Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Lên cơn suyễn khi nhập học

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh bị suyễn nếu được sử dụng thuốc đúng cách thì vẫn đi học và sinh hoạt bình thường
BS. Trần Anh Tuấn – Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết: “Từ tháng 9 đến nay (sau khi trẻ nhập học – PV), số bệnh nhi nhập viện vì lên cơn suyễn khi đang học trong lớp, đặc biệt là cơn suyễn nặng gia tăng cao so với các tháng trước. Nguyên nhân chính là do các em không được chăm sóc đúng cách nên bệnh trở nặng”.
Trẻ suyễn dễ lên cơn tại trường
Với thời gian ở trường từ 5-9 tiếng/ngày, học sinh chịu nhiều tác động để suyễn lên cơn. Cụ thể như hoạt động gắng sức, áp lực học hành, sự thay đổi môi trường. Đặc biệt, cha mẹ không ở bên cạnh, thuốc không sẵn có, sự thay đổi tâm lý, mặc cảm do bị bệnh. Từ những tác động này, nhiều trẻ đã lên cơn suyễn khi nhập học.
Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã cấp cứu thành công hai ca suyễn nặng (đều là học sinh). Cả hai nhập viện trong tình trạng khó thở, da tím tái, lõm ngực, đặt ống nghe vào phổi thấy có nhiều tiếng rít do đường thở bị co thắt nặng nề. Sau 2-3 ngày điều trị tích cực, hai bệnh nhi đã thoát khỏi bàn tay tử thần.
Khai thác bệnh sử của hai bệnh nhi nói trên cũng như nhiều bệnh nhi là học sinh đến khám và điều trị tại bệnh viện, các BS nhận thấy phụ huynh chưa quan tâm tới bệnh của con em đúng mức. Có trẻ bị khò khè nhiều đợt trong năm, gia đình cho đi điều trị nhưng vừa giảm bệnh thì ngưng thuốc hoặc không đưa đến bệnh viện để khám, tái khám. Còn ở trường học, rất ít nhân viên y tế học đường và giáo viên được tập huấn cách ứng xử khi gặp ca bệnh suyễn. Trong khi với bệnh suyễn, việc xử trí sai, mất bình tĩnh là làm mất đi thời gian vàng khống chế bệnh và trẻ có thể tử vong trên đường chuyển tới bệnh viện.
“Quản lý và kiểm soát suyễn cho trẻ cần sự phối hợp chặt chẽ giữa kiềng ba chân là nhà trường (giáo viên, cán bộ y tế trường học), bệnh viện (BS) và gia đình”, BS. Tuấn nhấn mạnh.
Theo đó, trước khi học sinh nhập học, phụ huynh cần đưa con đi tái khám suyễn, phải bảo đảm suyễn được kiểm soát tốt, cập nhật thuốc điều trị. Song song đó, phụ huynh cần chuẩn bị sẵn thuốc suyễn ở nhà và ở trường, lập bảng hướng dẫn xử trí khi lên cơn suyễn. Đặc biệt, phụ huynh cần nhờ nhân viên y tế trường học hướng dẫn cho trẻ cách dùng thuốc đúng; cung cấp cho nhà trường những thông tin cần thiết về bệnh suyễn của trẻ, các địa chỉ – số điện thoại cần thiết để liên lạc khi trẻ lên cơn suyễn. Ngoài ra, phụ huynh phải bảo đảm luôn có sẵn thuốc suyễn bên cạnh trẻ trong suốt thời gian hoạt động tại trường.
Về phía nhà trường, cần xây dựng môi trường học thân thiện với suyễn. “Trường học phải luôn luôn không có khói thuốc lá; học sinh có thể tiếp cận thuốc nhanh chóng và dễ dàng, học sinh được tự đem thuốc để sử dụng; có lưu đồ xử trí cấp cứu cơn suyễn tại trường học; mỗi học sinh đều có bảng theo dõi và xử trí suyễn cá nhân tại trường; đội ngũ giáo viên – nhân viên được tập huấn về suyễn, kế hoạch theo dõi và quản lý suyễn, thuốc điều trị. Học sinh cũng cần được giáo dục về bệnh suyễn và cách giúp đỡ bạn bị suyễn…”, BS. Tuấn tư vấn.
Đối với các bệnh viện, phải có trách nhiệm tập huấn cán bộ y tế trường học, tổ chức các câu lạc bộ hen suyễn để phụ huynh tham gia.
Khi nào thì học sinh suyễn nghỉ học?
Theo BS. Tuấn thì học sinh bị suyễn có thể tham gia tất cả các môn học thể chất, thể dục và tham gia các kỳ nghỉ, chuyến dã ngoại nếu suyễn được kiểm soát tốt bằng tránh yếu tố khởi phát, sử dụng thuốc phòng đúng cách. Thậm chí ngay cả khi trẻ nghẹt mũi nhưng không khò khè, hoặc trẻ khò khè như hết sau khi dùng thuốc; vẫn làm được các công việc bình thường hàng ngày; trẻ không cần gắng sức để thở thì phụ huynh cũng có thể cho trẻ đi học bình thường. Tuy nhiên: “Cần cho trẻ nghỉ học và đưa đi khám bệnh khi có một trong các dấu hiệu sau: Nhiễm trùng, đau họng, sưng đau hạch cổ; sốt cao, mặt nóng – đỏ; sau khi dùng thuốc cắt cơn trong vòng một giờ mà vẫn còn ho, khò khè; khó khăn trong hoạt động thường ngày; thở nhanh, thở khó…”, BS. Tuấn khuyến cáo.
BS. Tuấn cũng khuyên các phụ huynh có con em bị suyễn cần lưu ý giữ ấm trẻ, tránh cho trẻ tiếp xúc với các yếu tố kích phát cơn suyễn như chó mèo, khói thuốc lá, bụi nhà, thú nhối bông, mền lông… để giảm nguy cơ khởi phát cơn suyễn giúp trẻ bệnh suyễn học tập sinh hoạt như bình thường, hòa nhập với cộng đồng mà không mặc cảm, tự ti về bệnh suyễn của mình. Ngoài ra, nên đưa trẻ đến các trung tâm để được hướng dẫn cách chăm sóc phòng ngừa bệnh suyễn tại nhà cũng như nhận biết các dấu hiệu nặng để đưa các cháu đến bệnh viện sớm.
Bài, ảnh: Kim Anh
Những triệu chứng của suyễn bao gồm: Thở rít, khò khè, ho, thở ngắn hơi, khó thở, nặng ngực. Những triệu chứng này thay đổi tùy người và cũng tùy từng thời điểm…
 

Bình luận (0)