thực hiện ước mơ, còn lúc này là nhờ ước mơ đó để mình tiếp tục sống” – Nguyệt chia sẻ.

Nghĩ đến ước mơ đứng trên bục giảng không được thực hiệnm, nhiều lúc Nguyệt cũng muốn đến một chỗ thật vắng vẻ, hét thật to hoặc muốn căn phòng để được thoải mái đập phá để xả hết căng thẳng trong người. “Em khóc rất nhiều. Đối với em, khóc không phải là một việc xấu” – Nguyệt viết.

Ước mơ của Nguyệt thành hiện thực khi mà dù biết cô mang bệnh, hiệu trưởng trường THPT Minh Khai (Quốc Oai, Hà Tây) vẫn nhận Nguyệt về trường. Nhưng chỉ được hai tháng, Nguyệt phải dừng đi dạy để tiếp tục chữa bệnh.

“Có nhiều hôm đi dạy về, em đổ người trên giường. Nhưng em lại gượng dậy khi nghĩ đến học sinh, sợ rằng biết đâu ngày mai mình không thể đứng trên bục giảng”.

“Vẫn tin ở ngày mai”

Khát khao sống của Nguyệt thể hiện rõ hơn bao giờ bằng cuốn tự truyện “Vẫn tin ở ngày mai” được viết vào thời gian bệnh của Nguyệt nặng nhất. Trong “Vẫn tin ở ngày mai”, Nguyệt nói về quãng đời sinh viên không thể quên của mình, nói về khát khao sự nghiệp và tình yêu. Và hơn hết là khát khao sống, và tiếp tục sống thật ý nghĩa dù bạn có thể nhắm mắt vào ngày mai.

Trong cuốn tự truyện, Nguyệt viết: “Em đã nghĩ rất nhiều đến cái chết. Mỗi khi có một bệnh nhân được trả về em lại nghĩ đến bản thân mình. Hay mỗi khi thấy một cái đám tang em lại nghĩ: Không biết sau này đám tang của mình có đông không?…” “Em nghĩ và viết về cái chết là để sống, sống sao cho thật tốt, thật ý nghĩa”.  

Cô gái “Vẫn tin ở ngày mai”.Nói về cuốn tự truyện của mình, Nguyệt bộc bạch: “Tất cả bắt đầu từ thói quen viết nhật ký từ nhỏ của em. Em trút vào đó những suy nghĩ chân thật nhất của mình. Chỉ đến khi trò chuyện với tác giả cuốn “Khát vọng sống để yêu”, chị Nguyễn Hồng Công, em mới nghĩ đến việc in một cuốn sách. Thật may, em được rất nhiều người ủng hộ và giúp đỡ”.

Nguyệt chia sẻ, trong thời gian mang bệnh có rất nhiều người thân, bạn bè, người quen dành nhiều sự quan tâm cho mình đến mức Nguyệt thấy ngại, sợ rằng mình đang làm phiền người khác nên những dòng trong cuốn tự truyện cũng là lời cảm ơn đến mọi người.

Hỏi về đoạn tâm đắc nhất trong cuốn tự truyện của mình, Nguyệt đọc một lèo thuộc làu: “Em cũng không biết một bệnh nhân ung thư bị coi là mất sức lao động bao nhiêu phần trăm? Nhưng với khí thế sôi sục của tuổi trẻ, em tin tưởng rằng mình có thể chiến thắng được bệnh tật để thực hiện ước mơ của mình. Căn bệnh nan y này không thể dập tắt được những ước mơ của em, mà trái lại nó còn làm cho cháy bỏng và nồng nhiệt hơn…”.

Viết về chuyện tình cảm của mình, Nguyệt vẫn thể hiện rõ khát khao sống, làm việc là được yêu thương của mình. Nguyệt cười: “Ai mà đến với em lúc này thì thật sự là quá dũng cảm, nhưng em vẫn tin mình luôn được yêu thương!”.

Ngày mai, Nguyệt vẫn tiếp tục chống chọi với sự sống để thực hiện ước mơ của mình.

Hoài Nam (dantri.com.vn)

 

Bình luận (0)