NSƯT Lệ Thủy trong vở Áo cưới trước cổng chùa. Ảnh: S.M |
Trước đây, cứ mỗi lần vắt vẻo trên những chuyến phà ngang qua dòng sông Hậu hay thong thả vút tầm mắt theo mấy sợi dây cầu Mỹ Thuận, lại có cảm giác mảnh đất phù sa Vĩnh Long như đang bồi đắp trong tôi cái hình ảnh Lệ Thủy – đứa con của vùng cù lao sum suê cây trái, trĩu nặng ân tình, một tài năng hiếm có của sân khấu cải lương.
Bao nhiêu lần cùng đứng chung trên một sàn diễn là bấy nhiêu lần tôi lại thấy mình không chỉ là đồng nghiệp của Thủy để quăng bắt từng nét diễn, chăm chút mỗi lời ca cho nhau, mà còn là một khán giả say sưa tận hưởng giọng ca ngọt ngào của Lệ Thủy. Đó là một giọng ca đậm chất thổ nhưng không bị trì lại nhờ pha chất kim, nên mỗi khi cất lên cao, giọng ca ấy càng trong suốt, sang sảng. Thủy không chỉ là một đào ca, mà diễn là một tư chất bẩm sinh làm nên phong cách bình dị, gãy gọn và rất bài bản của Thủy. Ví dụ vai Kim Anh trong vở Đời cô Lựu là một vai không dễ. Nó không nhỏ để chìm nhưng không đủ lớn để nổi. Cái số phận đã được an bài của nhân vật xem ra là một thử sức lớn đối với diễn viên. Đoạn Kim Anh bất ngờ khám phá sự thật về người mẹ của mình, Thủy trao đổi với tôi: “Kim Anh cực kỳ thương mẹ, chưa bao giờ nghĩ rằng mẹ mình lại sống cực nhục và đầy thương cảm như vậy. Cuộc đời Kim Anh cũng chưa bao giờ chứng kiến một sự thật chua chát đến thế. Do vậy, đây là lúc cần để cho tâm hồn Kim Anh vỡ ra…”.
Và thế là câu vọng cổ xuất hiện trong tình huống này. Dù không được phép chuẩn bị nói lối, vậy mà với giọng ca trời cho, nhân vật Kim Anh của Lệ Thủy không cần thoại, một bất chợt hốt hoảng ngạc nhiên bước hẳn vào câu vọng cổ bằng một bản lĩnh nghề nghiệp, khiến khán giả không thể không vỗ tay. Cả trăm xuất diễn là hàng triệu bàn tay như làm vỡ tung cả sân khấu. Câu vọng cổ xuất thần của Lệ Thủy như là một sự kết hợp nên sức hút nối kết tình mẹ con giữa Kim Anh và cô Lựu, làm bật lên niềm xót thương của khán giả thưởng ngoạn. Hay trong Áo cưới trước cổng chùa, một Xuân Tự của Lệ Thủy cho đến bây giờ chưa có nghệ sĩ trẻ nào dám thay thế. Đoạn Xuân Tự từ chùa Phù Dung về thăm người mẹ mù lòa, Thủy diễn mà bất cứ khán giả nào cũng phải khâm phục. Nhiều nghệ sĩ có giọng ca hay thì nghĩ là đã đủ, nhưng nghệ thuật sân khấu đòi hỏi nhiều hơn cái đó. Hiếm ai cùng một lúc hội tụ đủ hai yếu tố – ca diễn nhưng Lệ Thủy đã làm được, và trên cả tuyệt vời.
Thấm thoắt đã hơn 20 năm, vậy mà mỗi lần bước lên sàn diễn Đời cô Lựu tôi lại hồi hộp, mong đợi sự xuất hiện của Thủy trên cùng một sân khấu. Ngày ấy, khi chọn người vào vai Kim Anh, hầu như không ai nghĩ đến Lệ Thủy bởi khó có một diễn viên ngôi sao chịu nhận một vai diễn khiêm tốn như thế. Nhưng, vì yêu nghệ thuật và trách nhiệm người nghệ sĩ – công dân trong thời điểm đó, Thủy không nề hà. Mà, suốt một đời theo nghề hình như Thủy chẳng bao giờ kèn cựa, toan tính gì. Sự có mặt và hoàn thiện của Lệ Thủy ở một vai diễn như thế đã làm tôi vừa thương yêu vừa kính phục!
Ngoài đời, Thủy là một phụ nữ thông minh, nhân hậu. Cái nhân hậu hồn nhiên như trái nhãn ngọt ngào của cù lao Đồng Phú nổi lên giữa hai dòng sông Tiền – sông Hậu. Đằng sau cái chân dung người nổi tiếng Lệ Thủy, là hình ảnh người mẹ, người chị, người trụ cột trong gia đình qua những khúc sông hẹp, đường trơn của mỗi đời người, để lại tiếp tục mang đến cho sân khấu tiếng cười thanh xuân, đôn hậu. Thủy đã là một “nghệ sĩ nhân dân” trong lòng của khán giả từ lâu…
TS-NSƯT BẠCH TUYẾT
Bình luận (0)