Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Lên đỉnh Batur đón thần mặt trời

Tạp Chí Giáo Dục

Chúng tôi bắt đầu hành trình lên đỉnh Batur, ngọn núi lửa cao hơn 1.700m so với mực nước biển của hòn đảo xinh đẹp Bali (Indonesia) vào lúc 2g30 sáng một ngày rằm.

Xuất phát với đội hình nhỏ gồm anh hướng dẫn viên bản địa Alex và ba du khách, chúng tôi xuyên rừng trong cơn ngái ngủ và cái lạnh co ro của vùng cao lúc sáng sớm. Giấc mộng đón thần mặt trời đi theo mọi người…
Chào đón thần mặt trời trên đỉnh Batur – Ảnh: M.H.
3km đầy cảm xúc
Từ điểm xuất phát, chúng tôi phải vượt qua đoạn đường dài khoảng 3 km trong 2 giờ để lên đến đỉnh kịp đón bình mình. Đoạn đường đầu khá thoải mái, mọi người vừa đi vừa trò chuyện, làm quen lẫn nhau. Vào mùa đông khách (tháng 5, tháng 6 hằng năm), ngày nào Alex cũng bắt đầu leo núi cùng du khách từ 2g30 sáng.
Trăng sáng vằng vặc, chiếu rọi qua những tán cây, ánh sáng dìu dịu lấp lóa con đường mòn lên núi. Giữa sự sảng khoái pha hơi lạnh của khí trời, giữa rừng cây nhiệt đới ngập ánh trăng, cơn buồn ngủ như tan biến.  
Tôi thích thú sờ lên những lớp nham thạch đỏ thẫm dưới chân, nhưng cũng rùng mình với ý nghĩ ngọn núi Batur vẫn còn hoạt động, làng mạc dưới chân núi nhiều lần trải qua thảm kịch khi núi lửa phun trào vào các năm 1917, 1926, 1959, 1963, 1994 và lần phun trào gần đây nhất là vào năm 2000.
Đường càng lúc càng dốc. Sự thay đổi độ cao và áp suất khiến tôi bắt đầu cảm thấy buồn nôn và quay cuồng, phải dừng liên tục để điều chỉnh cơn say và thở lấy sức. Alex đi phía sau liên tục đẩy tôi bằng cả lời nói lẫn hành động nhưng không ăn thua nên vừa đi vừa kéo tay tôi, cả chặng đường dài.
Cát bụi đen, dấu vết của những lần phun trào núi lửa – Ảnh: M.H.
Hồ Batur xanh thẳm, yên bình trong sương sớm – Ảnh: M.H.
Chốn thánh thần
Dừng chân giữa hành trình và quay đầu lại, hồ Batur và làng mạc bên dưới đã hoàn toàn biến mất. Chỉ còn lại mây khói. Chúng tôi đang đi giữa mây! Tiếng gió khi rạt rào xao động, khi hú rền như hồn thiêng núi rừng. Và sương ướt đẫm mái tóc, bờ vai… Đi qua đoạn đường chìm trong mây, vừa ngỡ ngàng thoát khỏi cảnh tiên, mọi người vỡ òa trong hạnh phúc khi vài bước chân nữa là đã lên đến đỉnh Batur.
Trên đỉnh núi, cùng khoảng 20 du khách các đoàn khác, chúng tôi chen chúc co ro trong căn lều tạm bợ, gió luồn vào từng cơn ớn lạnh với chút lo lắng khi trời khá nhiều mây. Mặt trời vừa lấp ló hồng hào xa xa khiến mọi người reo lên sung sướng thì lại trốn biệt tăm.
Tất cả ngồi canh mặt trời, ống kính sẵn sàng. Vậy mà ai nấy nhanh chóng bị đánh lạc hướng khi mây trôi để lộ một bên núi là đỉnh Agung, ngọn núi lửa cao nhất của Bali với độ cao trên 3.000m so với mực nước biển, còn mập mờ trong sương sớm nhưng đã toát ra sự hùng vĩ; và một bên là thung lũng xanh ngắt cùng vách đá dựng đứng khơi gợi rõ rệt sự đứt gãy của tầng địa chất nơi đây.
Đỉnh Agung nhìn từ núi Batur – Ảnh: M.H.
