Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Lên cấp 3 rồi, tớ sợ lắm”

Tạp Chí Giáo Dục

Bước chân vào cấp 3, nhiều teen mang theo cả những ám ảnh ở ngôi trường mới. (Ảnh minh họa)

Nỗi sợ đến từ “anh chị”

Trái với tâm lý vui vẻ, háo hức của đa số các “xì tin” sắp vào cấp 3 thì L.Chi (1993, T.Đ.T) lại tỏ vẻ sợ sệt khi nhắc đến tên ngôi trường của mình: “Vào trường khác thì không sao, trường Đ. này từ xưa tới nay đã nổi tiếng với những sự vụ xé áo, giật quần, thậm chí đâm chém cũng có nữa là”.

Chi là một cô bé khá hiền lành và xinh xắn, sức học của em chỉ thuộc hàng trung bình nên không dám mơ được học ở trường Top. Bố mẹ Chi hứa sẽ “gửi gắm” em cho cô giáo chủ nhiệm để Chi yên tâm đến trường. Khi tìm hiểu về ngôi trường mình sắp học.

Vô tình đọc được một entry trong blog của chị hot girl trường Đ: “Chị không thèm nhìn thì bảo chị lạnh lùng, chị nhìn thì lại bảo chị soi mói. Ngày đầu đến trường thì tha cho, lần sau chị chửi đừng bảo chị ác. Sáng nay may cho em là có mấy con bạn chị ở đó, không thì chị cho em vỡ mặt. Trình độ Kung Fu võ mồm của các em còn non lắm nên đừng có mà khoe ra với bọn chị…”.

Lời lẽ trong đoạn entry này là của H.Y, một đàn chị lớp 12 trường Đ kể về chuyện “dằn mặt” vài “lính mới” đến trường. Phần dưới của đoạn “mào đầu” ấy là đủ những câu chửi, những cụm từ mà Chi đọc xong “Toát cả mồ hôi hột đấy ạ. Nhưng em sợ nhất là những từ ngữ vô học, giang hồ ấy lại được nhiều các comment ủng hộ. Có anh hùng hồn tuyên bố “con nào dám vô lễ với em cứ gọi anh, em cứ việc nằm trên giường xem anh xử nó cho hả giận!”.

Những hiểu lầm đôi khi xuất phát từ một cái liếc mắt, một lời nhận xét, bình phẩm vô tình để “lọt tai” người khác, mặc bộ quần áo “ngứa mắt” hay “dám” xinh và nổi hơn đàn chị… tất cả đều có thể dẫn đến những phản ứng tai hại. Học sinh mới có thể dễ dàng trở thành mục tiêu để trêu ghẹo, săm soi của nhiều “dân anh chị” lớp lớn.

2 lần bị kỷ luật trước lớp cùng với vô số bản kiểm điểm nhưng P.Q.M (1991, H.B.T) vẫn không dứt nổi sở thích “dê gái”. Là “kẻ bệnh hoạn” trong mắt của các bạn gái ở trường nhưng với các cậu con trai cùng lớp thì M. lại là “hình mẫu con trai hiện đại”. Đẹp trai, cao ráo và nhất là có nụ cười mỉm hơi nhếch mép “duyên chết người” nên M tự biết mình rất “sát gái”. Chả cần tốn công mấy M. cũng có thể “tự sướng với các em”.

M thường đứng ở hàng lang các lớp mới để... tăm gáiCậu hay bày trò và làm “gia sư” cho các bạn trai khác về những cách cưa gái của mình. Chỉ cần có em mới vào trường nào đó dại dột nở nụ cười đáp lại ánh mắt của M hay có ý “xin chết” với M là ngay lập tức trò chơi bắt đầu. “Nó hay đứng ở chỗ chiếu nghỉ các tầng có lớp mới vào để… tăm gái. Chỉ cần em nào xinh, ngơ ngác chút xíu là cậu tiếp cận trả vờ hỏi… thầy cô có trong lớp không em? Anh định gửi cái này, rồi giả vờ vấp ngã, ôm chầm vào người em ý” – D.K, một người bạn của M đã từng “tận mục sở thị” các chiêu của M.