Nhóm người tập yoga chào đón mặt trời – Ảnh: M.H.
Bỗng âm thanh gì đó như tiếng tù và vang lên giữa không gian mênh mông của đất trời. Hóa ra đó là âm thanh từ một nhạc cụ hình ống dài khoảng 1m2, đường kính 8cm do một người đàn ông thổi. Trên mỏm đá nhỏ, một nhóm người bắt đầu ngồi thiền và hai cô gái khác đứng giữa khoảng đất trống tập bài Yoga Surya Namaskar (Chào mặt trời).
Mây trôi ào ạt trong cơn gió mạnh qua đỉnh núi, tiếng tù và xen lẫn tiếng gió. Mặt trời như nghe tiếng chào đón của họ mà dần hiện ra đỏ hồng, nóng ấm. Không phải màn tế lễ hay thờ thần thánh nhưng tôi như trôi, như say và trong khoảnh khắc thấy như mình chạm đến chốn thần tiên.
Sau màn chào mặt trời, một anh chàng trong nhóm yoga gảy đàn ghita hát bài hát mà theo tôi không theo trường phái nào, có chút gì đó hùng tráng, có chút van lơn và câu hát lặp lại là: “We are the sun” (Chúng ta là mặt trời).
Đường về
Trước khi xuống núi trở về bằng con đường khác, chúng tôi được phục vụ bữa ăn sáng độc đáo với món trứng được hấp từ các khe núi lửa ngay trên đỉnh núi. Hơi nóng bốc ra từ các khe đá này cùng mây vẫn còn quần tụ quanh đỉnh núi khiến không gian mờ ảo, níu giữ bước chân du khách. Alex nói đường xuống núi dễ hơn nhiều nhưng tôi không cho là vậy.
Chúng tôi bắt đầu bước qua những rìa đá mà hai bên là vách đá xuôi xuống thăm thẳm, không cây cối, không điểm tựa, phía dưới chân là nham thạch, dấu vết của những lần phun trào núi lửa đang đỏ ánh do còn đọng sương. Mỗi cơn gió mạnh thổi qua cũng khiến người cứng đờ, cứ sợ gió sẽ quật mình rơi xuống.
Qua đoạn đỉnh trơ trọi vì hơi nóng của núi lửa là con đường đất bụi đen, cũng một sản phẩm nữa của phun trào núi lửa. Phóng tầm mắt ra xa là thung lũng, vách núi, triền đá, cây cỏ xanh mát và dưới xa, hồ Batur lại hiện lên một lần nữa nhưng giờ đã rõ rệt, nước hồ xanh thăm thẳm.
Ban mai trong lành trên núi – Ảnh: M.H.
Một ngôi đền Hindu trên đường xuống núi – Ảnh: M.H.
Chúng tôi đến một vách đá linh thiêng, nơi người dân dùng kính để hứng nước thánh từ hơi nóng của khe đá núi lửa. Trong một hang động khác là những chiếc sarong quấn quanh những mỏm đá nhỏ là nơi người dân địa phương thờ cúng thần thánh, những mâm hoa nhỏ hình vuông 10x10cm làm bằng lá cọ, bên trên đựng các loại hoa, bánh trái nhỏ… là đồ thờ cúng của người dân.
Hindu là tôn giáo được hơn 90% người dân Bali theo. Người dân lên núi Batur thờ tự rất nhiều và họ làm sarong quấn quanh chân núi. Tôi không hình dung được chiếc sarong ấy phải dài như thế nào nhưng có thể hiểu chiếc sarong trong đời sống tâm linh của người dân Bali thiêng liêng ra sao.
Càng gần xuống dưới, những khoảnh đất người dân khai hoang để trồng ớt, khoai lang, đậu, chuối xen những vách núi cao hai bên lối đi ken đầy dương xỉ. Không ai còn nhớ đến cái mệt của cả hành trình. Những phút giây chào đón bình minh trên đỉnh núi lửa Batur đã tiếp thêm năng lượng cho mọi người.
MỸ HẠNH (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)