“Danh tiếng” của M nổi như cồn, còn lan sang vài trường khác với “thương hiệu”: “Em nào được anh M nhúng tay vô người là hết sẩy, da thịt đẹp ra, lớn nhanh như thổi”. Vài lần kiểm điểm với kỷ luật cũng không làm M từ bỏ cái sở thích đã dần trở thành bản chất con người cậu. Bài học “vỡ lòng” cho các em nữ mới vào trường được các bạn kháo nhau là phải biết “nhận dạng ra M từ lúc cách xa 50m”.

Nỗi sợ đến từ chính mình

Bước chân vào cấp 3, nhiều teen tâm sự rằng đó lại là chu kỳ lặp lại của những “hàng giờ ngồi trên lớp gặm nhấm bài vở, thi cử, thêm vào đó là chuỗi dài lăn lóc ở các lò luyện thi sắp bắt đầu”.

Dương Duy Tùng (học ban Xã hội nhân văn, Việt Đức) băn khoăn về 3 năm cấp III của mình: “Bạn bè mới, thầy cô giáo mới đã là một trở ngại vì để bắt kịp với tất cả cũng phải cần có thời gian. Mình muốn có những năm học vui vẻ, ý nghĩa chứ không phải chỉ biết cắm đầu học. Nhưng mình là đứa lầm lì, ít nói, nên mình sợ sẽ khó có thể kết bạn”.

Nhiều teen khó hòa đồng và kết bạn trong ngôi trường mới (Ảnh minh họa)Ngày đến trường nhập học, Ngọc Huyền (1993, M.C) thích thú về kể với bố mẹ và bạn bè cũ về ngôi trường Huyền sắp gắn bó. Các phòng học rộng rãi, sạch sẽ, sân trường nhiều cây cổ thụ lớn rợp bóng mát “Tớ thích không khí ở đây, có một cái gì đó nhẹ nhàng và thầy cô thì thân thiện, luôn cười vẫy tay với học sinh”. Nhưng sau hai buổi học hè, làm quen với bạn mới thì Huyền hoàn toàn thất vọng: “Đa số các bạn nữ ngồi thành nhóm với nhau. Hết giờ học là cầm tạp chí đọc các mốt thời trang và kể chuyện ra hiệu nào làm móng thì đẹp, ở đâu bán đồ make-up xịn. Tớ không phải là đứa “mù” thẩm mĩ hay diện “lơ mơ” về thời trang nhưng tớ cảm thấy khó nói chuyện hay kết bạn với họ”.

Trái với suy đoán là đa số các “xì tin” cấp 3 có nỗi sợ lớn nhất là chuyện học thi để đỗ đại học, thì nhiều lo lắng khác đến từ những lý do sau: sợ khó thích nghi với môi trường học mới, sợ lạc lõng và khó kết bạn mới (chứ chưa nói gì đến việc tìm được bạn thân), sợ không đủ tiền để… “sành điệu” trong mắt bạn bè.

 

Vượt qua những rào cản tâm lý trên không phải là dễ dàng với nhiều bạn, nhưng nếu đã xác định rõ mục tiêu, đặt ra các nấc thang cho bản thân mình thì các bạn sẽ vững vàng để bước đi. Bên cạnh quyết tâm của bản thân là cần có sự chỉ bảo và chia sẻ từ các bậc phụ huynh.

 

Bác Nguyễn Đức Bình (40 tuổi, P.L) cố gắng động viên tinh thần cho cô con gái sắp vào cấp III Chu Văn An, ban Xã hội, chuyên Địa: “Con bé học khá, chăm chỉ nhưng cũng ít bạn. Đôi lúc bác cũng sợ do áp lực học hành, và chuyện thi đại học nên nó không còn thời gian vui chơi. Bác cũng mong học ở trường mới, nó sẽ có thêm bạn tốt”.

Tháng 8 đã đến và mùa hè – mùa vui chơi, xả hơi đã lại trôi qua. Năm học mới sắp bắt đầu với những giờ học miệt mài và những bài kiểm tra liên tiếp. Các bạn hãy sớm lấy lại “phong độ” học tập của mình, vẫn giải trí nhưng với tần suất ít hơn, dành thêm thời gian xem trước sách giáo khoa, lập thời gian biểu mới, tìm hiểu về các bạn trong lớp… Chắc chắn nỗi sợ sẽ không còn chế ngự lâu trong bạn và sớm phải “chuồn” thôi.

Ly Vũ (dantri.com.vn)

Bình luận (0)